Bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc

Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023 diễn ra từ ngày 20 - 26/6 tại Cung Văn hóa tỉnh Hòa Bình, do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình tổ chức khép lại đã đem đến cho khán giả yêu âm nhạc nhiều cảm xúc với cái nhìn đa sắc màu và ấn tượng sâu đậm về nhạc cụ dân tộc.

Tiết mục hòa tấu "Linh thiêng thác Bờ" của Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình tham dự tại cuộc thi.

Tiết mục hòa tấu "Linh thiêng thác Bờ" của Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình tham dự tại cuộc thi.

Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình mang đến cuộc thi chương trình về chủ đề "Chiêng Mường thức giấc” với các tiết mục hòa tấu "Chiêng Mường thức giấc”, độc tấu sáo trúc "Nhớ về dòng sông”, độc tấu sáo Mèo "Xuống chợ”, hòa tấu "Linh thiêng thác Bờ” và hòa tấu tác phẩm nước ngoài "Luân vũ hoàn”. Với sự chuẩn bị chu đáo từ lên ý tưởng, dựng kịch bản đến luyện tập và biểu diễn, chương trình của Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã để lại nhiều ấn tượng, cung bậc cảm xúc với các nghệ sĩ, nhạc công và khán giả.

Chia sẻ cảm xúc sau khi kết thúc phần trình diễn, nhạc sĩ Đinh Tùng Bách, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Tham dự cuộc thi với chủ đề "Chiêng Mường thức giấc”, tập thể nghệ sĩ, nhạc công và ê kíp trong đoàn đã nỗ lực tập luyện với mong muốn không chỉ giới thiệu đến người dân cả nước về văn hóa, nhạc cụ, âm nhạc truyền thống độc đáo, đặc sắc của các dân tộc tỉnh Hòa Bình mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa, âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023 đợt 2 tổ chức tại thành phố Hòa Bình có gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 39 đơn vị nghệ thuật trên cả nước với 190 tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đặc sắc của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Các Đoàn Nghệ thuật truyền thống đã thể hiện rõ đặc trưng âm nhạc vùng, miền, địa phương. Các chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu cả về dàn dựng, hòa âm, phối khí, kỹ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ, nhạc công… đã góp phần tạo nên thành công cho mỗi tác phẩm.

Bạn Đỗ Việt Hoàng, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) chia sẻ: Các tiết mục không chỉ thỏa mãn thính giác mà còn thỏa mãn thị giác của khán thính giả. Sau khi xem xong phần trình diễn của đoàn Hòa Bình, tôi cảm thấy bồi hồi, xúc động. Qua các tiết mục, từ trang phục, đạo cụ, hòa phối các nhạc cụ rất đặc sắc đã chạm được mạch nguồn của dân tộc. Tôi hy vọng Hòa Bình sẽ được đăng cai nhiều cuộc thế này để thế hệ trẻ biết được bản sắc văn hóa, âm nhạc dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bằng phong cách biểu diễn tự tin, lôi cuốn, kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu đạt trình độ điêu luyện, tinh xảo, tinh tế trong từng tiếng đàn, giàu cung bậc cảm xúc, được thể hiện qua nhiều phong cách, thể loại từ nhạc truyền thống như chèo, tuồng, tài tử - cải lương, cải biên hay đương đại nhưng vẫn mang tính dân tộc. Bên cạnh đó, các đoàn ca múa nhạc đã thể hiện tính hiện đại trong việc đưa nhạc cụ phương Tây, thanh nhạc hoặc những hiệu ứng khác hỗ trợ cho nhạc cụ dân tộc để có những tác phẩm dân tộc mới hơn, hiện đại hơn. Những kỹ năng, kỹ xảo đó đã giúp các nghệ sĩ truyền tải được nội dung tác phẩm đến người nghe một cách đầy thuyết phục.

Theo PGS,TS Bùi Thiên Hoàng Quân, Giám đốc Trung tâm biểu diễn, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo: Cuộc thi là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp nhằm phát hiện những tài năng âm nhạc truyền thống; là sân khấu để nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ truyền thống được thể hiện khả năng, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đây cũng là dịp các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp rút ra những bài học về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng nhằm tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống ngày càng phát triển.

Những thanh âm đa sắc màu đã được vang lên từ những nhạc cụ dân tộc giàu sức biểu hiện, được trình tấu bởi những nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tài năng từ nhiều địa phương của cả nước. Qua cuộc thi đã khẳng định sức sống của văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, âm nhạc cũng như nhạc cụ dân tộc Việt Nam nói riêng luôn hiện diện trong đời sống tinh thần của người Việt Nam với tính đa dạng và thống nhất là đặc trưng của người dân Việt, văn hóa Việt.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Trải qua 11 ngày đêm biểu diễn tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đã đem đến cho khán giả yêu âm nhạc nhiều cảm xúc với cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm về nhạc cụ các dân tộc. Các tiết mục biểu diễn độc tấu và hòa tấu không chỉ thể hiện tinh hoa của âm nhạc truyền thống mà bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của các dân tộc Việt Nam. Cuộc thi là hoạt động hết sức cần thiết, cần được duy trì, nâng cao về quy mô và chất lượng. Bên cạnh các tiết mục dự thi được đầu tư công phu về vũ đạo, hòa âm, phối khí, kỹ thuật biểu diễn một cách tự nhiên, điêu luyện của các nghệ nhân, nhạc công, vẫn còn một số tiết mục chưa được quan tâm, đầu tư nghiêm túc. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ trì, đơn vị nghệ thuật, nhà hát có nghệ nhân, nhạc công tham gia cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cho các cuộc thi; tiếp tục chú trọng giữ gìn, phát huy các hoạt động nghệ thuật truyền thống của địa phương, đơn vị; có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các nghệ sỹ, nhạc sỹ trẻ, tài năng kế thừa âm nhạc truyền thống của dân tộc trong tương lai.

Đỗ Hà

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/179736/bao-ton,-phat-huy-gia-tri-am-nhac-dan-toc.htm
Zalo