Hồi kết khó lường của mô hình nhậu lai rai kiểu Nhật

Sự thay đổi hành vi của khách hàng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm gây khó khăn cho các quán izakaya - mô hình quán nhậu bình dân ở Nhật Bản.

 Nhóm khách đang ăn và uống tại một quán rượu izakaya ở Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock.

Nhóm khách đang ăn và uống tại một quán rượu izakaya ở Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock.

Bên trong một tòa nhà thương mại ở khu phố Shinbashi (Tokyo, Nhật Bản), "irasshaimase" (Xin kính chào quý khách) - câu chào quen thuộc của nhân viên - vang lên theo chân nhóm nhân viên văn phòng vừa bước vào. Họ gọi gà nướng than, một bán đậu nành edamame, bình rượu sake nóng và một ít bia tươi.

Trước đó, vào thời kỳ dịch Coivd-19, chính phủ Nhật Bản đưa ra lệnh cấm tụ tập uống rượu tại các quán izakaya để hạn chế sự lây nhiễm virus.

Đại dịch đã qua, hàng nghìn izakaya của Nhật Bản đang chiến đấu với các mối đe dọa mới trên 2 mặt trận: chi phí tăng vọt và nhu cầu giảm.

Đóng cửa

Trong vòng 11 tháng năm 2024, 203 nhà hàng kinh doanh theo mô hình izakaya đã tuyên bố phá sản, vượt quá con số 189 từng được ghi nhận trong cả năm 2020, theo Teikoku Databank, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính và nghiên cứu.

Trong khi nhiều người ăn mừng sự kết thúc của các hạn chế của đại dịch bằng cách tận hưởng cuộc vui thường xuyên với đồng nghiệp và bạn bè, một tỷ lệ đáng kể người dân vẫn tiếp tục giữ khoảng cách xã hội, đắm chìm vào những bữa ăn giá hợp lý hơn ở nhà.

Các yếu tố kinh tế cũng đã giáng một đòn mạnh vào izakaya. Người tiêu dùng không thường xuyên lui tới hoặc đến quán nhưng gọi ít món, trong khi các chủ nhà hàng phải vật lộn với chi phí cao hơn về vật liệu, năng lượng và lao động.

 Sự thay đổi hành vi của khách hàng đang thách thức các quán bar truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: Jeremy Sutton-Hibbert/Alamy.

Sự thay đổi hành vi của khách hàng đang thách thức các quán bar truyền thống của Nhật Bản. Ảnh: Jeremy Sutton-Hibbert/Alamy.

Theo Guardian, sau nhiều thập kỷ trì trệ, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản đã tăng lên trong những năm gần đây, đạt mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2023, dao động khoảng 2%. Con số này thấp hơn so với nhiều nền kinh tế tương đương, nhưng sự gia tăng giá toàn diện buộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng (sự sụt giảm tiền lương) phải "thắt lưng buộc bụng".

Theo Teikoku, nhiều chủ cửa hàng cố gắng duy trì hoạt động bằng cách tái tạo các quán cà phê và cửa hàng thức ăn nhanh. Cách chuyển đổi tài nguyên không giúp vực dậy công việc kinh doanh mà còn đẩy cơ sở rơi vào thua lỗ. Khoảng 40% izakaya đã mất tiền trong 12 tháng tính đến tháng 4 năm ngoái.

Trước đó, gần 34% trong số 350 doanh nghiệp ramen được Teikoku khảo sát cho biết họ đã hoạt động thua lỗ trong suốt năm 2023.

Chủ quán tìm mọi cách để xoay chuyển tình thế nhưng lại không làm được gì nhiều để tác động đến hành vi của người tiêu dùng.

Nói một cách đơn giản, những người trẻ tuổi Nhật Bản - giống như các bạn cùng trang lứa ở những nơi khác trên thế giới - không còn hứng thú với một đêm vui vẻ ngập bia, rượu sake và rượu shochu.

 Ramen từng được coi là món ăn giá cả hợp lý của người Nhật. Ảnh: Robert Gilhooly/Alamy.

Ramen từng được coi là món ăn giá cả hợp lý của người Nhật. Ảnh: Robert Gilhooly/Alamy.

Robbie Swinnerton, nhà phê bình nhà hàng kỳ cựu của Japan Times, cho biết nhân khẩu học của Nhật Bản là thách thức lớn nhất mà izakaya phải đối mặt.

