Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Huyện Mường Tè có 10 dân tộc cùng sinh sống (La Hủ, Cống, Mảng, Si La, Hà Nhì, Thái, Mông...). Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW), công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện quan tâm, thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW. Đặc biệt, chú trọng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian. Phát huy vai trò của nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bồi dưỡng kỹ năng bảo tồn văn hóa gắn với du lịch.
Trên cơ sở đó, các phòng chuyên môn, tổ chức đoàn thể, cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tập trung nghiên cứu bảo tồn, trao truyền, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Khơi dậy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân. Cụ thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các nhà trường thành lập câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp tổ chức đa dạng hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã biên giới; Liên hoan nghệ thuật quần chúng các bản tái định cư; Hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới; Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Mường Tè...
Ông Giàng A Lình - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chia sẻ: Trong 10 dân tộc đang sinh sống tại huyện có 4 dân tộc đặc biệt ít người là Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Phòng đã tham mưu huyện thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn bằng những hoạt động cụ thể. Đó là, tổ chức phục dựng và duy trì những lễ, tết truyền thống của đồng bào như: tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì; tết ngô của người Cống; Lễ cúng bản của người Si La; tết truyền thống của người Mảng; tết mùa mưa của người La Hủ; tổ chức thành công Ngày hội đại đoàn kết dân tộc; tổ chức hội diễn văn nghệ và thi đấu các môn thể thao truyền thống, chơi trò chơi dân gian... Nhờ đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới, khí thế mới để nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện còn thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với các nghệ nhân vận dụng linh hoạt những chính sách hỗ trợ của Nhà nước tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật sử dụng nhạc cụ và dân ca, dân vũ.
Nặng lòng với văn hóa dân tộc, có nhiều nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện nỗ lực, chủ động tham gia với đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện phục dựng, trao truyền. Nghệ nhân Hù Cố Xuân ở bản Seo Hai (xã Can Hồ) tâm sự: Là nghệ nhân dân gian duy nhất trong đồng bào Si La ở đây, tôi tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của trung ương, tỉnh và huyện tham gia các dự án phục dựng, duy trì, bảo tồn những nghi lễ, văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, phối hợp với người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Si La trên địa bàn truyền lại cho thế hệ trẻ những bài hát ru, dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian truyền thống cũng như nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW bằng nhiều giải pháp, huyện Mường Tè đã và đang phát huy tối đa vai trò của các chủ thể trong bảo tồn văn hóa truyền thống và đạt một số kết quả nổi bật. 14 xã, 110 bản, khu phố thành lập và duy trì thường xuyên đội văn nghệ quần chúng; 30/36 trường học thành lập câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc (gồm các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi dân gian, dệt thủ công), thu hút trên 2.700 học sinh tham gia. Nhân dân các dân tộc xác định rõ vai trò, chung sức phục dựng và duy trì tổ chức ngày hội, lễ, tết của dân tộc. Điều đó, nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của cộng đồng; bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của từng dân tộc, đặc biệt là các dân tộc chỉ có ở huyện Mường Tè.