Báo Cao Bằng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1975 - 1985 (Phần 2)

Chuẩn bị bước vào xuất bản trở lại sau khi chia lại tỉnh, bộ máy của cơ quan Báo chưa kịp kiện toàn, Trung Quốc đem quân tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Khi chiến sự xảy ra ngày 17/2/1979 và lan nhanh ra các hướng, Báo Cao Bằng trong tình hình: Ban Biên tập mới chưa có, đồng chí Tổng Biên tập Phạm Toàn được tạm trao đảm nhiệm vị trí chức năng Ban Biên tập mới.

Tuy có ý thức chuẩn bị cho tờ Báo Cao Bằng ra đời sớm nhưng lúc này bộ máy cấp ủy cũng chưa được bổ nhiệm cho nên cũng làm chậm sự ra đời của tờ báo. Hơn nữa, sự kéo dài xuất bản số cuối cùng Báo Cao Lạng mãi tới ngày 15/01/1979 mới chấm dứt cũng có ảnh hưởng đến sự điều hành chuẩn bị mọi mặt cho Báo Cao Bằng xuất bản trở lại. Đặc biệt về thời gian chuẩn bị chủ động đối phó với chiến sự quá gấp, nên Báo ở trong tình trạng chung: lúng túng trong việc chuẩn bị đối phó, nhất là chưa hình dung được đặc điểm, tính chất, cách hoạt động của một cơ quan báo chí địa phương từ thời bình sang thời chiến.

Máy đánh chữ những năm 1980 -1998.

Máy đánh chữ những năm 1980 -1998.

Mặc dù gặp những thách thức rất lớn, song quán triệt tư tưởng kiên định của Ban Biên tập ngay từ đầu là: Dù tình hình thế nào cũng phải xuất bản theo hai hình thức: Ra báo khổ nhỏ hoặc bản tin để có thể thông tin kịp thời đến nhân dân trong tỉnh về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Nếu ra báo khổ nhỏ, phải in tại Bắc Thái và như vậy không khả thi vì phải vượt hàng trăm kilômét để có được ấn phẩm. Do đó, Ban Biên tập quyết định: Để nhanh chóng thông tin chiến thắng, động viên quân dân các địa phương chiến đấu và sản xuất, cơ quan Báo phải hình thành hai bộ phận cơ động (có sự phối hợp của Văn phòng Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ban Tuyên giáo tỉnh) bám mặt trận, cử phóng viên về các hướng thuộc các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Quảng Uyên, Hòa An, bám các đơn vị bộ đội đưa tin chiến thắng về. Mấy ngày đầu cuộc chiến có nhiều tin rất phấn khởi như: Ta bắt sống xe tăng quân Trung Quốc ở mặt trận Phục Hòa, huyện Quảng Hòa; ta đã tuyển thêm nhiều thanh niên tòng quân; bộ đội đặc công trấn giữ phía nam thị xã, quân Trung Quốc co cụm lại không dám nống ra; ta đánh thắng giòn giã hai trận: Tiêu diệt một đơn vị xe tăng ở Đà Lạn (Bế Triều, Hòa An), 24 xe quân sự chở đầy quân Trung Quốc bị thiệt hại hoàn toàn; hay: Đơn vị dân quân xã Minh Tâm (Nguyên Bình) do cựu chiến binh Trương Hữu Dem chỉ huy bao vây đơn vị pháo của đối phương cùng với sự chi viện của hai Trung đoàn tự vệ Mỏ Thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình) và Khu Gang thép Thái Nguyên đã chi viện kịp thời để tiêu diệt gọn và bắt sống nhiều tù binh;...

