Thiếu nhạy cảm giới trong thực hiện sáng kiến về khí hậu ảnh hưởng sinh kế của phụ nữ
Theo cảnh báo của các chuyên gia, việc không tính đến yếu tố giới cũng như không tuân thủ công ước quốc tế khi thực hiện các sáng kiến về khí hậu có thể làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu đất đai của phụ nữ cũng như cơ hội sinh kế của họ.
Việc công nhận đất đai của người bản địa rất quan trọng để đạt được các mục tiêu về rừng và đa dạng sinh học. Điều này được thừa nhận trong các sáng kiến như Mục tiêu 30x30 của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu, Giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD+) và Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu này nếu không tuân thủ nguyên tắc, công ước quốc tế có thể xâm phạm đến quyền sở hữu đất đai của người bản địa do thiếu sự công nhận và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định liên quan đến các sáng kiến về khí hậu.
Wayuu là một cộng đồng theo chế độ mẫu hệ ở Colombia. Cô Rosa Velásquez, một người Wayuu ở La Guajira (Colombia), được chào đón bằng những tua-bin gió khổng lồ trải dài trên đường chân trời khi trở về ngôi làng nơi cô được sinh ra.
"Chúng tôi sống giữa những tua-bin. Các công ty thích chúng nhưng tôi thì không", cô Velásquez tâm sự sau nhiều năm phải xa ngôi làng Jotomana của mình vì không còn cơ hội sinh kế.
Trong khi Velásquez vật lộn với cuộc sống xa quê thì một phụ nữ Wayuu khác là Leiji Hana González (32 tuổi) và gia đình của mình đã buộc phải rời bỏ ngôi nhà 40 năm tuổi của họ vì tranh chấp đất đai do việc lắp đặt một trang trại điện gió trên đất của họ.
Gia đình González chuyển đến Riohacha, thủ phủ của La Guajira, để sống. Đối với González và những người Wayuu khác, việc sa lầy trong tranh chấp về đất đai để phục vụ cho những sáng kiến về khí hậu khiến cuộc sống của họ trở nên bất định.
Ngoài việc phải di dời đến một nơi khác, họ còn mất đi tài sản mà lẽ ra họ được hưởng theo chế độ sở hữu mẫu hệ.
Cuộc sống tái định cư ở vùng đất mới thường bấp bênh. Phụ nữ khó mua đất hơn vì họ có thu nhập và trình độ học vấn thấp, không được tiếp cận tín dụng hoặc không có giấy tờ tùy thân hợp lệ. Hơn nữa, ở khu vực đô thị, việc mua đất có thể yêu cầu nam giới làm chủ hộ và chủ sở hữu trên giấy sở hữu tài sản. Yêu cầu này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu của phụ nữ.
Ảnh hưởng đến sinh kế
Theo Công ước về Người bản địa và Bộ lạc (ILO 169), các sáng kiến về khí hậu phải bao gồm quy trình tham vấn và có được sự đồng ý của cộng đồng người bản địa. Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện nhiều sáng kiến về khí hậu lại không đảm bảo những nguyên tắc này.
Đơn cử trường hợp của phụ nữ Bribri ở Talamanca, một trong những vùng giàu tài nguyên rừng của Costa Rica và là một trong những khu vực được xác định cho các chương trình bù đắp carbon theo REDD+.
Việc nhấn mạnh chiến lược REDD+ của Costa Rica trong bảo tồn rừng có thể phá vỡ việc sử dụng đất đai của người Bribri. Bảo tồn rừng được tích hợp với sinh kế của người Bribri bản địa, chẳng hạn như săn bắn, chiết xuất thực vật để làm thuốc, đốn cây để xây dựng và trồng các loại cây ăn quả (như cam quýt, chuối).
Nhiều phụ nữ Bribri dựa vào nông lâm sản để đảm bảo an ninh lương thực. Những người khác dựa vào du lịch tại cộng đồng để phát triển kinh tế. Tại làng Yorkin, thu nhập từ du lịch tạo nguồn lực để xây dựng một phòng khám sức khỏe, trường trung học, cống dẫn nước và trung tâm cộng đồng.
Đối với người Wayuu, kế hoạch xây dựng các công viên điện gió đã làm gián đoạn đáng kể các hoạt động kinh tế truyền thống của họ, bao gồm chăn nuôi dê, cừu và nông nghiệp quy mô nhỏ.
Hay mực nước biển dâng cao và tình hình bão lũ ngày càng nghiêm trọng cũng khiến nhiều cộng đồng trên đảo Guna Yala ngoài khơi Caribe cân nhắc việc chuyển vào đất liền Panama. Gardi Sugdub, cộng đồng đầu tiên trên đảo Guna Yala quyết định di dời vào đất liền, đã được Chính phủ hỗ trợ về nhà ở tái định cư.
Tuy nhiên, tập quán cư trú và sở hữu theo chế độ mẫu hệ của họ không được tính đến trong thiết kế khu định cư mới cũng như vấn đề quyền sở hữu đất.
Phụ nữ trong các cộng đồng Wayuu, Bribri và Guna có vai trò quan trọng với tư cách là người sản xuất, người bảo vệ tài nguyên, người lãnh đạo. Do đó, các sáng kiến về khí hậu phải kết hợp các chiến lược và biện pháp để bảo vệ quyền của phụ nữ.
Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có quyền sở hữu đất đai an toàn sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình, cải thiện an ninh lương thực gia đình, sức khỏe và giáo dục của trẻ em.
Ngoài ra, phụ nữ được sở hữu đất đai có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các chiến lược thích ứng với khí hậu. Quyền sở hữu đất đai cho phép họ đưa ra quyết định dài hạn về đất đai của mình và áp dụng các biện pháp như nông nghiệp bền vững, nông-lâm kết hợp và bảo tồn đất và cải thiện khả năng phục hồi của họ trước tác động của biến đổi khí hậu.
Với bất kỳ chiến lược hoặc sáng kiến về khí hậu nào, điều quan trọng là cách tiếp cận phải đảm bảo sự nhạy cảm giới và áp dụng quy trình tham vấn của phụ nữ và cộng đồng.
Tại Panama, các chính sách về khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai có thể được tăng cường để hướng dẫn tốt hơn về kế hoạch di dời, đảm bảo các sáng kiến về khí hậu được thực hiện phù hợp với văn hóa của người bản địa và địa phương.
Tại Colombia, chính sách chuyển đổi năng lượng có thể kết hợp các hướng dẫn tham vấn quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn, đảm bảo sự tham gia và quyền sở hữu đất đai của phụ nữ và người bản địa.
Tại Costa Rica, nhà nước cần ban hành các biện pháp để thực hiện REDD+ đúng cách tại các vùng có người bản địa sinh sống, bao gồm việc lồng ghép giới, ngôn ngữ, văn hóa.
Nguồn: wri.org