Thấy cuộc đời đẹp hơn và muốn sống tốt hơn
Với những người lầm lỗi đang thi hành án trong các trại giam, việc tham gia các hoạt động văn hóa không chỉ là hoạt động giải trí mà còn giúp họ có thêm cơ hội để học tập, tiếp cận, tìm hiểu về chính sách, pháp luật, về quyền con người đối với phạm nhân. Từ đó, họ thấy cuộc đời đẹp hơn và muốn sống tốt hơn; có thêm động lực, chí hướng phấn đấu, rèn luyện, định hướng nghề nghiệp, mở lối tương lai để sớm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
Mới đây, tại Trại giam Xuân Phước (Bộ Công an), Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh (Sở VHTT&DL) phối hợp với Ban giám thị trại giam này tổ chức biểu diễn văn nghệ và trưng bày sách phục vụ cho cán bộ cùng hơn 600 phạm nhân đang thi hành án phạt tù tại đây. Qua đó lan tỏa tinh thần tích cực, hướng thiện trong các phạm nhân, các phân trại.
Gieo niềm tin hướng thiện
Một trong những hoạt động được Thư viện tỉnh thực hiện theo kế hoạch đã ký kết giữa hai đơn vị là tặng sách để bổ sung vào nguồn tài liệu của trại giam thêm đa dạng và phong phú. Tiếp đó, các cán bộ của Thư viện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu những cuốn sách mà các phạm nhân cần đọc như: Khi mọi thứ sụp đổ, Những tấm gương vươn lên nghịch cảnh, Vì thương... và nhiều cuốn sách khác có nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng.
Ngoài ra, cán bộ Thư viện tỉnh còn hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn để Trại giam Xuân Phước tổ chức các hoạt động đọc sách cho phạm nhân tại các phân trại.
Trong thời gian chấp hành án phạt 8 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản, phạm nhân P.T.H đã tìm đến sách như một người bạn. Theo phạm nhân này, việc đọc sách không chỉ để tìm hiểu kiến thức mà còn để nhìn nhận lại quá khứ bất hảo của mình.
“Hằng ngày đọc sách giúp tôi nhận rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình, từ đó biết hối cải, có hướng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, xã hội, có thể làm tròn trách nhiệm của một người con với cha mẹ, một người cha với con cái. Vì vậy, được giới thiệu các loại sách ý nghĩa trong chương trình, tôi như được khai sáng, cảm thấy lạc quan hơn và có thêm niềm tin về bản thân, xã hội và con người”, P.T.H bày tỏ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức chương trình văn nghệ có chủ đề “Vũng Rô - Khúc ca bất tử” với những tiết mục hát múa được dàn dựng công phu. Hơn 600 phạm nhân xếp hàng ngồi ngay ngắn để xem những ca sĩ, vũ công biểu diễn và cổ vũ hết mình cho từng tiết mục: Huyền thoại Vũng Rô tàu Không số, Vũng Rô - Bến tàu huyền thoại, Đường Hồ Chí Minh trên biển, Tự hào người chiến sĩ công an... tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Khi những thanh âm trong trẻo vút lên, tình đời, tình người chứa chan trong từng câu ca, điệu múa. Các phạm nhân chăm chú lắng nghe từng ca từ và gửi vào đó nỗi niềm sâu kín, khát vọng hoàn lương.
Phạm nhân P.T.T chia sẻ: “Tôi rất thích và rất vui khi được xem chương trình văn nghệ này. Đặc biệt, chương trình đã giúp tôi hiểu biết hơn về lịch sử, những mốc son vẻ vang, chiến công hào hùng của dân tộc nói chung và của Phú Yên nói riêng. Đồng thời giúp chúng tôi có giờ phút vui vẻ sau những giờ lao động và rèn luyện. Qua đó củng cố niềm tin vào bản thân, cuộc sống, có thêm động lực phấn đấu sớm trở về gia đình, tái hòa nhập cộng đồng”.
Nhân văn, nhân đạo và yêu thương
Theo kế hoạch ký kết giai đoạn 2020-2025, Sở VHTT&DL và Trại giam Xuân Phước phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao với các hình thức phù hợp điều kiện quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân như: Giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, chiếu phim, đọc sách báo, vẽ tranh, viết báo tường, viết tự truyện, viết thư xin lỗi, hội thi, thi đấu giao hữu thể thao... Trong đó, việc phục vụ sách báo đối với phạm nhân được Thư viện tỉnh tổ chức thường xuyên, định kỳ hằng năm. Đặc biệt, hoạt động viết cảm nhận về sách đã góp phần hình thành, phát triển, duy trì văn hóa đọc trong phạm nhân.
Không phải đến thời điểm hiện tại mà từ nhiều năm qua, tại Trại giam Xuân Phước, sách báo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi phạm nhân. Với những người một thời lầm lỡ, đang thụ án trong trại giam thì khoảng thời gian đọc sách chính là lúc họ học hỏi, tích lũy kiến thức, chuẩn bị hành trang cho con đường hoàn lương. Đọc sách cũng là cách những người lầm lỗi gột rửa tâm hồn, hình thành và nuôi dưỡng tinh thần hướng thiện.
Theo bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh, công tác phối hợp phục vụ đọc sách cho phạm nhân giữa Thư viện tỉnh và các trại giam nói chung, Trại giam Xuân Phước nói riêng, ngoài yếu tố về chuyên môn hay thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước còn có yếu tố rất quan trọng là tính nhân văn - tôn trọng và yêu thương con người.
Điều đó thể hiện qua việc chọn sách cho các trại giam sao cho phù hợp với từng đối tượng người đọc vào từng hoàn cảnh, hiểu rõ người đọc cần gì. Vì vậy, ngoài các thể loại sách phổ thông về khoa học, lịch sử, văn học…, những cuốn sách tuyên truyền pháp luật của Đảng, Nhà nước và sách giáo dục đạo đức, về tình yêu quê hương đất nước, gương người tốt, việc tốt, hạt giống tâm hồn... là cần có.
“Hoạt động phục vụ sách nhằm tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến phạm nhân. Từ đó thúc đẩy phong trào thi đua cải tạo tốt, phát triển văn hóa đọc, giúp phạm nhân có kiến thức bổ ích trong quá trình rèn luyện, sớm trở về hòa nhập cùng gia đình, cộng đồng và xã hội”, bà Huệ nói.
Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh chia sẻ: “Đưa ánh sáng văn hóa đến các trại giam là một trong những chuỗi hoạt động quan trọng mà ngành VHTT&DL của tỉnh đã thực hiện trong nhiều năm qua. Đây là nhịp cầu nối dài ánh sáng văn hóa đến cánh cửa trại giam, giúp phạm nhân có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần; có thêm kiến thức về văn hóa, xã hội, pháp luật và các giá trị truyền thống của dân tộc. Qua đó tạo môi trường giáo dục cải tạo lành mạnh, góp phần phát triển văn hóa trong phạm nhân để họ chấp hành án tốt, sớm hoàn lương trở về với xã hội”.
Đại tá Trần Văn Dũng, Giám thị Trại giam Xuân Phước nhìn nhận: “Công tác giáo dục phạm nhân trong trại giam là một hoạt động có tính đặc thù thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, gia đình và xã hội để tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện tới từng đối tượng phạm nhân là việc làm rất cần thiết. Đây là liều thuốc tinh thần để mỗi phạm nhân tự giác nỗ lực học tập, lao động, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong thời gian cải tạo”.