Tất cả những tin vui như thế đều được biên tập, in bằng phương tiện thủ công của Văn phòng Mặt trận Tổ quốc tỉnh và chuyển nhanh đến tất cả mọi nơi. Vì vậy, khi số báo ngày 20/2/1979 còn đang in tại Xí nghiệp In Việt Lập thì quân Trung Quốc đánh vào thị xã Cao Bằng(nay là thành phố Cao Bằng) nên phải bỏ dở, nhưng ngày 24/2/1979, Cao Bằng đã có bản tin thay thế, xuất bản liên tục trong vòng gần một tháng được 15 bản tin (trung bình hai ngày một bản). Với hàng trăm tin chiến thắng, tin hậu phương chi viện ra phía trước, thi đua cùng với quân dân các mặt trận, đẩy mạnh sản xuất... Bản tin chú trọng nêu gương toàn dân, các dân tộc mưu trí, chiến đấu anh dũng như: Dân quân người Mông đỉnh đèo Mã Quỷnh (Thông Nông) đánh địch theo lối du kích rất kiên cường; gương 11 dân quân người Dao Đỏ vùng Minh Khai (Thạch An) tổ chức chiến đấu, cướp súng đối phương trang bị cho mình phát triển thêm lực lượng... Trong công tác tuyên truyền, bản tin chú trọng vạch rõ âm mưu và tội ác của bọn phản động. Những vụ đối phương gây ra như giết hàng chục công nhân Trại lợn Đức Chính (Vĩnh Quang, Hòa An - nay thuộc thành phố Cao Bằng) rồi vứt xác xuống giếng nước ở Tổng Chúp; chất rơm rạ thiêu sống hàng trăm đồng bào ta ở hang Lũng Tạc (Trà Lĩnh), tàn phá làng mạc, cầu đường, đặc biệt đã phá sạch, đốt sạch thị xã Cao Bằng, trong đó có Bệnh viện tỉnh... Tất cả đều được đưa tin bằng hình ảnh đã gây xúc động trong toàn quân và dân trong tỉnh.

Để kịp thời ra báo hay bản tin tuyên truyền tới quân dân toàn tỉnh, Ban Biên tập và anh em phóng viên rất cố gắng, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh. Đêm đêm anh em Ban Biên tập bám sát Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đến các đơn vị của Quân khu, Quân đoàn, khi có tin chiến thắng là cử phóng viên đến tận nơi để khai thác tin tức. Các đồng chí phóng viên nhận nhiệm vụ đều vui vẻ khoác ba lô, cùng khẩu súng AK, một ruột tượng gạo, vượt đèo núi cả đêm để đến được nơi cần đến. Tòa soạn Báo Cao Bằng làm việc không kể ngày đêm, nhiều đêm thức trắng soạn tin, in ấn, gói ghém để kịp gửi nhanh tới các địa phương. Thời tiết miền núi tháng 2 còn rất lạnh buốt, đêm đến anh em phóng viên, biên tập viên ở mặt trận phải lấy những gắp gianh lợp nhà để làm đệm nằm cho đỡ lạnh giá. Nhiều đồng chí trong cơ quan Báo, gia đình ở các vùng tạm thời bị chiếm đóngrất lo cha mẹ, vợ con không biết ra sao, nhưng vẫn không nao núng, vượt lên mọi thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Ban Biên tập luôn lo lắng cho các phóng viên đang ở sát biên giới ngay từ phút đầu cuộc chiến xảy ra. Trong thời gian này, khó khăn rất lớn là mất thông tin liên lạc từ tỉnh tới huyện. 15 ngày sau cuộc chiến lan rộng, một số phóng viên đã dũng cảm vượt suối băng rừng về tòa soạn báo cáo tình hình, viết bài phản ánh, rồi lại nhận sự phân công đi về những vùng mà bộ đội chính quy, tự vệ và dân quân địa phương đang chiến đấu. Gần một tháng sống trong điều kiện chiến tranh, gian khổ, vất vả, sinh hoạt thất thường, từ các đồng chí lãnh đạo đến phóng viên đã quen dần với nếp sống thời chiến, tinh thần chiến đấu của phóng viên báo Đảng rất cao, lạc quan tin tưởng ta nhất định thắng.

