Triển vọng quỹ mở: Tăng trưởng 2 con số

Rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sự trưởng thành của các công ty quản lý quỹ giúp số lượng quỹ mở cũng như số vốn huy động tăng lên và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới.

Quỹ mở ngày càng hấp dẫn

Từ năm 2023 đến nay, dòng tiền đầu tư vào quỹ mở tăng mạnh, đặc biệt là quỹ đầu tư trái phiếu, với dòng vốn vào ròng đạt trên 10.000 tỷ đồng. Theo đó, số lượng công ty quản lý quỹ cũng như quỹ đầu tư gia tăng cùng với sự tăng trưởng tổng tài sản quản lý.

Mới đây nhất, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) ra mắt quỹ mở mới mang tên “Quỹ đầu tư thu nhập chủ động VCBF”.

Trước đó, trong tháng 7/2024, VinaCapital ra mắt Quỹ đầu tư cổ phiếu cổ tức năng động VinaCapital, đầu tư vào các công ty niêm yết có dòng tiền và tài chính lành mạnh và khả năng trả cổ tức cao trong dài hạn. Quỹ có mức rủi ro từ trung bình đến cao, phù hợp với nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao, có ý định đầu tư trung và dài hạn, chấp nhận được biến động của thị trường trong ngắn hạn.

Xét về hiệu suất hoạt động, tính từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quỹ có hiệu suất tích cực khi 40/66 quỹ đạt mức tăng cao hơn mức tăng 10,7% của VN-Index, trong đó Quỹ VMEEF tăng 32%, Quỹ SSI-SCA tăng 29,9%, Quỹ VLGF tăng 26,3%...

Kết quả đầu tư của nhiều quỹ mở thể hiện vượt trội trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, khiến nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn về lợi ích của quỹ mở.

Ông Hồ Nhật Quang, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) cho rằng, với đà tăng trưởng ổn định, quỹ mở đang nổi lên như một điểm sáng trên thị trường tài chính Việt Nam, thu hút sự quan tâm lớn từ cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn, các quỹ mở đã chứng minh là một giải pháp thay thế hiệu quả, với sự đa dạng trong sản phẩm đầu tư như quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu hay quỹ cân bằng, đáp ứng nhiều khẩu vị rủi ro.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhờ các chiến dịch giáo dục tài chính và khả năng tiếp cận dễ dàng qua nền tảng trực tuyến, ngày càng nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lựa chọn quỹ mở như một kênh đầu tư an toàn và linh hoạt. Các công ty quản lý quỹ cũng không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp nhà đầu tư dễ dàng theo dõi và quản lý tài sản mọi lúc, mọi nơi.

“Tương lai của quỹ mở tại Việt Nam rất triển vọng, đi cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ và sự mở rộng liên tục của thị trường tài chính. Không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, quỹ mở còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, ông Quang nói.

Ở góc độ cơ quản lý, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, ngành quỹ đang có nhiều chuyển biến tích cực, thông qua sự tăng trưởng về số lượng tài khoản chứng chỉ quỹ tăng, các phiên giao dịch của chứng chỉ quỹ cũng tăng… Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng hiện nay thông qua các con số tuyệt đối, ngành quỹ vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển khi tổng giá trị tài sản các quỹ nắm giữ ở mức khiêm tốn so với nhiều thị trường trong khu vực. Chính vì vậy, phát triển ngành dịch vụ quỹ cũng như phát triển nhà đầu tư có tổ chức là định hướng lớn của cơ quan quản lý. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát lại Luật Chứng khoán, các thông tư để sửa đổi và có những gợi mở hơn cho ngành quỹ phát triển cùng với Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Kỳ vọng tăng trưởng 2 con số

Với ưu điểm về tính thanh khoản, khả năng đa dạng hóa danh mục và sự quản lý chuyên nghiệp từ các công ty quản lý quỹ, quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu đã và đang thu hút sự quan tâm từ cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc VCBF kỳ vọng, năm 2025 sẽ là năm phát triển đột phá của ngành quỹ. Cùng với triển vọng tích cực của nền kinh tế khi chính phủ đang thực hiện quyết liệt việc tái cấu trúc, cắt giảm bộ máy và thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang đến rất gần. Đây là tiền đề quan trọng cho thị trường quỹ phát triển. Ngoài ra, VCBF kỳ vọng, Chính phủ sẽ có các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tốt nên niêm yết (ví dụ như giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp niêm yết mới trong năm 2025, 2026) để tạo một làn sóng niêm yết mới, bổ sung hàng hóa chất lượng cho thị trường, góp phần mang lại kết quả đầu tư hiệu quả và bền vững cho các quỹ.

Đặc biệt, nhu cầu đầu tư với loại hình quỹ mở của người dân được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính. Một là, nhu cầu quản lý tài sản có xu hướng tăng đáng kể khi GDP bình quân đầu người đạt 5.000 - 10.000 USD. Ở mức thu nhập này, sau khi đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, cá nhân có thể tích lũy tài chính và tập trung vào việc tích sản thông qua các khoản đầu tư. Hai là, dư địa để phát triển các loại hình đầu tư gián tiếp là rất lớn, khi tỷ lệ tài sản được quản lý (AUM) mới chỉ đáp ứng chưa đến 10% tài sản trong dân và AUM/GDP quốc gia hiện nay chỉ đạt 6,44%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Triển vọng phát triển của quỹ mở tại Việt Nam trong thời gian tới được bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI (PVI AM) đánh giá tích cực và dự báo tiếp tục tăng trưởng 2 con số, dựa trên các yếu tố như: chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, người dân gia tăng hiểu biết về lợi ích của quỹ mở, nhiều nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên lựa chọn kênh này, đặc biệt trong chiến lược đầu tư trung và dài hạn. Trong khi đó, năng lực của các công ty quản lý quỹ được nâng cao, giúp hoạt động đầu tư qua quỹ giảm thiểu rủi ro, trong đó có việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, hạn chế bị ảnh hưởng bởi các trái phiếu hoặc tài sản có hiệu suất kém.

Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trien-vong-quy-mo-tang-truong-2-con-so-post360799.html
Zalo