Phục dựng, trao tặng di ảnh các Anh hùng-Liệt sĩ cho thân nhân tại Ninh Bình
Ngày 12/12, tại Ninh Bình, Hội Cựu Công an nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp Tổ chức 'Trái tim người lính Việt Nam' tổ chức Lễ trao di ảnh Anh hùng-Liệt sĩ Công an nhân dân và Anh hùng-Liệt sĩ có thân nhân là Công an nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân và tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2025).
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Bùi Bá Định, Chủ tịch Hội Cựu Công an nhân dân tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, nhìn lại chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; dân tộc ta đã trải qua biết bao cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đã có hàng triệu người con ưu tú ngã xuống và hàng triệu gia đình mất đi người thân; trong đó, tỉnh Ninh Bình đã có hơn 17.000 liệt sĩ và hàng vạn thương binh.
Để tri ân các Anh hùng-Liệt sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Hội Cựu Công an nhân dân tỉnh Ninh Bình là đơn vị đầu tiên trong cả nước phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”, tiến hành sưu tầm, phục dựng di ảnh của các Anh hùng-Liệt sĩ và thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Đến nay, qua hơn 1 tháng triển khai thực hiện, Hội Cựu Công an nhân dân tỉnh Ninh Bình và Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã sưu tầm, hoàn thành phục dựng gần 100 di ảnh các Anh hùng-Liệt sĩ công an và quân đội quê hương Ninh Bình. Những tấm di ảnh màu sáng đẹp, sống động được phục dựng với kỹ thuật tiên tiến, in trên chất liệu mới mang ý nghĩa nhân văn to lớn.
Đây là hoạt động ý nghĩa, nhằm tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và đấu tranh phòng chống tội phạm vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân.
Thông tin về quá trình phục dựng di ảnh Anh hùng-Liệt sĩ, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức "Trái tim người lính Việt Nam" cho biết, việc phục dựng màu cho di ảnh chân dung sống động và đúng thần thái không hề đơn giản. Yêu cầu người phục dựng không chỉ cần nắm vững kỹ thuật, công nghệ AI, mà còn phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa trang phục, quân trang, quân hàm… từng thời kỳ lịch sử.
Hiện nay, chương trình đang mở rộng trên toàn quốc và đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Các di ảnh sau phục dựng sẽ được giới thiệu trong các sự kiện văn hóa tại nhiều địa phương. Qua đó, góp phần lan tỏa giá trị ý nghĩa và tri ân sâu sắc đến những người đã cống hiến cho quê hương, đất nước; đồng thời, nhắc nhở thế hệ sau về lòng biết ơn và trách nhiệm tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc bằng những việc làm hữu ích, vì một Việt Nam hùng cường.