Khi đối phương rút chạy, một tuần sau đó Báo trở lại xuất bản bình thường. Xí nghiệp In Việt Lập được vệ bảo nguyên vẹn, bởi khu vực này có các đơn vị đặc công và an ninh trấn giữ, khiến đối phương không dám nống ra phía nam thị xã Cao Bằng. Ban đầu Báo ra hai trang để nhanh chóng chuyển tải khối lượng thông tin cần đưa nhất là tin chiến thắng của các đơn vị, địa phương tổng hợp gửi về. Báo được phát không thu tiền trong tháng đầu sau giải phóng và sau đó báo lại ra 4 trang, bán thu tiền theo chế độ quy định.

Sau thắng lợi, nhiều vấn đề đặt ra rất cấp thiết liên quan đến tư tưởng, quân sự và hành động của toàn dân, báo Đảng phải góp phần chỉ rõ và hướng dẫn.

Một số nhiệm vụ quan trọng khác cũng được quan tâm tuyên truyền liên tục, như khôi phục sản xuất sau cuộc chiến nhằm ổn định đời sống nhân dân các vùng chiến sự đi qua; việc phòng chống dịch bệnh, củng cố xây dựng lực lượng dân quân gìn giữ an ninh trật tự, nâng cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu... Nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Báo đã quan tâm kịp thời nêu gương chi bộ, đảng bộ tiêu biểu và kinh nghiệm công tác Đảng của nhiều địa phương trong tỉnh. Việc tuyên truyền xây dựng Đảng được đẩy mạnh đúng vào những thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ cấp huyện, trên các trang báo, kỳ báo đã đề cập tới nội dung đấu tranh phê bình của các huyện, đăng cả những yếu kém và những biện pháp khắc phục vươn lên nhằm thúc đẩy cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, thi đua phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuyên truyền nhiệm vụ xây dựng Đảng, Báo chú trọng cải tiến hình thức đưa tin, viết bài, coi trọng chất lượng, ủng hộ cách suy nghĩ mới của mỗi địa phương, tập trung làm rõ ở từng địa phương giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, quản lý hợp tác xã, bảo đảm an ninh địa phương, xây dựng huấn luyện lực lượng dân quân phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ xóm làng, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và tích cực.

Báo Cao Bằng cũng thường xuyên thông tin, phản ánh các hoạt động của các ngành, nhất là giao thông vận tải, xây dựng khẩn trương sửa chữa khôi phục cầu đường, trường học, các công trình thủy lợi phục vụ nhiệm vụ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, để nhân dân thấy rõ hơn sự cố gắng rất lớn của Nhà nước nhằm khắc phục hậu quả sau chiến tranh, phục vụ nhân dân tốt hơn...

Sau hơn ba năm tái lập tỉnh, ngày 19/5/1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng đã ra Nghị quyết số 86-NQ/CB "Về nâng cao chất lượng Báo Cao Bằng và ban hành Quy chế Báo tỉnh". Nghị quyết đã đánh giá "Mười bảy năm qua (1/4/1964 - 19/5/1982), dưới ánh sáng các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Báo Cao Bằng đã có nhiều tiến bộ trong việc tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chăm lo bồi dưỡng tinh thần cách mạng của nhân dân các dân tộc, tăng cường đoàn kết nhất trí về chính trị và tinh thần trong Đảng bộ và quần chúng; cổ vũ khí phách anh hùng của quân và dân tỉnh ta vượt qua khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới qua nhiều năm chiến tranh chống xâm lược, và hiện nay đang ra sức thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng do Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng bộ tỉnh đề ra cho ba năm trước mắt. Đặc biệt trong cuộc tiến công vào những hoạt động chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp, chiến tranh phá hoại của kẻ thù, chống những biểu hiện tiêu cực trong Đảng và ngoài xã hội, Báo Cao Bằng đã tỏ rõ là vũ khí sắc bén có tính chiến đấu, chủ động, kiên quyết, xây dựng niềm tin và quyết tâm thực hiện mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng".

