Bảo đảm an toàn lao động cho công nhân
Xây dựng môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa những tai nạn lao động, sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, huyện Phù Yên tích cực triển khai với nhiều biện pháp phù hợp với từng doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Huyện Phù Yên có 40 đơn vị sử dụng lao động, với gần 5.000 công nhân làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, giày da và may mặc. Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng công đoàn cơ sở của các đơn vị tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát về chi trả tiền lương, chế độ nghỉ phép, ốm đau, thai sản của công nhân. Giám sát các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động khi làm thêm giờ, ăn ca, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với công nhân. Hiện nay, toàn huyện đã có 30 lượt doanh nghiệp thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể.Bà Hoàng Thị Hồng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phù Yên, cho biết: Phòng tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên nhiệm vụ bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) tại các nhà máy, các doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người lao động về ATLĐ. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức 20 cuộc tuyên truyền về ATLĐ với sự tham gia của đông đảo công nhân, người lao động đang làm việc tại các nhà máy, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.
Trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hầu hết các nhà máy đều nhận được nhiều đơn đặt hàng, công nhân tăng ca thêm 2 giờ làm việc mỗi ngày. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm các quy định về ATLĐ luôn được đặt lên hàng đầu. Các nhà máy đã chủ động mua sắm đầy đủ các trang bị, đồ bảo hộ lao động, gồm: Găng tay, quần áo, mũ bảo hộ, khẩu trang… để trang bị cho công nhân, người lao động. Đồng thời, chủ động xây dựng ý thức từ mỗi công nhân luôn tự giác chấp hành các quy định về ATLĐ trong các ca sản xuất hằng ngày, nhất là đối với người lao động làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và sản xuất vật liệu xây dựng. Hệ thống các loại máy móc thường xuyên được kiểm tra, hiệu chỉnh, bảo dưỡng, nhằm bảo đảm an toàn khi vận hành.Có gần 3.000 công nhân làm việc tại 3 nhà máy trên địa bàn huyện Phù Yên, Xí nghiệp giày Phù Yên – Công ty cổ phần Giày Ngọc Hà luôn tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo ATLĐ. Do phần lớn các nguyên liệu và hóa chất phục vụ sản xuất đều là vật liệu dễ cháy nên việc chủ động phòng cháy luôn được Ban Giám đốc xí nghiệp chú trọng. Hằng năm, 100% các cán bộ, công nhân và người lao động đều được tham gia tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy. Công nhân được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động; được khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và hỗ trợ điều trị nếu có mắc các bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động.
Ông Bùi Mạnh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp giày Phù Yên, thông tin: Từ cuối năm 2024, Xí nghiệp đã đưa một số loại máy móc công nghệ cao vào sản xuất; do số lượng đơn hàng tăng cao nên đơn vị đã thực hiện tăng ca sản xuất. Doanh nghiệp quán triệt đến toàn thể công nhân phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về ATLĐ. Đặc biệt phải thực hiện đúng quy định khi vận hành các loại máy chặt, máy gò, tránh để xảy ra tai nạn lao động. Ban Giám đốc Xí nghiệp chỉ đạo thường xuyên kiểm tra đường dây điện, các loại máy bơm hơi để kịp thời thay thế, tránh nguy cơ bị chập điện và bình hơi nổ do thiết bị xuống cấp.Đối với công nhân Nhà máy may Phù Yên - Công ty cổ phần may Tâm Việt thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều bụi mịn. Do đó, trong mỗi ca sản xuất, 100% các công nhân đều được trang bị khẩu trang. Chị Cầm Thị Minh, công nhân Nhà máy, cho biết: Với đặc thù sản xuất trong môi trường có nhiều bụi mịn, ngoài đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, Nhà máy còn thường xuyên tổ chức vệ sinh các phân xưởng, nhằm đảm bảo vệ sinh và môi trường lao động cho công nhân chúng tôi.
Trong 4 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Phù Yên không ghi nhận trường hợp tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp, nhà máy tổ chức hoạt động sản xuất liên tục, phát triển ổn định và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế tại địa phương.