Báo chí – ngành kinh doanh nhiều rủi ro với các tỉ phú

Sự kết hợp giữa các tờ báo danh tiếng và tài kinh doanh của các tỉ phú hàng đầu, rốt cuộc đã không thành công như kỳ vọng. Nhiều tờ báo vẫn đang tiếp tục thua lỗ, bất chấp đã được rót hàng trăm triệu đô la vốn đầu tư.

Các tỉ phú Mỹ đầu tư vào báo chí và lỗ nặng

Nếu bạn muốn kiếm được một khối tài sản nhỏ, hãy bắt đầu với một khối tài sản lớn. Đó là một câu nói thường được dùng để mô tả triển vọng kinh doanh đầy rủi ro của ngành công nghiệp báo chí. Và điều này thậm chí vẫn đúng với cả những tỉ phú, những nhà kinh doanh lão luyện bậc nhất.

Khi triển vọng kinh doanh của các nhà xuất bản tin tức suy yếu trong thập kỷ qua, các tỉ phú đã nhanh tay mua lại một số thương hiệu báo chí huyền thoại nhất của Mỹ. Jeff Bezos – nhà sáng lập Amazon, đã mua lại The Washington Post vào năm 2023 với mức giá khoảng 250 triệu đô la. Patrick Soon Shiong – một tỉ phú trong lĩnh vực công nghệ sinh học và khởi nghiệp, đã mua lại The Los Angeles Times và San Diego Union-Tribune vào năm 2018 với giá 500 triệu đô la. Marc Benioff – nhà sáng lập Công ty phần mềm Salesforce cùng với vợ mình, đã mua lại Tạp chí Time với giá 190 triệu đô la vào năm 2018.

Cả ba tờ báo lớn đều chào đón chủ sở hữu mới với sự lạc quan thận trọng rằng, sự nhạy bén trong kinh doanh và những bí quyết công nghệ của họ sẽ giúp giải quyết bài toán hóc búa: làm thế nào để kiếm tiền từ hoạt động xuất bản kỹ thuật số?

Tuy nhiên, ngày càng có vẻ như các tỉ phú cũng rơi vào tình trạng khó khăn giống như hầu hết những người khác. Những người hiểu biết về tình hình tài chính của các tờ báo cho biết, cả Time, The Washington Post và The Los Angeles Times đều đã lỗ nhiều triệu đô la Mỹ trong năm ngoái. Sự thua lỗ diễn ra bất chấp việc các chủ sở hữu mới đã đầu tư đáng kể và nỗ lực để tạo ra các nguồn doanh thu mới.

Làn sóng thua lỗ và cắt giảm việc làm

Các nhà báo đang làm việc tại The Los Angeles Times có thể là những người đầu tiên phải hứng chịu tác động nặng nề từ sự thua lỗ. Kevin Merida – một biên tập viên được nhiều người kính trọng tại tờ báo này, mới đây đã thông báo rằng, ông sẽ từ chức. Các nguồn tin thân cận cho biết, quyết định được đưa ra sau những tranh cãi gần đây giữa Merida và tỉ phú Soon Shiong về các ưu tiên liên quan đến nội dung và hoạt động kinh doanh.

Ngay từ giữa năm ngoái, một số nguồn tin thân cận cho biết, The Los Angeles Times có thể lỗ từ 30-40 triệu đô la Mỹ trong cả năm 2023. Điều này đã buộc công ty phải cắt giảm 74 vị trí việc làm.

Mới đây nhất, các giám đốc điều hành đã tiếp tục có các cuộc thảo luận về khả năng cắt giảm nhân sự mạnh tay hơn nữa, với hy vọng có thể tiết kiệm hơn 10 triệu đô la Mỹ chi phí.

