Báo chí cách mạng Việt Nam - Cánh chim báo bão của Đảng - Bài 5
Bài 5: Báo chí thắp lửa Tổng khởi nghĩa tháng 8 thành công
Với bề dày lịch sử, trong từng giai đoạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng đã trở thành thứ vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Đặc biệt, trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, báo chí cách mạng đã phát huy vai trò tiên phong tuyên truyền, tổ chức, tập hợp sức mạnh toàn dân, đoàn kết nhân tâm quyết đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Tập hợp quần chúng đấu tranh - sứ mệnh đặt lên vai báo chí
“Cứu quốc sẽ giãi bày nỗi lầm than thống khổ của muôn dân; Cứu quốc sẽ nêu cao ý muốn thiết tha của trăm họ; Cứu quốc sẽ là người chỉ lối trung thành cùng đồng bào cùng tiến lên trên đường giải phóng dân tộc; Cứu quốc nguyện làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Mong đồng bào yêu nước hãy tận tâm ủng hộ Cứu quốc về mọi phương diện, hãy kiên quyết tiến lên dưới bóng cờ đỏ sao vàng”. Thông điệp trên số đầu tiên của báo Cứu quốc do Tổng bộ Việt Minh xuất bản ngày 25/1/1942 đã thể hiện rõ vai trò tuyên truyền, giáo dục quần chúng tinh thần độc lập dân tộc, tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh theo sát chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát từng bước biến chuyển của cách mạng và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Bất chấp khó khăn gian khổ, thậm chí đã có những người làm báo và đọc báo Cứu quốc bị kẻ thù bắt giam, đày ải hết sức dã man nhưng Cứu quốc vẫn bền bỉ đến với độc giả, đem tiếng nói của Ðảng và Mặt trận Việt Minh đến nhân dân, động viên mạnh mẽ toàn dân đoàn kết nổi dậy giành chính quyền.
Trong năm 1942, dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh, tờ “Cờ giải phóng” đã xuất bản số đầu tiên. Với 33 số báo, Cờ Giải Phóng đã thành công trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng về tư tưởng và tổ chức, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa phát xít và bè lũ tay sai, tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa…

Cờ Giải Phóng và Cứu Quốc là 2 tờ báo có nhiều cống hiến nhất trong việc tổ chức lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cờ Giải Phóng và Cứu Quốc (1942 - 1945) là 2 tờ báo có nhiều cống hiến nhất trong việc tổ chức lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đặc điểm chung của những tờ báo này là đều đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và mang tính định hướng dư luận, đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế, kêu gọi nhân dân nhìn nhận lại kẻ thù chính của dân tộc.
Trong giai đoạn cao trào 1930 - 1931, tờ Dân chúng - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản ở Nam Kỳ đã khẳng định được vai trò tuyên truyền, cổ động, tập hợp dân chúng của mình. Tờ “Dân chúng” đăng tải nhiều bài viết có tính chiến đấu mạnh mẽ, đả kích chính sách cai trị của thực dân, đế quốc; tuyên truyền lý luận, đường lối, quan điểm, chính sách cách mạng của Đảng ta; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít… được đông đảo độc giả đón nhận.
Tuy nhiên, do “tính chất ngày càng nguy hiểm” của báo Dân chúng, ngày 7/9/1939, khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II sắp bùng nổ, nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn đã ra lệnh đóng cửa báo Dân Chúng, tịch thu toàn bộ tài sản của báo và cho mật thám truy lùng Ban Biên tập và những người đã từng là cộng tác viên của báo. Dù vậy, những người làm nên tờ Dân chúng đã kịp lập nên một “chiến tích” ấn tượng khi đã là tờ báo thứ 3 của Đảng ta ra được nhiều số nhất ở thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 (khoảng 81 kỳ). Dân chúng cũng là tờ báo của Đảng trước năm 1945 có số lượng in cao nhất (Dân chúng số báo xuân năm 1939 in 15.000 bản) và có nhiều bạn đọc nhất trên cả xứ Đông Dương ở thời điểm đó.
