Bảo tồn di sản, phát triển du lịch

Là tỉnh có nhiều di sản có giá trị, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực khai thác để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để các di sản phát huy giá trị hơn nữa, thúc đẩy du lịch phát triển cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Xây dựng nhiều sản phẩm

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 2 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 116 di tích được xếp hạng quốc gia. Đặc biệt, tỉnh có 5 di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh gồm: Dân ca quan họ; ca trù; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thực hành nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái; mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có gần 800 lễ hội. Đây là những di sản quý giá có thể khai thác để phát triển du lịch.

 Khách tham quan kho lưu giữ mộc bản chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên).

Khách tham quan kho lưu giữ mộc bản chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên).

Nghị quyết số 112, ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định tỉnh tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính là: Văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi, giải trí, thể thao; du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ chất lượng cao. Để thực hiện, các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nghị quyết và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cụ thể. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương được đẩy mạnh; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, nhiều khu, điểm du lịch bước đầu thu hút khách tham quan như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam); các di tích quốc gia đặc biệt: Chùa Vĩnh Nghiêm, Địa điểm chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang), chùa Bổ Đà (thị xã Việt Yên); điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế)…

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết: “Toàn tỉnh đã cơ bản hình thành và khai thác có hiệu quả 4 không gian du lịch trọng tâm của tỉnh gồm: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Ngạn - Sơn Động; không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả; không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf.

Từ năm 2021 đến nay đã có thêm 9 điểm du lịch được công nhận, nâng tổng số khu, điểm du lịch được công nhận toàn tỉnh lên 20. Tổng số khách du lịch trong 4 năm (từ 2021-2025) đạt hơn 9,2 triệu lượt. Năm 2024, lượng khách đến Bắc Giang đạt 2,6 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2023. Năm 2025, ước đạt 3 triệu lượt (đạt 100% mục tiêu Nghị quyết 112 của Tỉnh ủy đề ra); doanh thu từ du lịch đạt hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, năm 2025 ước đạt 3 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 3 nghìn lao động. Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực song hiện nay, sản phẩm du lịch của tỉnh chưa tạo được thương hiệu đặc trưng, giá trị từ hoạt động du lịch mang lại chưa tương xứng với tiềm năng. Các khu, điểm du lịch thiếu khu vui chơi, giải trí lớn; lượng khách lưu trú ít, chủ yếu đi trong ngày, mức chi tiêu thấp.

“Hiến kế” để du lịch cất cánh

Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển từ các di sản, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra những gợi mở có giá trị. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) - người từng có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo du lịch nhìn nhận: Bắc Giang đang sở hữu tài nguyên di sản rất đáng kỳ vọng để trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch miền Bắc. Tỉnh đang đi hướng đúng, đó là phát triển du lịch dựa vào tài nguyên bản địa.

 Khách tham quan Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam).

Khách tham quan Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam).

Từ cảnh quan tự nhiên hoang sơ, hệ thống chùa tháp linh thiêng như Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm đến di sản văn hóa phi vật thể: Quan họ, ca trù đều là những chất liệu quý để phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, muốn nâng tầm vị thế và thu hút du khách lâu dài, Bắc Giang cần định vị rõ bản sắc của mình. Theo bà Thủy, không có bản sắc thì không có lợi thế cạnh tranh. Bản sắc ấy không nằm ở những công trình nhân tạo hoành tráng mà chính là sự cộng hưởng giữa thiên nhiên, văn hóa, con người.

“Bắc Giang cần ưu tiên phát triển chuỗi sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương như tuyến du lịch tâm linh Tây Yên Tử - chùa Vĩnh Nghiêm - Am Vãi, trải nghiệm thu hoạch vải thiều tại Lục Ngạn, khám phá nghề làm mỳ Chũ, kết hợp biểu diễn quan họ, ca trù trong không gian nguyên bản…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy nói.

Đối với các di tích quốc gia đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải được “đánh thức” để tạo ra giá trị kinh tế. Ví như tại Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế có thể mở rộng không gian trưng bày; sưu tầm nhiều câu chuyện, hình ảnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa; cho thuê trang phục, tái hiện hình ảnh nghĩa quân; in sách, tranh ảnh bán cho du khách… Tương tự ở Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang) có thể mô phỏng tái hiện về chiến thắng, cho học sinh tham gia đánh trận giả; chiếu phim 3D, sân khấu hóa kịch ngắn về chiến thắng Xương Giang gắn với trải nghiệm làm bánh đa Kế…

Những mô hình, hoạt động này sẽ thu hút lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên ở trong và ngoài tỉnh. Hay như giá trị di sản văn hóa nổi bật ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) là các công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, nhà cổ, cổng làng…), lễ hội truyền thống, tuồng, ca trù, quan họ. Để biến di sản này thành sản phẩm du lịch cần đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch như: Lưu trú, đường giao thông, bố trí bãi đỗ xe, khu dịch vụ, vệ sinh...

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại du lịch Quốc tế Đình Anh gợi mở: Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào du lịch. Tăng cường liên kết, xây dựng tour, tuyến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng. Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch văn hóa đang là xu hướng của du lịch thế giới hiện nay nhằm tìm về những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Bắc Giang cần đi sâu vào yếu tố văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phục vụ du khách. Mặt khác, Bắc Giang có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước nên có thể phát huy lợi thế này để phát triển du lịch.

Tới đây, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập để thành lập tỉnh mới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, triển vọng mới cho ngành du lịch. Các sản phẩm du lịch sẽ phong phú, đa dạng hơn. Nếu như có sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân sẽ tạo đà để du lịch của tỉnh bứt phá, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch miền Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-ton-di-san-phat-trien-du-lich-postid417729.bbg
Zalo