Nghị quyết của Tỉnh ủy cũng chỉ ra trong hoạt động Báo còn bộc lộ một số khuyết điểm, nhược điểm, như: Trong công tác tuyên truyền giáo dục có lúc chưa quán triệt một cách sâu sắc đường lối, quan điểm, nhiệm vụ cách mạng và các chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới. Nhất là chưa nắm vững tinh thần chỉ đạo để góp phần giải quyết những thực tế khó khăn, phức tạp và những diễn biến trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc. Đó là chưa tập trung giải quyết những nhận thức tư tưởng mơ hồ về địch, ta, và cách lệch lạc trong đánh giá tình hình, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng trong sản xuất, chiến đấu và xây dựng chưa mạnh, đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong quản lý kinh tế - xã hội chưa thường xuyên và tập trung. Đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, về tư tưởng và tổ chức, Báo đóng góp còn ít. Tính toàn diện và đều khắp còn hạn chế. Công tác phê bình trên báo làm còn yếu. Công tác bạn đọc, phát hành chưa được chăm lo đúng mức và thường xuyên...

Về nguyên nhân, Nghị quyết nêu rõ: Đó là những biểu hiện tính Đảng, tính tư tưởng, tính quần chúng, tính khoa học của báo Đảng địa phương chưa cao. Sở dĩ như vậy là do: "Cơ cấu tổ chức của cơ quan Báo còn giản đơn; cán bộ làm báo chưa có những hiểu biết cần thiết, nghiệp vụ chưa giỏi. Số lượng lại quá ít trong khi nguồn bổ sung, công tác bồi dưỡng đào tạo hằng năm không có...”.

Để thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, công tác báo chí cần được tăng cường rộng rãi, không ngừng nâng cao về các mặt tư tưởng, tổ chức, nội dung và nghiệp vụ... Vì vậy, Tỉnh ủy quyết định: Ban hành Quy chế Báo Cao Bằng để đủ mạnh về tổ chức, tăng cường hoạt động, đi sâu, đi sát phục vụ kịp thời các phong trào, các địa phương trong tỉnh...

Liên tiếp sau đó, năm 1982 - 1984, Tỉnh ủy còn ra thêm Chỉ thị về tăng cường công tác phát triển và sử dụng Báo Cao Bằng và Chỉ thị về việc mở rộng phê bình trên Báo Cao Bằng. Ngoài ra, còn có Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến thông tin những sự kiện có tính "lễ tân" và Kết luận của Ban Bí thư về đấu tranh chống tham nhũng trên báo chí.

Căn cứ vào các phương hướng, nhiệm vụ kể trên, Báo Cao Bằng đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, truyền đạt nhanh và kịp thời mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ của địa phương đến tận cơ sở; động viên mọi nhân tố tích cực, đề cao gương người tốt, việc tốt trong chiến đấu, lao động sản xuất và tổ chức đời sống... Đấu tranh chống mọi hiện tượng trì trệ, chậm chạp, tiêu cực, đặc biệt là tập trung mũi tiến công chống chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp của kẻ địch, xây dựng nếp sống khẩn trương, cảnh giác, bí mật, quân sự hóa thời chiến.

Sau chiến sự năm 1979, cơ quan Báo vốn đã khó khăn lại càng khó khăn gấp bội, nơi làm việc bị đốt cháy trụi, toàn bộ phương tiện vật chất, kỹ thuật gửi trong kho hậu cần quân đội đều bị đạn pháo đối phương phá hủy... Dù hoàn cảnh như vậy, Báo vẫn không ngừng nghiên cứu cải tiến nội dung, hình thức, tăng cường tính chiến đấu, tính quần chúng của Báo. Việc cải tiến phát hành làm cho tờ Báo của Đảng bộ tỉnh được phổ cập rộng rãi, có tác dụng thiết thực trong các vùng, đến được cán bộ cơ sở, các tầng lớp quần chúng, trong các trường học và quân đội.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy, thời kỳ cả nước đang trong tình hình vừa có hòa bình vừa có thể xảy ra chiến tranh do bọn phản động quốc tế gây ra, với vị trí tỉnh tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc, Báo đã xây dựng hai phương án: Hoạt động trong hòa bình và hoạt động khi có chiến sự để kịp thời chuyển hướng phục vụ chiến đấu trong mọi tình huống, không để báo phải ngừng xuất bản và tắc nghẽn phát hành. Phương án được Tỉnh ủy và ban chỉ đạo tỉnh phê duyệt vào kế hoạch phòng thủ chung nhằm phối hợp với các ngành cùng thực hiện khi chiến sự xảy ra.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 86 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Biên tập của Báo đã tập trung, kiên trì giải quyết một loạt vấn đề như: tăng cường đào tạo phóng viên, giải quyết việc in ấn đã quá lạc hậu khiến có số báo ra chậm đến cả tháng, tăng thêm một số phương tiện kỹ thuật cho báo hoạt động được nhanh, đưa tin được kịp thời hơn. Đồng thời, Báo cũng quan tâm chăm lo củng cố mạng lưới thông tin viên, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các ngành, các cấp để nhận được nhiều hơn sự cộng tác, giúp đỡ xây dựng báo Đảng.

