Giá trái cây tăng mạnh
Những ngày này, nông dân ở các tỉnh miền Tây Nam bộ như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… phấn khởi vì giá nhiều loại trái cây chủ lực tăng cao. Trong đó sầu riêng, dừa tăng giá gấp 2 tới 3 lần so với khoảng một tháng trước đó, mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhiều nhà vườn.
Liên tục trong gần một tháng trở lại đây, hàng ngàn nông dân trồng dừa ở tỉnh Bến Tre hết sức vui mừng vì giá dừa khô xuất khẩu tăng mạnh. Anh Huỳnh Văn Trung, 36 tuổi ở xã Châu Hòa (huyện Giồng Trôm) cho biết giá dừa hiện nay được thương lái thu mua là 120.000 tới 140.000/chục (12 trái) tại vườn. Đây là mức giá mà hầu hết người trồng dừa đều mơ ước.
“Cứ nghĩ gần tết thì giá dừa sẽ tăng nhưng không nghĩ là cao như vậy. Tôi mới hái bán hơn 800 trái tuần trước. Dự kiến tuần tới sẽ hái hơn một ngàn trái nữa. Dừa bây giờ giá cao nên mình tranh thủ mua thêm phân bón để chăm sóc, trồng thêm cây mới nữa. Chỉ cần giá dừa ở mức trên trăm ngàn mỗi chục thì nông dân đã rất vui rồi”, anh Trung cho biết.
Được biết, dừa ở Bến Tre được nông dân thu hoạch gần như quanh năm và có nhiều lựa chọn. Nếu cắt sớm để bán dừa tươi thì giá thấp nhưng nhanh cho vụ mới. Ngược lại đợi dừa già vỏ thì giá cao hơn. Hiện nay, ngoài dừa khô thì ghi nhận thực tế cho thấy giá dừa tươi cũng nhích lên so với khoảng một tháng trước. Nguyên nhân bởi thời gian này, thời tiết khu vực phía Nam đã qua mùa mưa, bắt đầu nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ dừa cũng tăng theo. Khác với giá dừa khô, giá dừa tươi không dao động quá nhiều do chỉ tiêu thụ ở khu vực nội địa, chủ yếu là thị trường TPHCM.
Nguyên nhân khiến giá dừa tăng cao là do nhu cầu xuất khẩu đi Trung Quốc của doanh nghiệp nhiều. Và năm trở lại đây, dừa là một trong số ít các loại trái cây có giá trị xuất khẩu xấp xỉ 1 tỷ USD/năm. Thống kê cũng cho biết khoảng 88% diện tích dừa của cả nước nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong đó tỉnh Bến Tre chiếm gần một nửa diện tích cả vùng. Giá dừa tăng cao tác động tích cực tới nhiều người dân ở khu vực này.
Tương tự dừa, những ngày gần đây nhiều thương lái thu mua sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… cho biết loại trái cây này đã tăng giá trở lại. Thậm chí giá sầu riêng cao gần gấp hai lần so với chừng một tháng trước. Trong đó sầu riêng Thái loại một (từ 2,5 tới 4kg, có 3 hộc trở lên) có giá khoảng 200.000/kg. Các loại sau giá giảm dần nhưng cũng từ 150.000/kg. Trong khi đó sầu riêng Ri6, loại được trồng phổ biến nhất ở các tỉnh Tây Nam bộ hiện được thương lái thu mua với giá từ 100.000 tới 120.000/kg.
Theo một số nông dân trồng sầu riêng ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), đây chưa phải là mức giá cao nhất của loại trái cây này nhưng so với thời gian trước thì tăng khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là các vựa bắt đầu gom hàng chuẩn bị cho dịp tết và hiện nay cũng đang là thời điểm trái mùa, sản lượng sầu riêng của nhà vườn không nhiều khiến giá bị đẩy lên.
Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì thì việc giá trái cây này ở mức cao cũng là tín hiệu tích cực với nhiều nông dân. Vài năm trở lại đây, sầu riêng được rất nhiều nông dân ở miền Tây Nam bộ trồng và thu hoạch gần như quanh năm. Ngoài thời gian chính vụ (của sầu riêng Ri6) là tháng 5-6 thì các tháng trong năm nhà vườn vẫn có sầu riêng bán vụ nghịch do biết cách canh tác, điều chỉnh quy trình sản xuất.
Một số thương lái thu mua sầu riêng ở huyện Cái Bè cho biết giá loại trái cây này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc. Mỗi năm giá có thể lên xuống vài lần, biên độ dao động cũng khá lớn. Hiện nông dân trồng sầu riêng cũng quen với việc giá cả thị trường tác động tăng giảm nhanh nên khi thấy giá cao, nhiều nông dân bắt đầu tranh thủ để bán. Những thương lái ở đây cũng dự báo giá sầu riêng có thể ở mức cao cho tới thời điểm Tết Nguyên đán.