Xóa bỏ mô hình mọi cấp đều làm mọi việc: Cấp xã cần được trao quyền để hành động
Theo chuyên gia, thời điểm này là cơ hội bỏ mô hình phân quyền kiểu búp bê Matryoshka (mọi cấp đều làm mọi việc), thay vào đó cần trao quyền nhiều hơn cho cấp xã.
Trên cơ sở mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), Chính phủ định hướng tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay. Đồng thời chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện.
Đây là vấn đề cần thiết để bảo đảm cho sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hoàn thiện tốt nhiệm vụ quản lý của chính quyền cấp xã có quy mô lớn sau sáp nhập.

Tại Kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 5/5), Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để kết thúc hoạt động cấp huyện. (Ảnh: Phạm Thắng)
Xóa bỏ mô hình "mọi cấp đều làm mọi việc"
Trả lời phóng viên Báo Điện tử VTC News, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, phân quyền không đơn thuần là sự phân chia công việc hành chính, mà là sự tái cấu trúc quyền lực công nhằm tối ưu hóa hiệu lực, hiệu quả quản trị và thúc đẩy sáng tạo trong cung ứng dịch vụ công.
"Triết lý cốt lõi của phân quyền trong quản trị quốc gia hiện đại là "giao quyền để tạo giá trị của một nền công vụ gần dân, đúng lúc và bền vững". Trong một thế giới ngày càng phức tạp, bên cạnh kiểm soát tốt, chính quyền còn phải phản ứng nhanh, linh hoạt và thích ứng cao, nên việc tổ chức lại quyền lực theo hướng hiệu quả trở thành một tất yếu", ông Dũng nêu quan điểm.
Theo ông Dũng, cấp nào gần dân hơn, hiểu vấn đề hơn, hành động nhanh hơn thì cấp đó cần được trao quyền nhiều hơn. Cấp nào có tầm nhìn và năng lực điều phối thì thực hiện vai trò hoạch định, điều chỉnh và bảo đảm thống nhất.
Ở cấp địa phương, phân quyền cần được quán triệt theo một triết lý cụ thể hơn: cấp nào gần dân hơn thì cấp đó quyết, làm và chịu trách nhiệm trước dân.
"Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm, được thể hiện ngắn gọn mà sâu sắc qua phương châm: địa phương quyết - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm", TS Dũng nhấn mạnh.
Phân quyền không thể thành công nếu chỉ "giao việc" mà không "giao quyền", hoặc nếu giao quyền mà không kèm theo năng lực thực thi và cơ chế giải trình
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Song, để địa phương thực sự phát huy được vai trò đó, điều kiện tiên quyết là phải được giao quyền một cách thực chất, đầy đủ và rõ ràng, chứ không chỉ là giao nhiệm vụ.
Theo đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, chính quyền cơ sở cần được trao 4 nhóm quyền cơ bản.
Nhóm thứ nhất, quyền quyết định trong khuôn khổ chính sách chung. Nghĩa là được lựa chọn hình thức tổ chức thực hiện, thứ tự ưu tiên, lộ trình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, miễn là vẫn bảo đảm các nguyên tắc, mục tiêu chiến lược đã được cấp trên xác lập.
Nhóm thứ hai, quyền về tổ chức bộ máy và nhân sự, đặc biệt là thẩm quyền nhất định trong việc tuyển dụng, bố trí, đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, các chức danh không chuyên trách và cộng tác viên ở cơ sở.
Nhóm thứ ba, quyền tài chính - ngân sách, bao gồm quyền quản lý một phần nguồn thu ổn định, quyền phân bổ ngân sách linh hoạt trong phạm vi được giao, đặc biệt là đối với các dịch vụ công và nhiệm vụ dân sinh thiết yếu.
Nhóm thứ tư, quyền huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội hóa nguồn lực - cho phép cấp cơ sở tổ chức các mô hình hợp tác công - tư, khuyến khích người dân và tổ chức xã hội cùng tham gia giải quyết các vấn đề công như y tế, giáo dục, môi trường, an sinh…
Ông Dũng cho biết, khi được trao những quyền này một cách thực chất, cấp cơ sở mới có thể trở thành chủ thể hành động năng động, nơi chính sách công không chỉ được thực hiện một cách máy móc, mà còn được "tái sáng tạo" để phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế và nhu cầu đa dạng của người dân trên địa bàn.
"Thời điểm này là cơ hội vàng để Việt Nam xóa bỏ mô hình phân quyền Xô Viết, hay còn gọi là mô hình búp bê Matryoshka - búp bê rỗng ruột có kích thước từ nhỏ đến lớn lồng vào nhau, được chúng ta áp dụng từ khi ban hành Hiến pháp năm 1960.
Đặc điểm của mô hình này là song trùng trực thuộc, tức bộ máy trải dài theo chiều dọc từ trên xuống và theo chiều ngang, ví dụ, các sở vừa trực thuộc bộ, vừa trực thuộc UBND tỉnh. Sự phân quyền trùng lặp, cấp nào cũng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thi hành pháp luật, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh… dẫn đến các cấp không rõ quyền hạn, trách nhiệm đến đâu, phải hỏi cấp trên", ông Dũng nêu thực tế.