Sự ra đời và phát triển của báo chí cách mạng trước năm 1945 là tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu và phục vụ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Bên cạnh dòng báo chí phong kiến, thực dân, tiểu tư sản, báo chí cách mạng cất lên tiếng nói hào hùng và tha thiết, tập hợp quần chúng đấu tranh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người dân. Vì thế, dù là xuất bản công khai hay bí mật, báo chí cách mạng luôn luôn thể hiện nguyện vọng của đại đa số nhân dân, tiêu biểu như: Travaille, Avant Garde, Peuple, Dân chúng, Tin tức, Đời nay, Dân, Dân tiến, Ngày mới, Nhành lúa, Việt Nam độc lập, Cờ giải phóng, Cứu quốc…
Báo chí trong tù - diễn đàn đấu tranh trên mặt trận đặc biệt
Báo chí trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhất là báo chí giai đoạn 1930 - 1945 đã hình thành và phát triển thành một hệ thống báo chí từ Trung ương đến cơ sở, trở thành công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh đến toàn thể nhân dân, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam xuất hiện báo chí được viết tay trong tù, nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở tù, cũng là để phục vụ mục đích đấu tranh cách mạng.
Trong ngục tối, dù hoạt động hết sức bí mật, luôn bị kẻ thù ngăn cấm, hủy hoại, tiêu diệt, nhưng báo chí cách mạng luôn là vũ khí đấu tranh cực kỳ hiệu quả của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị tù đày; tuyên truyền đường lối của Đảng; cổ vũ tù nhân siết chặt đội ngũ, giữ vững niềm tin, ý chí, sức mạnh đấu tranh. Hầu như ở nhà tù nào, các chiến sĩ cộng sản và những người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày cũng tìm cách để “xuất bản” các số báo như một thứ vũ khí đấu tranh đặc biệt, góp phần quan trọng giữ gìn lực lượng cách mạng cho Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác Hồ.
Nói về báo chí được xuất bản trong nhà tù Côn Đảo, cựu tù chính trị, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - một trong những người trực tiếp tham gia làm báo trong tù cho biết, ông được giao biên chép tài liệu, đến bây giờ nghĩ lại, ông vẫn chưa quên cảm giác lén lút, giật mình vì sợ bị phát hiện trong thời gian làm báo ở tù. Mọi hoạt động diễn ra đều phải hết sức bí mật và phải luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, chủ yếu là vào đêm khuya. Ông cho biết, dưới ánh dèn leo lét nơi góc phòng, kê bìa giấy lên đùi, ông biên chép suốt ngày đến móp cả đầu ngón tay và phải luôn có người canh cửa.
Ngoài những tờ báo, như: Người tù đỏ (ra đời từ năm 1932, sau đổi thành Người tù nhân rồi Tiến lên), tạp chí Ý kiến chung của Chi bộ Nhà tù Côn Đảo ra đời từ giai đoạn 1935 - 1937, tờ báo Độc lập của chi bộ đặc biệt nhà tù Côn Đảo được phát hành năm 1945 để tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh. Tờ báo do đồng chí Nguyễn Công Khương (tức Lê Văn Lương) trực tiếp chỉ đạo, Ban biên tập có các đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Mạnh Hoan... Báo được in trên giấy học trò khổ nhỏ và in được khoảng 20 bản.

Các tác giả tham quan không gian trưng bày các tờ báo cách mạng ở Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tại các nhà tù, trại giam thuộc Bắc Kỳ, có những tờ báo trong nhà tù nhưng đã có thời gian tồn tại tương đối dài, để lại ấn tượng mạnh, có tác động tích cực đến phong trào đấu tranh như tờ Suối reo ở nhà tù Sơn La. Mặc dù phạm vi lưu hành hạn hẹp trong các nhà tù thực dân, đế quốc, nhưng những tờ báo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, củng cố ý chí và niềm tin, giữ vững tinh thần chiến đấu cho các cán bộ cách mạng bị tù đày. Tờ báo kêu gọi tù nhân viết bài tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng, vạch trần tội ác của Pháp, Nhật. Trong đó có những bài với nhiều thể loại, có những vần thơ mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, cổ động tù nhân vững tin theo Đảng: “Tiếng Đảng ta nghe gọi/Cờ Đảng ta đi theo/Chúc mừng ngày sinh Đảng/Lòng ta như Suối Reo”.
