Giá vàng miếng SJC đảo chiều, tăng 500.000 đồng mỗi lượng

Do giá vàng thế giới tiếp tục tăng 11 USD so với cùng thời điểm phiên trước nên đã kéo giá vàng trong nước tăng từ 200.000 - 500.000 đồng một lượng.

Giá vàng trong nước tăng theo giá thế giới

Giá vàng trong nước tăng theo giá thế giới

Hai thương hiệu vàng trong nước phiên sáng nay 9/1 điều chỉnh tăng từ 200.000 - 500.000 đồng/lượng, tỷ giá USD cũng tăng 8 đồng.

Tại thời điểm 9 giờ, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Công ty Phú Quý và Công ty Doji cùng niêm yết giá vàng SJC từ 84,5 - 86 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu thông báo từ 84,9 - 86,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, vàng nhẫn tại Công ty Phú Quý tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước, hiện doanh nghiệp thông báo từ 84,7 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Giá vàng nhẫn SJC 999.9 cũng điều chỉnh tăng 500.000 đồng, hiện giao dịch ở mức 84,5 - 85,8 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng đảo chiều tăng 11 USD so với cùng thời điểm phiên trước, hiện giao dịch ở mức 2.659 USD/ounce. Mức giá này tương đương 82,6 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ngày 9/1 là 24.338 VND/USD, tăng 8 đồng so với phiên trước.

Với biên độ +/-5%, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD từ 25.164 - 25.554 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 8 đồng. Tương tự, Vietinbank và BIDV điều chỉnh tỷ giá USD về mức từ 25.194 - 25.554 đồng/USD và Eximbank thông báo tỷ giá USD từ 25.160 - 25.554 đồng/USD, cùng tăng 8 đồng so với chốt phiên trước.

Đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động thời gian qua cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp.

Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu, đây là giải pháp khá hiệu quả.

Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng SJC trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng.

Chỉ rõ diễn biến vàng tiếp tục phức tạp, khó lường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.

VN (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gia-vang-mieng-sjc-dao-chieu-tang-500-000-dong-moi-luong-402589.html
Zalo