Để tháo gỡ khó khăn về tổ chức, con người, căn cứ vào quy chế mới ban hành, Tỉnh ủy cho phép Báo được tuyển dụng 12 biên chế gửi đi học dài hạn, điều động cộng tác viên có trình độ đại học ở các ngành về làm báo và tuyển dụng một số sinh viên ngành sư phạm, tuyên huấn cử đi đào tạo thêm nghiệp vụ ngành báo chí... Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, đội ngũ phóng viên của Báo ngày một đông và hoạt động nghề nghiệp có chất lượng hơn. Số phóng viên trẻ được đào tạo cơ bản về nghề đã thay thế số đông phóng viên có tuổi được chuyển về tuyến huyện.

Phương tiện tác nghiệp của phóng viên và Tòa soạn những năm trước hiện được lưu giữ tại Phòng truyền thống Báo Cao Bằng.

Phương tiện tác nghiệp của phóng viên và Tòa soạn những năm trước hiện được lưu giữ tại Phòng truyền thống Báo Cao Bằng.

Mặc dù đã được bổ sung về nhân lực, song khó khăn nhất là công nghệ in cũ, lạc hậu. Cơ sở in có từ năm 1951 đến thời điểm này vẫn không có gì thay đổi, không còn đáp ứng được việc ấn hành báo địa phương, ảnh thì mờ nhạt như một mảng mực đen, chữ in mòn không còn nét, còn dấu, thời gian ra báo quá chậm, gây bức xúc với bạn đọc. Từ chỗ trước đây báo in ra được ngành in Bộ Văn hóa xếp loại A kỹ thuật in báo địa phương, từ năm 1984 trở đi không đạt được loại C. Trước tình hình như vậy, Ban Biên tập đã nhiều lần báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy để xin được chuyển in ngoài tỉnh. Theo cơ chế quản lý cũ của Bộ Văn hóa, báo tỉnh muốn in ngoài tỉnh phải được sự đồng ý của Tỉnh ủy, còn Thường trực Tỉnh ủy lo đưa báo in ngoài tỉnh thì công nhân nhà in sẽ thất nghiệp... Vì vậy, việc chuyển báo đi in ngoài tỉnh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tuy biết hoạt động báo chí cũng sẽ còn gặp nhiều gian nan, vất vả vì là một tỉnh mới ra khỏi cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt, song Nghị quyết số 86 của Tỉnh ủy đã tăng nghị lực cho cơ quan báo Đảng vượt khó vươn lên.

Trong những năm 1980 - 1981, tại biên giới tỉnh Cao Bằng, bọn phản động vẫn tiếp tục khiêu khích vũ trang, tung thám báo, biệt kích chuẩn bị các hành động quân sự lấn chiếm một số nơi, toàn tỉnh luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Trước tình hình đó, cơ quan Báo đã luôn duy trì nếp sống và làm việc theo thời chiến hết sức linh hoạt, gọn gàng, sẵn sàng tư thế nhanh chóng đến nơi có tình huống xảy ra, bất kể ngày đêm để ghi ảnh và khai thác đưa tin. Cũng trong thời gian này, Trung ương và tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết về kinh tế; nhiều sự kiện chính trị lớn như: Bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân..., Báo đã cố gắng tổ chức tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân những vấn đề mới, cốt lõi: tiếp tục xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và đẩy mạnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; toàn dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, nội địa; đấu tranh chống tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, nhất là các công trình phòng thủ của lực lượng vũ trang, hàng hóa và lương thực.