Người phát ngôn của tỉ phú Soon Shiong – bà Jen Hodson đã từ chối bình luận về số liệu tài chính cụ thể của The Los Angeles Times. Tuy nhiên, trong một bức thư điện tử trả lời báo chí, bà thừa nhận rằng công ty đang có “khoảng cách đáng kể giữa doanh thu và chi phí”, ngay cả khi đã cắt giảm nhân sự và thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí khác hồi năm ngoái.

Bà cho biết, kể từ khi mua lại The Los Angeles Times, gia đình tỉ phú Soon Shiong đã đầu tư “hàng chục triệu đô la Mỹ” mỗi năm, và vẫn cam kết “tiếp tục đầu tư”. Trang The Wrap đưa ra những con số cụ thể hơn khi cho biết tỉ phú Soon Shiong đã đầu tư gần 1 tỉ đô la Mỹ vào The Los Angeles Times, trong đó bao gồm 500 triệu đô la để mua lại tờ báo và các tài sản liên quan, đồng thời chi thêm khoảng 300 triệu đô la tiền mặt trong năm năm qua.

Thế nhưng, bất chấp những khoản chi khổng lồ này, The Los Angeles Times đang lỗ khoảng 50 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Rõ ràng, việc dựa hoàn toàn vào nguồn tiền từ vị tỉ phú này để trang trải chi phí suốt năm này qua năm khác, không phải là một kế hoạch khả thi trong dài hạn.

Tỉ phú Jeff Bezos cũng không đạt được kết quả khả quan hơn tại The Washington Post. Giống như nhiều tờ báo khác, The Washington Post đã phải vật lộn để duy trì động lực đạt được sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2020. Theo Puck News, sau thời kỳ đỉnh cao này, lưu lượng truy cập của The Washington Post hiện đã giảm “hơn 50% so với năm 2020”.

Sự sụt giảm cả về số lượng người dùng đăng ký và doanh thu quảng cáo đã khiến tờ báo này lỗ khoảng 100 triệu đô la Mỹ hồi năm ngoái. Đến cuối năm, The Washington Post đã phải cắt giảm 240 trong tổng số 2.500 vị trí việc làm, bằng cách đưa ra các gói trợ cấp thôi việc tự nguyện. Trong số những người rời đi, bao gồm cả một số nhà báo được đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các nhân viên của The Washington Post đã gửi một lá thư ngỏ tới tổng biên tập Sally Buzbee và giám đốc điều hành thường trực Will Lewis để bày tỏ những lo ngại về việc thiếu ngân sách cho việc thực hiện các bài báo.

Người phát ngôn của tỉ phú Bezos đã không trả lời các yêu cầu phỏng vấn về vấn đề này. Trước đó, nhà sáng lập Amazon từng cho biết, ông mua The Washington Post vì đây là một tờ báo quan trọng, nhưng cũng muốn tờ báo này có lãi.

“Tôi tự nhủ, nếu đây là một công ty bán đồ ăn nhẹ đang gặp khó khăn về mặt tài chính thì chắc chắn tôi sẽ không mua”, ông Bezos chia sẻ về quyết định mua The Washington Post trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2018.

Tạp chí Time cũng đang phải đối mặt với những cơn gió ngược tương tự. Một số nguồn tin thân cận cho biết, Time đã lỗ khoảng 20 triệu đô la trong năm ngoái, và đang cân nhắc cắt giảm chi phí trong quí đầu năm nay để bù đắp lại một phần khoản thua lỗ.

Những điểm sáng hiếm hoi

Tuy vậy, trong bức tranh chung khá ảm đạm, vẫn có một số điểm sáng tích cực đối với các tổ chức báo chí truyền thống thuộc quyền sở hữu của các tỉ phú. Chẳng hạn như tờ Boston Globe, được tỉ phú John W. Henry, chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng chày Boston Red Sox và đội bóng đá Liverpool, mua lại từ New York Times vào năm 2013 với giá 70 triệu đô la, đã có lãi trong nhiều năm. Theo nguồn tin thân cận, số lợi nhuận này sau đó đã được tái đầu tư vào Boston Globe.