Đánh giá, mô hình "mọi cấp đều làm mọi việc" khiến bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, quan liêu và hành chính hóa toàn diện, ông Dũng nhấn mạnh, đã đến lúc cần chuyển sang mô hình "mỗi cấp làm tốt phần việc của mình".
Trong đó cấp cơ sở là nơi hành động linh hoạt, cấp tỉnh là nơi điều phối và giám sát kết quả, còn cấp Trung ương là nơi hoạch định thể chế và bảo đảm tính thống nhất toàn quốc.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tái khẳng định, phân quyền không thể thành công nếu chỉ "giao việc" mà không "giao quyền", hoặc nếu giao quyền mà không kèm theo năng lực thực thi và cơ chế giải trình.
Do đó, quá trình phân quyền phải gắn liền với cải cách thể chế tài chính địa phương, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ cơ sở và thiết lập cơ chế kiểm soát dựa trên kết quả thay vì can thiệp vào quy trình.
"Quan trọng hơn, cần xây dựng niềm tin vào chính quyền cấp cơ sở, niềm tin rằng khi được trao quyền đúng mực và được bảo vệ đúng pháp lý, họ sẽ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư: không quyết thay, không làm thay và cũng không chịu thay trách nhiệm cho địa phương", ông Dũng nói.
Vẫn theo vị chuyên gia, suy cho cùng, phân quyền không phải để phân tán quyền lực, mà là để tập trung quyền lực vào đúng nơi có thể tạo ra giá trị công lớn nhất - nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và có thể hành động nhanh nhất chính là cấp cơ sở.
Giao quyền tối đa cho cấp xã
Tán thành đề xuất của Chính phủ, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng cần xác định rõ khi bỏ cấp huyện thì xã là đơn vị hành chính gần và sát dân nhất.
"Vì vậy, cấp xã cần được tăng quyền tối đa để giải quyết những thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn hiện đang được quy định cho chính quyền địa phương cấp xã và chính quyền địa phương cấp huyện. Những vấn đề mang tính liên vùng, liên xã thuộc quyền hạn cấp huyện mới chuyển lên cấp tỉnh", ông Dĩnh nói.
Ông Dĩnh dẫn 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã được Chính phủ quy định tại Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Chính quyền cấp xã sẽ được trao nhiều thẩm quyền hơn trong quyết định các nhiệm vụ liên quan đến đất đai, đầu tư, phúc lợi xã hội...
TS Nguyễn Tiến Dĩnh
Một là tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và văn bản của cơ quan cấp trên ở địa bàn.
Hai là quyết định về tài chính, ngân sách của cấp mình trên địa bàn cấp xã (trừ các nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh); được ban hành văn bản quy phạm pháp luật; được hỗ trợ nguồn tài chính, ngân sách từ Trung ương và cấp tỉnh để bảo đảm cho các hoạt động công ích.
Ba là thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, phát triển cộng đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ.
Bốn là quản lý tài sản, cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trên địa bàn; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, phúc lợi xã hội; duy trì truyền thống văn hóa ở địa phương, quản lý các cơ sở văn hóa, thể thao và giải trí.
Năm là cung ứng các dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân như cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ trên địa bàn.
Sáu là giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân trên địa bàn.
Bảy là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được chính quyền địa phương cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền.
"Chính quyền cấp xã sẽ được trao nhiều thẩm quyền hơn trong quyết định các nhiệm vụ liên quan đến đất đai, đầu tư, phúc lợi xã hội...", ông Dĩnh nói và nhấn mạnh chính quyền cơ sở phải "tự quyết định, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm" trong triển khai các nhiệm vụ, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đáp ứng được các nhiệm vụ, quyền hạn mới, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, Chính phủ định hướng tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã là phù hợp.
Cụ thể: Văn phòng HĐND và UBND (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của HĐND và UBND cấp xã); Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh dẫn thực tế, hiện nay công chức cấp xã có 6 chức danh: chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.
"Mỗi chức danh có thể là 2-3 công chức làm nhiệm vụ đó. Tới đây sẽ được thiết chế thành các tổ chức bộ máy nên sẽ thành lập 4 phòng chuyên môn và tương đương, số lượng cán bộ cấp cơ sở sẽ được bổ sung để đảm bảo hoạt động, phục vụ người dân", vị nguyên Thứ trưởng nhìn nhận.
Cùng bàn luận, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, khi không còn cấp huyện, trách nhiệm liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, như: bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, quản lý kinh tế, văn hóa… cần được trao lại cho cấp xã.
Bên cạnh đó, cấp xã nên được trao thêm quyền hạn trong việc quản lý các nhiệm vụ như quản lý hộ khẩu, hộ tịch, quản lý kinh tế, và các nghiệp vụ liên quan đến đất đai (cấp đổi sổ đỏ)… Đồng thời, cấp xã cũng cần được mở rộng quyền hạn trong việc thu và chi ngân sách so với quy định hiện hành.
"Việc này sẽ giúp cấp xã chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề địa phương và đáp ứng nhu cầu của người dân một cách linh hoạt", GS Đường kiến nghị.