Về kinh tế, Báo đẩy mạnh tuyên truyền sản xuất vụ đông xuân, vụ mùa 1980 - 1981, cổ vũ nông dân phấn đấu đạt mục tiêu 130 nghìn tấn lương thực; tuyên truyền khoán mới trong nông nhiệp theo Chỉ thị 100 của Trung ương, mở rộng khoán sản phẩm trong nông nghiệp nhằm tăng năng suất và tăng sản lượng. Mở rộng tuyên truyền thực hiện trả lương sản phẩm, lương khoán và tiền thưởng trong công nghiệp và thủ công nghiệp theo Quyết định số 25-CP và 26-CP của Chính phủ. Vì đây là những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước, nên Báo vừa phải tuyên truyền cho công nhân, lao động, xã viên thông hiểu được đúng đắn, vừa phải cổ vũ thực hiện ngay chính sách mới có hiệu quả để mọi người thấy được lợi ích thiết thực, thi đua thực hiện chính sách mới một cách tự giác.

Đi đôi với tuyên truyền sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, Báo còn đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống mới thời chiến, tiết kiệm. Báo đã khơi dậy phong trào thực hiện việc tang, việc cưới theo Chỉ thị số 214 của Ban Bí thư và Quyết định số 59 của Hội đồng Bộ trưởng, góp phần ngăn ngừa việc tổ chức đám ma, đám cưới lớn, đình đám gây lãnh phí đang có chiều hướng gia tăng ở cả nông thôn, thành thị sau chiến tranh. Trước hết, Báo thực hiện đấu tranh chống những vi phạm trong cán bộ, đảng viên, vì đây là những người có hiểu biết phải gương mẫu. Báo đã chọn phê bình, phân tích về một đám cưới với nhan đề: "Mua danh, bán tiếng" của một cán bộ cơ quan tỉnh gây tác hại xấu đến phong trào xây dựng nếp sống mới của xã Hưng Đạo, huyện Hòa An. Bài báo đã có tác dụng tốt, được dư luận đồng tình; lãnh đạo tỉnh, huyện và cơ sở hoan nghênh vì đã cảnh tỉnh mọi người hãy thực hiện đúng và nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư và Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về việc cưới, việc tang.

Trong những năm 1980 - 1981, nhiều sự kiện quan trọng đã được Báo tổ chức tuyên truyền từng đợt tập trung như: Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Ngày 17/2 (hai năm ngày chiến thắng chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc). Báo còn tham gia cổ vũ phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày hội và ngày lịch sử lớn của đất nước, của tỉnh. Đồng thời, Báo đã đăng tải những gương tốt, biểu dương thành tích của địa phương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sẵn sàng đánh trả kẻ thù khiêu khích và xâm lược.

Kỷ niệm Ngày Thành lập Đảng (ngày 3 tháng 2), Báo tuyên truyền, cổ vũ giới thiệu các đảng bộ cơ sở có nhiều thành tích được nhận Cờ thưởng của Chính phủ, của tỉnh. Báo tổ chức một tháng tuyên truyền kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề: Noi gương và học tập đạo đức, tác phong và tinh thần phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân của Bác Hồ. Báo cũng quan tâm tuyên truyền về các Đại hội Phụ nữ các cấp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, hướng suy nghĩ và hành động vào nhiệm vụ tăng cường đoàn kết, nêu cao tinh thần căm thù bọn xâm lược, quyết tâm xây dựng hợp tác xã vững mạnh, sản xuất tốt và bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Đặc biệt trong những năm 1984 - 1985 có một số nghị quyết lớn của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy, cùng một số chính sách mới ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, về kinh tế, xã hội, đời sống, an ninh, quốc phòng có những thành tích và tiến bộ rõ nét, tạo được thế đi lên và niềm tin trong nhân dân các dân tộc. Năm 1984 còn là năm thứ hai tỉnh Cao Bằng đạt được mục tiêu tổng sản lượng lương thực do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra; năm Nhà nước thu mua được số lượng thuốc lá nhiều nhất; đạt mức huy động lương thực. Sản xuất cây đỗ tương, chăn nuôi đàn lợn phát triển tốt, giá cả thu mua của Nhà nước đã có thay đổi có lợi hơn cho người sản xuất. Những thành tựu kể trên như một làn gió mới tỏa khắp nông thôn, thành thị. Mặc dù hoạt động kinh tế vẫn còn trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, nhưng với kết quả đạt được đã có sức cổ vũ lớn người lao động nông thôn, cũng như các ngành, nghề sản xuất thủ công... Tất cả những chủ trương, nội dung nghị quyết của Trung ương và tỉnh cũng như những kết quả đạt được đề được Báo đăng tải nhằm hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trong tỉnh và bọn đọc biết.