Ông nói: “Izakaya là một di sản từ thời kỳ trước đó, từ thời chiến. Ngày nay, có ít người trẻ hơn và họ không uống nhiều. Nếu có, họ cũng không muốn uống rượu ở cùng một nơi với cha mẹ và ông bà. Thực phẩm cũng vậy. Trừ khi chúng thực sự ngon, các món ăn Nhật Bản có truyền thống lâu đời nhưng chưa chắc là thứ mà những người trẻ tuổi muốn ăn".

Giá nguyên vật liệu tăng, chủ cửa hàng buộc phải thích nghi. Một bát ramen vẫn có giá trung bình dưới 700 yên (4,50 USD). Các nguyên liệu chính như bột mì, thịt lợn và rau, có giá trung bình cao hơn 10% so với năm 2020.

Bát mì ramen súp đậu nành phổ biến trong thực đơn cửa hàng của Takatoyo Sato Shinbashi, đã được tăng giá từ 780 yên vào năm 2021 lên 950 yên, mức giá mà ngay cả những người nghiện ramen cũng không sẵn sàng trả, theo Guardian.

"Tôi không thể tránh sự tăng giá, nếu không cửa hàng sẽ vào tình thế báo động đỏ," Sato nói với hãng tin Kyodo.

Ngày tàn sắp đến?

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Sato đã quá quen thuộc với Shingo Shimomura, người quản lý tài chính một izakaya ở quận Fukushima của Osaka.

Người đàn ông 52 tuổi, người đã kinh doanh izakaya gần ba thập kỷ, nhận thấy sự thèm rượu giảm sút.

"Ngay cả những người làm công ăn lương cũng chi tiêu ít hơn trước đây và những người trẻ tuổi hầu như không uống rượu", Shimomura nói.

Văn hóa uống rượu của Nhật Bản theo truyền thống là xoay quanh công việc. Izakaya là địa điểm được đông đảo nhân viên văn phòng lựa chọn để kết nối đồng nghiệp và lãnh đạo cấp cao trong quá trình nomunication (một sự kết hợp giữa nomu là uống trong tiếng Nhật và comunication là giao tiếp trong tiếng Anh) sau giờ làm việc.

 Khách hàng thưởng thức bát mì được chế biến tại một quán ramen ở Fukuoka. Ảnh: Robert Gilhooly/Alamy.

Khách hàng thưởng thức bát mì được chế biến tại một quán ramen ở Fukuoka. Ảnh: Robert Gilhooly/Alamy.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã nhắc nhở những người trẻ tuổi rằng đời sống xã hội không nhất thiết phải xoay quanh công việc.

“Tôi nghĩ rằng những ngày của izakaya truyền thống sắp kết thúc. Những người trẻ tuổi không uống rượu với sếp nữa", Shimomura nói.

Tuy nhiên, sự suy giảm nhu cầu này bắt đầu trước Covid-19, khi izakaya trở thành nạn nhân của sự suy giảm dân số, sự trỗi dậy của thế hệ Z "tò mò, tỉnh táo" và sự cạnh tranh từ một loạt các địa điểm ăn uống "sành điệu" hơn.

Swinnerton, một người yêu thích izakaya kể từ khi đến Nhật Bản vào những năm 1980, nhận thấy thời thế đã thay đổi và Nhật Bản cũng vậy.

Một izakaya từng là nơi để thư giãn, ăn uống và trò chuyện. Đó là những nơi để xua tan áp lực của công việc, gia đình và xã hội nói chung. Vai trò này vẫn nguyên vẹn, đặc biệt là vào thời điểm có nhiều sự phân mảnh và ngăn cách hơn trong cuộc sống.

Song Sachiko Inamura, tổng thư ký của Hiệp hội Izakaya Nhật Bản, cho biết sự quyến rũ của một quán rượu truyền thống theo phong cách Nhật Bản vẫn sẽ tồn tại, bất chấp thị trường lao động khó khăn và chi phí tăng cao.

Inamura cho rằng ý tưởng phục vụ món ăn ngon từ các vùng khác nhau cùng với rượu địa phương có thể là duy nhất ở Nhật Bản. “Với izakaya nhỏ hơn, thực đơn có thể thay đổi từ nơi này sang nơi khác, vì vậy thực khách không bao giờ cảm thấy nhàm chán.

"Đi đến một izakaya không chỉ là ăn uống. Mọi người đến và ở lại vì bầu không khí độc đáo. Đây là một phần tuyệt vời của văn hóa Nhật Bản và những người giỏi thực sự sẽ biết cách kết nối với khách hàng", ông nói.

Minh Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hoi-ket-kho-luong-cua-mo-hinh-nhau-lai-rai-kieu-nhat-post1525860.html
Zalo