Tương tự, The Atlantic, được tỉ phú Laurene Powell Jobs mua vào năm 2017, đã đặt mục tiêu đạt được một triệu lượt khách hàng đăng ký mua báo, bao gồm cả bản in và bản kỹ thuật số, đồng thời có lãi. Công ty cho biết tính đến mùa hè năm ngoái, họ đã có hơn 925.000 lượt người đăng ký, mặc dù vẫn chưa có lãi.

Người phát ngôn của Time không đưa ra bình luận nào về tình hình tài chính của tạp chí trong năm 2023, nhưng đã trích dẫn một lưu ý được giám đốc điều hành Jessica Sibley gửi đến các nhân viên, trong đó cho biết, lượng độc giả và doanh thu quảng cáo đang dần gia tăng.

Trong một tuyên bố, tỉ phú Benioff cho biết, bà Sibley đang thực hiện “rất nhiều thay đổi thú vị dựa trên một tầm nhìn tuyệt vời”.

Các nguồn tin thân cận cho hay, Time hiện đang tìm kiếm các thỏa thuận cấp phép thương hiệu ở nước ngoài. Nỗ lực này có phần giống với cách tiếp cận đã được thực hiện bởi các tạp chí khác như Forbes và Conde Nast, và mang lại những kết quả tích cực về mặt kinh tế.

Các tỉ phú sẽ kiên nhẫn đến bao giờ?

Tuy nhiên, nhìn chung, những khó khăn mà các công ty báo chí truyền thông phải đối mặt ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lưu lượng truy cập trực tuyến đã suy giảm đối với nhiều nhà xuất bản, khi số lượt giới thiệu từ các công cụ tìm kiếm như Google suy giảm. Bên cạnh đó, sự gia tăng của các ứng dụng mới được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo có khả năng làm suy giảm số lượng độc giả hơn nữa.

Ken Doctor, một nhà phân tích và doanh nhân trong lĩnh vực truyền thông cho biết: “Những ấn phẩm tin tức cực kỳ quan trọng này vẫn đang trong quá trình “chuyển đổi” từ báo in sang kỹ thuật số. Chi phí kinh doanh là khá lớn, khi họ đang cố gắng xây dựng từng viên gạch cho một tương lai chủ yếu là kỹ thuật số”.

Những khoản thua lỗ kéo dài hoàn toàn có thể khiến các tỉ phú tính đến chuyện bán đi các tờ báo mà họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ để mua lại. Hồi năm 2021, Thời báo Phố Wall từng đưa tin ông Soon Shiong đã cân nhắc việc bán tờ The Los Angeles Times, nhưng vị tỉ phú sau đó đã phủ nhận thông tin này.

Thế nhưng hồi năm ngoái, ông Soon Shiong rốt cuộc cũng đã bán đi San Diego Union-Tribune – tờ báo mà ông đã mua cùng với The Los Angeles Times hồi năm 2018. Trước đó, hồi năm 2020, Warren Buffett – cũng là một trong những người giàu nhất thế giới – đã bán đi mảng kinh doanh liên quan đến báo chí của Tập đoàn Berkshire Hathaway, trong đó bao gồm cả Omaha World-Herald – tờ báo của quê hương ông.

Theo ông Ken Doctor, các tỉ phú trong ngành tin tức đang có “dấu hiệu ngày càng mệt mỏi hơn”, khi phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự sụt giảm về số lượng độc giả, và cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần quảng cáo. “Những người rất giàu rất khó chấp nhận việc cứ phải mất tiền mãi trong nhiều năm, ngay cả khi họ hoàn toàn có đủ khả năng chi trả”, chuyên gia Doctor kết luận.

Nguồn: New York Times, Axios, The Wrap, The Business Insider

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-chi-nganh-kinh-doanh-nhieu-rui-ro-voi-cac-ti-phu/
Zalo