Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam: Bước khởi đầu đầy hứa hẹn

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam hiện đang tham gia vào các công đoạn: thiết kế, kiểm thử, đóng gói vi mạch, sản xuất thiết bị và nguyên liệu liên quan đến bán dẫn.

Việt Nam đang có những bước khởi đầu mạnh mẽ để phát triển công nghiệp bán dẫn

Phát triển công nghiệp bán dẫn là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiếp tục là xu thế tất yếu trong tương lai; là nhu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu; cần tiếp tục triển khai toàn diện, bao gồm đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đột phá về thể chế và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hợp tác quốc tế với các quốc gia, nền kinh tế, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Việt Nam có những lợi thế chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn như trữ lượng đất hiếm đứng trong nhóm đầu thế giới, vị trí địa lý thuận lợi ở trung tâm khu vực sản xuất chính của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nguồn nhân lực dồi dào và nhiều tiềm năng.

Việt Nam đã thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng như các Khu công nghệ cao Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội), Đà Nẵng cùng nhiều khu công nghiệp tiêu chuẩn, là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút nguồn vốn FDI của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới như: Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel.

Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà đầu tư tốt như: Viettel, FPT, Phenikaa đang triển khai chiến lược phát triển, đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn. Chúng ta bắt đầu có các startup tiềm năng về bán dẫn như: Infrasen, VnChip, Hyphen Deux.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 6.000 kỹ sư, công đoạn đóng gói kiểm thử có 7 nhà máy, với khoảng 6.000 kỹ sư và hơn 10.000 kỹ thuật viên; các doanh nghiệp về sản xuất thiết bị và nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Seojin, Coherent... cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như NVIDIA, Qualcomm, LAM Research, Qorvo, AlChip... chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Việt Nam đã tích cực thúc đẩy làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chủ chốt, tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn, đưa hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ thành nội hàm then chốt của các khuôn khổ đối tác, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác từ việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ đầu tư, công nghệ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ... Đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên quan của Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ... để kết nối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cũng như cấp các chương trình học bổng cho sinh viên, giảng viên Việt Nam sang học tập, làm việc trong lĩnh vực bán dẫn tại châu Âu…

Những kết quả trên là minh chứng thể hiện sự nỗ lực và hành động quyết liệt của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn…

Tập trungphát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng

Văn phòng Chính phủ cũng đãcó Thông báo số 05/TB-VPCP kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Thông báo nêu rõ, thời gian tới, Việt Nam phải coi phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng chocông nghiệp bán dẫnlà chiến lược toàn diện; cần tập trung triển khai, đầu tư xứng tầm đột phá chiến lược. Có cơ chế chính sách đột phá cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên tin thần bình đẳng, đơn giản, thuận lợi cho các chủ thể có liên quan thực hiện.

Đảng chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, quốc gia mong đợi nên chỉ bàn làm, không bàn lùi, phải có bước đi lộ trình, định hướng cụ thể, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt việc đó; phân công phải rõ người rõ việc, rõ kết quả, trong quá trình thực hiện phải đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới, gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác trong nước, quốc tế; khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Phát huy sức mạnh của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở đào tạo trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Phát triển công nghiệp bán dẫn một cách hài hòa, cân bằng quan hệ với các nước lớn. Tập trung phát triển các trung tâm thiết kế, kiểm thử, đóng gói và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt về công nghệ đóng gói tiên tiến, hướng tới thành lập nhà máy sản xuất bán dẫn và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy, thị thực nhập cảnh, giấy phép lao động… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Việc hỗ trợ nhà đầu tư cần thực hiện kịp thời, nhất quán, theo cơ chế một cửa.

Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030.

Tăng cường hợp tác với các quốc gia, nền kinh tế sở hữu năng lực sản xuất bán dẫn, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, vật liệu, linh kiện bán dẫn. Thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, đặc biệt các doanh nghiệp có vai trò quyết định hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam, đặt văn phòng, xây dựng các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm về bán dẫn tại Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ đối tác với các doanh nghiệp lớn về bán dẫn như: Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron. Từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về bán dẫn, chuyển giao và dần tiến tới làm chủ công nghệ.

Quyết liệt, sâu sát hơn nữa trong công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tăng sức cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư; cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển bán dẫn.

Các địa phương nghiên cứu, lựa chọn các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, phù hợp để đầu tư, đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt về cung cấp nguồn điện ổn định, đủ công suất và nước sạch, hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường) nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp lân cận để tạo cụm liên kết ngành cho chuỗi công nghiệp bán dẫn.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chien-luoc-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-tai-viet-nam-buoc-khoi-dau-day-hua-hen/20250109113507749
Zalo