Thành tích và tiến bộ của tỉnh trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm, có sự đóng góp của Báo về mặt tuyên truyền, cổ vũ tinh thần thi đua rộng khắp trong cán bộ, đảng viên, xã viên hợp tác xã nông nghiệp và lao động trong các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp... Báo đã lấy các sự kiện chính trị để thúc đẩy thi đua như: Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (ngày 3 tháng 2); Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Cao Bằng; Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9; Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Cao Bằng (3-10). Chương trình tuyên truyền xây dựng Đảng, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh luôn luôn chiếm tỷ lệ cao trên mặt báo, tin, bài nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng. Nội dung tin bài chú trọng giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng quê hương như bài: "Ngọn lửa Nặm Lìn"; biểu dương thành tích và tiến bộ của một số ngành, huyện mạnh dạn vận dụng cơ chế, chính sách mới ban hành để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của người lao động. Nhiều đơn vị "xé rào cản" của cơ chế cũ, để vượt khó, tìm tòi, năng động thay đổi cây trồng, vật nuôi trong hợp tác xã cũng như lo việc làm cho công nhân lao động để trụ vững sau chiến tranh của các xí nghiệp, công trường... Báo Đảng đã đến tận nơi nghiên cứu đưa tin viết bài cổ vũ cơ khí Lam Sơn hướng vào phục vụ nông dân, làm bừa sắt, các nông cụ cải tiến tẽ ngô, thái sắn, guồng nước; Hợp tác xã Ngôi sao sáng tham gia sản xuất ống dẫn nhiệt phục vụ các lò sấy thuốc lá; Công ty Thủy lợi tỉnh, lập làng Thủy lợi Nà Tấu (Bế Triều, Hòa An) để vừa bảo vệ công trình thủy lợi, khai thác đất trống trồng cây ăn quả cải thiện đời sống, vừa giải quyết được số lao động chưa có việc làm, vừa giữ được công nhân lành nghề chờ khi có kế hoạch làm ăn mới không bị thiếu công nhân kỹ thuật và lao động,...

Trong nông nghiệp, Báo tập trung động viên thực hiện các biện pháp thâm canh lúa, ngô, đỗ tương. Báo còn phản ánh việc củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao chất lượng quản lý khoán trong nông nghiệp, giao nộp đầy đủ sản phẩm khoán, nghĩa vụ lương thực; đẩy mạnh thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, kinh doanh nghề rừng trong hợp tác xã, biểu dương những điển hình tốt về trồng và bảo vệ rừng, giáo dục ý thức bảo vệ rừng đi đôi với phê bình, đấu tranh với những hợp tác xã, địa phương để xảy ra nạn phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy tập trung ở các vùng còn du canh, một số vùng còn cả du canh, du cư... Báo đã đưa tin, điều tra cổ vũ các ngành, các cấp, cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh thi đua giành thắng lợi các mục tiêu năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm của địa phương.

Lịch sử Báo Cao Bằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-cao-bang-trong-thoi-ky-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-1975-1985-phan-2-3176398.html
Zalo