Chủ động, sáng tạo 'trên chính mảnh đất của mình'

LTS - Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: 'Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ 'trên chính mảnh đất của mình', phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước'. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Một góc thành phố Cần Thơ. (Ảnh: NGUYỄN HỮU THÀNH)

Một góc thành phố Cần Thơ. (Ảnh: NGUYỄN HỮU THÀNH)

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong

Phát huy nền tảng vững chắc, lợi thế riêng biệt ở nơi “Sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”

Năm 2025 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng, dấu mốc để Lào Cai tăng tốc thực hiện các mục tiêu phát triển, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (1930-2030); 80 năm giải phóng Lào Cai (1950-2030). Trải qua chặng đường gần 40 năm đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, hơn 33 năm tái lập tỉnh, Lào Cai, vùng đất được mệnh danh “Sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” đã đạt được bước tiến dài trên hành trình xây dựng và phát triển, từng bước nâng tầm vị thế của mình.

Lào Cai đang quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển gắn liền với định hướng chung của Trung ương, Chính phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, phát huy mạnh mẽ khát vọng phát triển, giá trị truyền thống của Lào Cai. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để Lào Cai sớm cán đích mục tiêu phát triển toàn diện đã định, phấn đấu đến năm 2030 tự cân đối được ngân sách thu chi thường xuyên, cơ bản không còn hộ nghèo…

Thứ hai, hiện thực hóa nghị quyết, quy hoạch của Trung ương, Chính phủ, gắn với liên kết vùng; tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, quyết tâm cao nhất, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai; tập trung xây dựng tỉnh Lào Cai thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thứ ba, thực hiện tốt ba khâu đột phá, gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới mạnh mẽ bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ tư, với phương châm “Lào Cai giữ rừng, giữ nước gắn với giữ biên”, Lào Cai tăng cường giữ vững, ổn định biên giới hòa bình, hữu nghị; củng cố, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại-kết nối-giao thương-hợp tác phát triển kinh tế-xã hội gắn với thực hiện tốt vai trò “phên giậu” quốc gia.

Thứ năm, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “nhu cầu tự thân” của mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần gia tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

Với nền tảng vững chắc đạt được và lợi thế riêng biệt, phương châm “không gì là không thể”, Lào Cai đã có đủ tự tin, đủ quyết tâm chính trị để đồng hành cùng đất nước bước trên chặng đường phát triển mới. Bằng niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, Lào Cai hoàn toàn tự tin bước vào kỷ nguyên mới, cùng cả nước sớm đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng (2030), 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam (năm 2045).

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu

Kiến tạo cực tăng trưởng mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, nhà đầu tư và doanh nghiệp, trên cơ sở phát huy nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương, Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thành phố Cần Thơ vẫn còn có hạn chế, bất cập.

Quán triệt quan điểm, mục tiêu, định hướng trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thông điệp chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Cần Thơ xác định chiến lược phát triển để phấn đấu trở thành trung tâm dẫn dắt sự phát triển, cực tăng trưởng mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố sẽ sớm hoàn thiện hạ tầng chiến lược hiện đại, đồng bộ, kết nối, liên thông; chủ động hoàn thành xây dựng và nâng cấp các tuyến đường cao tốc do Trung ương đầu tư, như tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, Cần Thơ-An Giang-Sóc Trăng…, phát triển hạ tầng giao thông đường thủy và hệ thống logistics; quy hoạch phát triển giao thông đô thị, xây dựng các tuyến đường vành đai, xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, phát triển mạng lưới xe buýt điện.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung phát triển sản xuất công nghiệp tạo nền tảng phát triển kinh tế; phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, dược phẩm, điện tử, chế biến nông-thủy sản, thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ có tính nền tảng, hiện đại, bền vững, phù hợp điều kiện tự nhiên, lợi thế của địa phương; phát triển lĩnh vực dịch vụ-thương mại có tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; phát triển hệ thống trung tâm thương mại, chợ đầu mối hiện đại để hỗ trợ lưu thông hàng hóa trong và ngoài vùng; đẩy mạnh thương mại điện tử gắn với ứng dụng công nghệ số; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù góp phần tăng lượng khách du lịch nội địa và quốc tế; chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; quy hoạch vùng sản xuất, trong đó xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất và quản lý.

Đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; có chính sách thích hợp thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cấp các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên sâu; phát triển y tế cộng đồng và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…

Rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy hoạt động theo phương châm “tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”; phân định chức năng, nhiệm vụ theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả”; tăng cường trách nhiệm và đạo đức công vụ; xây dựng văn hóa trách nhiệm; thiết lập kỷ luật, kỷ cương công vụ trong cán bộ, công chức, chủ động, hiệu quả trong công việc. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực để có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị là yêu cầu quan trọng, là đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức

Xác định hai vùng động lực phát triển kinh tế-xã hội

Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung cao độ làm tốt công tác triển khai các quy hoạch; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là kết nối vùng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là những vấn đề cấp bách, kiến tạo không gian phát triển xứng tầm để thuận lợi thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là lĩnh vực công nghệ cao.

Với tư duy mới, hành động mới, khí thế mới, tỉnh Đồng Nai xác định 5 nhiệm vụ đột phá để phát triển:

Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay.

Hoàn thành cơ bản “bộ khung” kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, năng lượng, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng.

Xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam Bộ.

Triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp; quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, xác định lấy hai khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh là đô thị sân bay Long Thành và hành lang sông Đồng Nai; hai nguồn lực cơ bản mà tỉnh phải bắt tay vào chuẩn bị ngay từ bây giờ là hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng Nai đóng vai trò trọng yếu trong liên kết vùng, bởi nằm ở vị trí có các tuyến quốc lộ, cao tốc kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với các vùng khác của cả nước. Địa bàn tỉnh sở hữu đầy đủ năm phương thức giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế và đường hàng không. Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ hình thành bốn trung tâm logistics đặt tại phía nam và phía đông bắc sân bay Long Thành; tổng kho trung chuyển miền đông tại huyện Trảng Bom và xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.

Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh sẽ tập trung vào một số lĩnh vực, như công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, hàng không, trí tuệ nhân tạo... để phục vụ phát triển khu công nghệ cao của Đồng Nai. Theo đồ án quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư và đưa 48 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Hiện tại, tỉnh quy hoạch 39 khu công nghiệp, trong đó có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.514 ha; thu hút các doanh nghiệp đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.667 dự án.

Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là mang lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng

Hướng đến mục tiêu thành phố tiêu biểu ở châu Á

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng đã ngày càng thể hiện rõ đặc điểm là thành phố mở cửa và hội nhập, giữ vai trò trong tốp đầu tăng trưởng của cả nước.

Trong cuộc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, tháng 11/2024 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận xét, những thành tựu phát triển của Hải Phòng là thành quả hiếm có địa phương nào đạt được trong lịch sử gần 40 năm đổi mới kinh tế đất nước.

Trong giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng kinh tế bình quân của Hải Phòng đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước, gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018. Quy mô kinh tế của thành phố không ngừng mở rộng, duy trì vị trí thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội và đứng thứ 5 cả nước; thu ngân sách nhà nước tăng trưởng bình quân 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Năm 2024 là năm thứ ba liên tục, thu ngân sách Hải Phòng vượt hơn 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ ba cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Hải Phòng luôn nằm trong nhóm những địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển nhanh, hạ tầng giao thông khá đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; không gian đô thị được mở rộng, thêm nhiều khu vực mới, văn minh; hạ tầng công nghiệp, hạ tầng du lịch, thương mại, công nghệ thông tin phát triển mạnh. Dự kiến đến hết năm 2024, Hải Phòng không còn hộ nghèo, vượt trước một năm so mục tiêu Nghị quyết số 45-NQ/TW. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục-thể thao, khoa học-công nghệ, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư lớn, có nhiều cơ chế, chính sách tốt và đạt được kết quả toàn diện, nổi bật…

Thành phố Hải Phòng quyết tâm giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố và Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Theo đó, thành phố tiếp tục tập trung cao, huy động mọi nguồn lực để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, là thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; góp phần tích cực cùng cả nước tạo sức bật phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cùng sự quyết tâm và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành về các cơ chế đặc thù trong huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Trong đó, phải kể đến việc xây dựng và ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội, cho phép triển khai chính sách về thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng; triển khai nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố giai đoạn 2023-2025; kêu gọi các doanh nghiệp lớn kết hợp nguồn ngân sách, tài nguyên của thành phố để xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia về công nghệ nền, công nghệ lõi...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải

Khai phóng tiềm năng vùng đất địa đầu của Tổ quốc

Có vị trí địa lý chiến lược ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, gần với đường hàng hải quốc tế và nằm trên hành lang phát triển kinh tế phía nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Công mở rộng, Cà Mau là địa phương duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km và cụm đảo Hòn Khoai có đủ điều kiện để xây dựng trở thành cảng biển tổng hợp quy mô lớn.

Quán triệt sâu sắc và bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua, tỉnh Cà Mau tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước theo Quy hoạch được duyệt, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong tầm nhìn chiến lược dài hơi, Cà Mau tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế về biển, đảo để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội nhanh, toàn diện, bền vững. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông các tuyến trọng điểm kết nối liên vùng. Giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng là khát khao lớn nhất của tỉnh trong nhiều năm qua, để từ đó “mở cánh cửa” thu hút đầu tư, mở đường cho phát triển bền vững.

Đặc biệt, hiện thực hóa tầm nhìn hướng biển, Đảng bộ tỉnh Cà Mau kiến nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan tham mưu phối hợp địa phương xây dựng Đề án phát triển vùng đất Mũi Cà Mau để xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau xứng tầm vùng đất địa đầu cực nam thiêng liêng của Tổ quốc. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch Cà Mau đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng bởi các hình thái cực đoan từ biến đổi khí hậu, trong đó, bờ biển bị sạt lở khoảng 187/254 km, bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8.118 km, do đó, cần ban hành Nghị quyết hoặc Kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong dự thảo điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, công trình đường bộ cao tốc bắc-nam tuyến phía đông, đề nghị được bổ sung đoạn Cà Mau-Đất Mũi dài 90 km, gồm bốn làn xe. Xem xét, có ý kiến chỉ đạo, sớm phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Chương trình công tác năm 2023. Trong trường hợp thí điểm thực hiện việc xuất khẩu điện, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét chọn Cà Mau thực hiện.

Bên cạnh đó, sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến: Quốc lộ 1 đoạn Cà Mau-Năm Căn, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi. Đồng thời, xem xét lựa chọn Cà Mau để xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát huy lợi thế từ rừng ngập mặn.

Nhóm phóng viên: Nguyễn Hùng, Thành Tâm, Hoàng Nhã, Quang Dũng, Thiên Vương, Hữu Tùng (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chu-dong-sang-tao-tren-chinh-manh-dat-cua-minh-post854403.html
Zalo