Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: Đảm bảo chất lượng, chính xác, khách quan
Chiều 21/5, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Hạnh đã chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo Tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp tham gia cuộc họp.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Hạnh phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã thảo luận về tiến độ triển khai các phần công việc mà Bộ Tư pháp được giao liên quan đến việc triển khai tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).
Cùng với đó, các đại biểu cũng góp ý về cách làm, phương pháp tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân cũng như bố cục, các nội dung của dự thảo Đề cương Báo cáo của Chính phủ về Tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết.

Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp.
Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương, nghiêm túc trong việc triển khai xây dựng Báo cáo Tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về thời gian nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo chất lượng, tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp.
Báo cáo phải thể hiện rõ đánh giá về tình hình triển khai và kết quả tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp; tổng số lượt ý kiến mà Nhân dân, các ngành, các cấp tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết. Tổng hợp các ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết, bao gồm ý kiến chung; ý kiến góp ý cụ thể về từng nội dung, điều, khoản trong dự thảo Nghị quyết, trong đó nêu rõ số lượng ý kiến tán thành hoặc không tán thành và lý do; các ý kiến góp ý về kỹ thuật lập hiến; ý kiến về các nội dung khác (nếu có).
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Hạnh đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp để hoàn thiện thêm một bước đối với dự thảo Đề cương Báo cáo.
Ngày 5/5, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết.

Các đại biểu tại cuộc họp.
Theo Công văn số 3883/VPCP-PL của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ Tư pháp được giao xây dựng văn bản hướng dẫn việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến; tổng hợp các báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết; tổng hợp các báo cáo kết quả lấy ý kiến của các cơ quan, báo cáo của Văn phòng Quốc hội (tổng hợp ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội), báo cáo của Văn phòng Chính phủ (tổng hợp ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ) và báo cáo của Bộ Công an (tổng hợp ý kiến của Nhân dân trên ứng dụng VNeID).
Đồng thời, xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét, thông qua để gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (hoàn thành chậm nhất là ngày 05/6/2025). Làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2441/BTP-PLHSHC hướng dẫn việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gửi Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng ở Trung ương; Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Để tạo thuận lợi cho các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp kết quả lấy ý kiến, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể về tổ chức lấy ý kiến; các nguồn tổng hợp ý kiến, cách đếm và ghi ý kiến; nội dung báo cáo kết quả lấy ý kiến.