Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO vinh danh: Nhân thêm niềm vui di sản
Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam mang lại dấu ấn mới bởi đây là lễ hội truyền thống đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.
Tin vui cuối năm về Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam càng ý nghĩa hơn khi ở đúng thời điểm Quốc hội vừa thông qua Luật di sản văn hóa sửa đổi và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa 2025-2035.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá, sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn hóa di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm phát huy và bảo tồn di sản cho thế hệ tương lai.
Theo Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ, di sản vừa được công nhận thể hiện sự tiếp nối, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tại tỉnh An Giang, cùng với những ý nghĩa rất sâu sắc: lòng biết ơn, sự gắn kết hài hòa, việc tôn vinh và sử dụng các biểu đạt văn hóa và các lễ hội tâm linh vì mục tiêu chung cho cộng đồng.
Sắc màu từ miền đất phương Nam
Xuất hiện từ xa xưa và được gìn giữ qua nhiều thế hệ, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam tại TP. Châu Đốc, An Giang mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ.
Diễn ra từ 22-27/4 (Âm lịch), Lễ hội được tổ chức trong miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam với các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang, cũng như cư dân vùng Tây Nam Bộ.
Bà Chúa Xứ là vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ nữ thần, luôn che chở, phù trợ cho dân chúng. Chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, Lễ hội là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang, là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa với bản sắc văn hóa độc đáo.
Tử năm 2001, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa-thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ… phục vụ nhân dân và du khách.
Đến năm 2014, Lễ hội tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự trân trọng đối với loại hình lễ hội dân gian đặc sắc này.
Đướng đến với di sản thế giới
Từ năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh An Giang về việc xây dựng hồ sơ Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng hồ sơ.
Sau bốn năm, hồ sơ về Lễ hội là thành quả không mệt mỏi của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của cộng đồng, chính quyền tỉnh An Giang với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và thực hiện vận động.
Là một trong 66 ứng viên được xét duyệt tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam đã vượt qua các yêu cầu khắt khe để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam và Di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật đờn ca tài tử) được UNESCO vinh danh.
Theo đánh giá của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2023, hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội này đáp ứng năm tiêu chí: được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại TP. Châu Đốc tổ chức; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội; Nhà nước đã đề xuất các biện pháp bảo vệ; hồ sơ đề cử đã xác định vai trò của các cơ sở, nhân vật, đại diện cộng đồng và di sản được đưa vào Danh mục quốc gia Di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh An Giang.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang còn nhớ mãi khoảnh khắc xúc động khi nghe tiếng gõ búa thông báo kết quả bỏ phiếu vang lên công nhận di sản của tỉnh nhà.
Ông chia sẻ: “Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, khi nhận được thư mời của Tổng Giám đốc UNESCO, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một hành trình dài sang đất nước Paraguay để bảo vệ di sản văn hóa của mình với niềm hứng khởi và quyết tâm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến người dân, du khách trong và ngoài nước giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc về vùng đất, con người An Giang”.
Câu chuyện gìn giữ và phát huy tài sản chung
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm tự hào đối với người dân An Giang hay Nam Bộ mà còn là niềm vui chung của cả nước.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản, góp phần vào khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại.
Tại kỳ họp lần này, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là minh chứng cho nền văn hóa đa dạng, lâu đời, đậm đà bản sắc của Việt Nam, đồng thời sự công nhận của UNESCO có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: “Với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003, Việt Nam cam kết luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cũng như các di sản văn hóa khác để trao truyền cho các thế hệ tương lai”.
Những ngày này, người dân An Giang phấn khởi tự hào bởi danh hiệu mới sẽ tạo thêm nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững ở địa phương.
Ngày sau khi vinh danh, tỉnh An Giang đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Theo đó, cộng đồng được tham gia đến mức tối đa các hoạt động thực hành, trao truyền, bảo vệ di sản cũng như công tác quản lý. Chính quyền địa phương sẽ tạo hành lang về chính sách, huy động nguồn lực cho việc phát huy các giá trị của di sản.
Nhận thức di sản là tài sản chung của cộng đồng các dân tộc, tỉnh sẽ phối hợp với các tổ chức, nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước để tìm hiểu, sưu tầm tư liệu về lễ hội và tín ngưỡng thờ Chúa Xứ Thánh Mẫu nhằm giải mã các dấu ấn, biểu tượng văn hóa liên quan của các dân tộc cùng thực hành lễ hội.
Mặt khác, theo Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc UNESCO ghi danh Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung; thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ nữ thần ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đề cao những sáng tạo văn hóa tâm linh của các dân tộc và góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc.
Ông Lâm Quang Thi, Bí thư Thành ủy TP. Châu Đốc, An Giang: “Bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, việc ghi danh cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Châu Đốc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chúng tôi sẽ chung sức, đồng lòng thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm phong phú hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội bền vững”.