Bão, lũ nối tiếp, nhiều khu dân cư Quảng Ngãi chìm trong nước
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ khiến nhiều khu dân cư bị ngập nặng, cô lập. Cuộc sống sau bão số 9 của người dân vẫn còn ngổn ngang vì thế chất chồng khó khăn
Tối 5 và ngày 6/11, Quảng Ngãi có mưa to. Theo tin từ đài khí tượng tỉnh Quảng Ngãi, tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu vùng thấp do bão số 10 suy yếu nên đêm 6/11, khu vực tỉnh Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Ước tính tổng lượng mưa từ 13h giờ ngày 6/11 đến 13 giờ ngày 7/11 phổ biến ở vùng đồng bằng từ 30 - 70 mm, có nơi trên 70 mm; Khu vực vùng núi trong khoảng 60 - 120 mm, có nơi trên 150 mm.
Ngày 6/11, đài khí tượng tỉnh Quảng Ngãi cũng phát đi thông tin cảnh báo lũ trên các sông. Trong đó, nước trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu lên 5,88m,trên mức báo động 3 là 0,38m. Chính vì lũ dâng cao khiến cho hàng trăm hộ dân ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị ngập sâu, chia cắt.
Chưa kịp sửa lại nhà cửa sau bão số 9, gia đình bà Trần Thị Liễu (ngụ thôn An Trường, phường Phổ Ninh) lại phải hứng chịu thêm đợt lũ dâng. Nước lớn bất ngờ khiến vợ chồng bà trở tay không kịp, nhiều đồ đạc bị trôi dạt, hư hỏng.
“Lúc 2 giờ 30 phút, tiếng nước chảy rất mạnh làm tôi tỉnh giấc, vừa bước ra ngoài hiên nhà xem tình hình. nước chảy ào ào vào nhà, trở tay không kịp. Sách vở của các con, áo quần, lúa thóc… bị cuốn trôi hết. Thời điểm này cúp điện nên tôi lo chạy đi tìm chỗ trú thân. Thiên tai tới dồn dập đến liên tục khiến gia đình tôi không còn gì cả”, bà Liễu bật khóc.
Dù quen với cảnh lũ lụt đã lâu nhưng ông Nguyễn Văn Năm (phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nước lên quá nhanh. “Chỉ trong 15 phút đã vào trong nhà đến 5 tấc. Phải kê giường liên tục để cho mọi người trong nhà tránh lũ. Đồ điện phải lo kê, dọn trước. Còn mấy đồ đạc khác đành chịu cảnh ngâm nước vì dọn không kịp”.
Không chỉ ông Năm, bà Liễu, nhiều người dân thị xã Đức Phổ cũng ở trong tình cảnh “bất lực” với nước lũ khi lên quá nhanh.
Ghi nhận tại phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) trong ngày 6/11, nhiều khu vực bị ngập sâu tới 1,5m. Gần 80 hộ dân bị cô lập trong nước lũ. Nước dâng nhanh từ lúc rạng sáng. Nhiều người dân có nhà ở vùng bị ngập sâu phải di dời đến nhà người thân và nhà tránh lũ ngay trong đêm. Tại thị xã Đức Phổ, nước lũ dâng cao còn khiến cho một số phường ở khu vực hạ lưu sông Trà Câu như Phổ Văn, Phổ Minh, Phổ Minh… bị ngập rất nặng, có nơi hơn 1 mét.
Ông Võ Minh Vương, Phó chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ thông tin, có khoảng 800 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu ở các phường Phổ Ninh, Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Minh bị ngập, chia cắt. Từ rạng sáng, UBND thị xã Đức Phổ đã huy động lực lượng công an, quân đội và lực lượng xung kích tại chỗ của các xã, phường khẩn trương hỗ trợ người dân vùng bị ngập sâu di dời đến nơi an toàn.
Trước mắt, ưu tiên người già và trẻ nhỏ. Đồng thời, bố trí lực lượng chốt chặn ở những điểm giao thông bị ngập, để người dân qua lại được an toàn. Sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” giúp người dân trong mọi tình huống. Học sinh cũng được thôn báo nghỉ học. Bên cạnh đó, tại các tuyến đường dân sinh bị ngập sâu, chính quyền phân công, bố trí các lực lượng chốt chặn để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua lại.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoài, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị, Ban chỉ huy Quân sự thị xã Đức Phổ thông tin thêm, trong ngày 6/11, lực lượng thường trực gồm 20 người đã phối hợp cùng 40 dân quân tự vệ tại 2 phường Phổ Ninh và Phổ Văn đã triển khai công tác di dời người dân. Chiều cùng ngày, đơn vị đã hoàn tất việc di dời 15 hộ dân đến vị trí khác trong đó, có 6 người già và 9 trẻ em”.
Cũng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 10, ngoài thị xã Đức Phổ, tại huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) và một số khu vực trong TP. Quản Ngãi cũng xảy ra tình trạng ngập.
Tại Nghĩa Hành, các xã: Hành Đức, Hành Dũng, Hành Minh, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây…bị chia cắt, cô lập. Riêng xã Hành Tín Tây có khoảng 350 hộ dân bị cô lập. Trong ngày 6/11, chính quyền huyện Nghĩa Hành huy động lực lượng về các điểm xung yếu, trũng thấp để di dời dân, giúp dân di chuyển tài sản đến nơi cao ráo, đồng thời chốt chặn các tuyến đường bị nước lũ ngập sâu, kiên quyết không cho người dân qua lại nhằm bảo đảm an toàn tính mạng.