Tại Nhà tù Hỏa Lò, báo Lao tù tạp chí thường đăng các bài viết tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng, vạch trần tội ác của thực dân, đế quốc; phê phán những quan điểm sai trái của Quốc dân Đảng về quan điểm, lập trường, ý thức sinh hoạt... Tờ Lao tù tạp chí còn đăng nhiều bài vận động tù nhân vào “Lao tù hội”, một hình thức tổ chức quần chúng đấu tranh trong tù dưới sự lãnh đạo của những người tù cộng sản. Hầu hết các tờ báo phát hành bí mật trong các nhà tù, trại giam thực dân, đế quốc đều tuyên truyền về đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng, động viên các chiến sĩ bị đày ải giữ vững khí tiết và lòng tin vào thắng lợi của cách mạng.
Ngoài những tờ báo nêu trên, còn có các tờ báo như: “Bình Minh trên sông Đà” của Chi bộ nhà tù Sơn La xuất bản năm 1943, Báo Dòng sông Công (sau đó đổi thành báo Gió Ngàn) là tờ báo của các chiến sĩ cách mạng ở Trại tập trung Bá Vân, tỉnh Thái Nguyên phát hành năm 1944 - 1945, Báo Đường Nghĩa là tờ báo của những người tù cộng sản tại Trại tập trung Nghĩa Lộ (Yên Bái), Báo Thông Reo của tù chính trị cộng sản tại nhà tù Chợ Chu.
Một số tờ báo tiêu biểu tại các nhà tù, trại giam thuộc Trung Kỳ như Báo Chiến thắng, cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung Bộ từ bên ngoài được chuyển vào Nhà lao Phan Rang. Tuy không xuất bản trong tù, nhưng tờ bBai 5 - Bao chi cach mang (chuan)áo có vai trò rất quan trọng đối với cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở Nhà lao Phan Rang; đã giúp chi bộ, các đảng viên trong tù nắm bắt tình hình, định hướng đấu tranh. Báo Cờ Nghĩa của tù chính trị Buôn Mê Thuột viết tay, xuất hiện trong những năm 1941 - 1942…
Báo trong tù là một hiện tượng độc đáo do yêu cầu khách quan, là hiện tượng mang tính đặc thù trong đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Hầu hết các vị lãnh đạo của Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Linh, Xuân Thủy… đều là những người tổ chức làm báo trong tù.
Dưới sự tổ chức, lãnh đạo của các chi bộ đảng, báo chí cách mạng (trong đó có báo chí trong các nhà tù, trại giam thực dân, đế quốc) dù là xuất bản công khai hay bí mật, báo chí cách mạng luôn thể hiện nguyện vọng của đại đa số nhân dân. Các tờ báo được cán bộ và quần chúng cách mạng chuyền tay nhau đọc, nhiều bài báo người đọc thuộc lòng, được truyền miệng từ người này qua người khác, góp phần quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nước ta, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tập hợp và củng cố các lực lượng cách mạng, dân chủ chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và phong kiến; góp phần trực tiếp phát động cao trào cứu quốc, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi.
Trong bài viết với nhan đề: “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015) viết: Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước, nhất là chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng để lãnh đạo cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xuất bản Báo Thanh Niên ngày 21/6/1925. Người cho rằng, muốn làm cách mạng, trước hết phải truyền bá tư tưởng cách mạng - tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phải vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng. Báo chí cách mạng là công cụ cực kỳ quan trọng để làm nhiệm vụ đó; báo chí cách mạng còn là vũ khí sắc bén thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên… Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận.