Bảo đảm thực phẩm sạch, an toàn cho du khách
Sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều lễ hội xuân. Nhằm phục vụ nhân dân, du khách, ở lễ hội xuất hiện nhiều dịch vụ ăn uống. Do tính chất thời vụ, lượng khách đông nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) mùa lễ hội vẫn còn nhiều nỗi lo, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh.
Hàng quán mọc lên như nấm
Tại đền Xương Giang (TP Bắc Giang) dịp lễ hội kỷ niệm 598 năm Chiến thắng Xương Giang có vài chục xe đẩy bán đồ ăn vặt như: Xúc xích, nem rán, chân gà ủ muối, lạp xưởng cùng nhiều loại kẹo màu thủ công kèm theo các đồ uống: Trà sữa, nước ngọt, nước mía... Hầu hết thực phẩm không được che đậy cẩn thận. Những bó mía được cạo sẵn vỏ để ép lấy nước bán cho khách song không bọc túi nilon mà để ngay dưới mặt đất nơi đông người qua lại. Nhiều chai tương ớt không có tem nhãn. Cảnh tượng này diễn ra tương tự tại chùa Vĩnh Nghiêm. Những mặt hàng bày bán hầu hết không để trong tủ kính, bụi đường bám đầy. Không ít xô đựng nước rửa thìa, cốc, bát, đĩa đục ngầu được người bán hàng tận dụng để rửa.
![Đồ ăn nhanh bày bán tại khu vực chùa Bổ Đà (TX Việt Yên) không được che đậy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_409_51478934/de55a030927e7b20226f.jpg)
Đồ ăn nhanh bày bán tại khu vực chùa Bổ Đà (TX Việt Yên) không được che đậy.
Tại chùa Bổ Đà (TX Việt Yên), Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), hai bên đường xuất hiện nhiều hàng quán. Đồ ăn bày bán cơ bản không được che đậy; các chảo mỡ, dầu ăn ngả màu xám, đen được người bán hàng tận dụng để rán xúc xích, chả xiên bán cho khách. Ông Nguyễn Kim Cương, Trưởng Phòng Y tế huyện Sơn Động cho biết: “Những người bán hàng tại các khu vực lễ hội không chỉ là người của địa phương mà có cả những huyện, tỉnh khác đến. Huyện đã thành lập các tổ kiểm tra song rất khó phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm vì thiếu thiết bị xét nghiệm, phân tích mẫu thực phẩm”.
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 800 lễ hội, tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Theo đó, ở các điểm di tích, nơi diễn ra lễ hội, nhiều điểm bán hàng di động mọc lên với đủ các loại đồ ăn uống nhanh được bày bán. Mặc dù các ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm ATTP trước, trong, sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội theo chỉ đạo của T.Ư, tỉnh song công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở nhiều nơi vẫn còn lỏng lẻo, thậm chí bỏ ngỏ. Người dân cảm thấy lo ngại không biết những đồ ăn, uống mà họ đưa vào cơ thể có chứa chất cấm, có nguồn gốc xuất xứ và có bảo đảm về ATTP hay không.
Chị N.T.C ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết, cách đây ít ngày, gia đình chị đi lễ chùa Bổ Đà (TX Việt Yên), buổi trưa có ăn một số đồ ăn nhanh của người bán hàng rong ở gần chùa. “Về đến nhà, cả gia đình tôi đau bụng, đi ngoài nhiều lần. Cũng may là không ai phải vào viện”, chị C nói.
Ông Nguyễn Văn Thể, Trưởng Phòng ATTP (Sở Y tế) cho biết: “Do không có cơ sở kinh doanh cố định nên các điểm bán hàng ở các lễ hội được xếp vào nhóm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Theo Quyết định 20, ngày 30/8/2024 của UBND tỉnh Quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, UBND cấp huyện quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo Luật ATTP, nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, ô nhiễm; nguyên liệu để chế biến phải bảo đảm ATTP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng... Quy định là vậy song nhiều cơ sở kinh doanh, người bán hàng chấp hành chưa nghiêm. Trong khi đó, việc vận chuyển, kinh doanh mặt hàng thực phẩm diễn biến phức tạp. Tính từ ngày 1/11/2024 đến ngày 12/2/2025, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý 58 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh mặt hàng thực phẩm với số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng, trong đó có 3 vụ chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý. Trong số hàng hóa tiêu hủy có 180 gói sữa, hơn 9.800 gói bánh kẹo các loại không rõ nguồn gốc; gần 6 nghìn gói chân gà, xúc xích các loại nhập lậu…
Tính từ ngày 1/11/2024 đến ngày 12/2/2025, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý 58 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh mặt hàng thực phẩm với số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng, trong đó có 3 vụ chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý. Trong số các hàng hóa tiêu hủy có 180 gói sữa; hơn 9.800 gói bánh kẹo các loại không rõ nguồn gốc; gần 6 nghìn gói chân gà, xúc xích các loại nhập lậu…
Hiện đang là thời điểm sôi động của mùa lễ hội, nguy cơ mất ATTP có thể xảy ra ở tất cả các khâu của chuỗi thực phẩm, đặc biệt tại các địa phương có tổ chức lễ hội. Để bảo vệ sức khỏe người dân, cần sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía. Trong đó, các địa phương cần quán triệt nghiêm sự chỉ đạo của T.Ư, tỉnh về bảo đảm ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Được biết, ngày 6/2/2025, Sở Y tế có văn bản gửi các đơn vị trong ngành y tế, phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội. Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị tham mưu với UBND, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các huyện, thị xã, thành phố quán triệt nghiêm các văn bản chỉ đạo của T.Ư, tỉnh. Tăng cường quản lý, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ lễ hội; các điểm kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống tại các khu, điểm du lịch. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử phạt đối với cơ sở vi phạm…
Ông Nguyễn Hữu Đính, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết: “Mỗi năm, trên địa bàn TP có gần 180 lễ hội. Cùng với tiếp tục thực hiện kế hoạch đã được ban hành trước đó, cách đây ít ngày, UBND TP có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm ATTP tại các lễ hội. Ngoài kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn vệ sinh ATTP đối với các cơ sở kinh doanh, nhất là những cơ sở gần khu di tích, khu vực tổ chức lễ hội, phát hiện sớm các vi phạm để xử lý. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP”.
Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các địa phương cần trang bị thêm thiết bị, dụng cụ y tế có khả năng kiểm tra, phân tích mẫu xét nghiệm nhanh. Mặt khác, người dân cần cẩn trọng sử dụng đồ ăn uống, không dễ dãi dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các lễ hội, điểm di tích. Lựa chọn những hàng quán sạch sẽ, bảo đảm các điều kiện về ATTP nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.