Hạ tầng giao thông TP.HCM đột phá với hàng loạt công trình trọng điểm

Các công trình giao thông trọng điểm đồng loạt hoàn thành đã khơi thông hạ tầng giao thông TP.HCM.

LTS: 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hạ tầng giao thông TP.HCM đã “thay da đổi thịt” hoàn toàn nhờ hàng loạt công trình trọng điểm được khánh thành và nhiều dự án mới đồng loạt khởi công. Các tuyến đường huyết mạch - trục xương sống của TP.HCM được hoàn thành, các tuyến cao tốc của TP cũng đã dần mở ra, kết nối liên vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. 50 năm, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đầu tiên được vận hành đã mở ra một không gian đô thị mới, với loại hình giao thông tiên tiến, hiện đại hàng đầu Việt Nam. Những nỗ lực của ngành giao thông TP.HCM trong tiến trình hoàn thiện hạ tầng giao thông TP, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được khẳng định.

Trong không khí chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã nỗ lực đưa hàng loạt dự án, công trình trọng điểm về đích. Các công trình có dấu ấn đặc biệt quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo TP, tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông, thay đổi thói quen đi lại của người dân TP.HCM. Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, cùng nhiều gói thầu nhỏ nhưng ý nghĩa lớn.

 Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất được gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất được gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Ảnh: NGUYỆT NHI

Metro số 1 thay đổi “cục diện” giao thông TP.HCM

Mới đây, tuyến metro số 1 đã được khánh thành, đây là một trong 50 công trình được gắn biển chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Metro số 1 không chỉ là công trình có ý nghĩa quan trọng, mà còn trở thành một biểu tượng, loại hình giao thông được người dân TP.HCM yêu thích. Đặc biệt, vào những ngày tháng 4 lịch sử, người dân nô nức trải nghiệm metro số 1 đi làm, đi xem bắn pháo hoa, để hòa mình vào hoạt động “Đất nước trọn niềm vui”, “Chương trình sắc màu Thành phố Bác”…

PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh việc khánh thành tuyến metro số 1 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển giao thông đô thị của TP. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) hiện đại, tương đương với các nước trong khu vực.

Vào những ngày tháng 4 lịch sử, người dân nô nức trải nghiệm metro số 1 đi làm, đi xem bắn pháo hoa, hòa mình vào hoạt động “Đất nước trọn niềm vui”, “Chương trình sắc màu Thành phố Bác”…

Tuyến metro số 1 được vận hành đã giải bài toán ùn tắc giao thông từ lâu, đặc biệt ở các tuyến đường cửa ngõ, khu vực trung tâm và khu đông (TP Thủ Đức). Metro số 1 đi qua các quận trung tâm, kết nối với TP Thủ Đức - nơi đang phát triển mạnh về công nghệ và giáo dục - sẽ giúp giảm lượng lớn xe cá nhân, từ đó giảm tắc nghẽn và tai nạn giao thông.

Đặc biệt hơn, metro số 1 đã giúp thay đổi thói quen di chuyển của người dân. Đây là lần đầu tiên người dân TP.HCM được trải nghiệm một loại hình giao thông công cộng hiện đại, đúng giờ, an toàn, tiện nghi. Không chỉ vậy, metro số 1 còn tạo động lực phát triển đô thị theo chiều sâu - không chỉ đơn thuần là một tuyến giao thông, mà còn là đòn bẩy phát triển đô thị ven tuyến. Dọc theo metro số 1, hàng loạt khu đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục đã và đang mọc lên, đặc biệt ở khu vực TP Thủ Đức, nơi định hướng thành “TP trong TP”. Metro đã thúc đẩy phát triển TOD (Transit-Oriented Development) - mô hình phát triển đô thị xoay quanh giao thông công cộng, giúp TP phát triển đồng bộ, bền vững, thông minh.

“Cũng từ metro số 1, người dân có nhiều kỳ vọng hơn về mạng lưới ĐSĐT trong tương lai. Hiện TP.HCM có quy hoạch làm 355 km ĐSĐT trong 10 năm tới metro số 1 là viên gạch đầu tiên, mở đường cho các tuyến metro sau” - PGS-TS Vũ Tuấn Hưng nói.

 Metro số 1 đã thay đổi thói quen đi lại của người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Metro số 1 đã thay đổi thói quen đi lại của người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Khởi công thêm một biểu tượng kiến trúc mới của TP

Ngoài những dự án được tăng tốc để hoàn thành chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM cũng đã khởi công dự án cầu đi bộ 1.000 tỉ đồng nối Công viên bến Bạch Đằng (quận 1) và Công viên bờ sông Sài Gòn, khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. (Ảnh do Sở GTCC cung cấp)

Tại lễ khởi công, Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Lâm nhấn mạnh: “Sau khi hoàn thành, công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng kiến trúc mới của TP - là nơi người dân và du khách cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của TP, tham gia các sự kiện văn hóa và nghệ thuật, đồng thời cũng sẽ trở thành địa điểm gắn kết xã hội và thúc đẩy du lịch. Thành quả đó sẽ được thấy vào dịp 30-4-2026”.

Khơi thông hạ tầng đường bộ cho TP.HCM

Bên cạnh tuyến ĐSĐT, hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cũng từng bước được hoàn thiện bằng những dự án trọng điểm quốc gia được TP và các bộ, ngành chú trọng triển khai như dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đồng bộ với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), vui mừng khi nhớ lại dự án Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đã ghi dấu sự nỗ lực của cả tập thể để dự án có thể về đích đúng dịp 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc khánh thành và đưa dự án vào khai thác, phục vụ người dân có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Từng bước kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tạo ra trục đường mới, kết nối trực tiếp vào nhà ga T3 nói riêng và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nói chung, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ người dân khi đến với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

“Ban giao thông rất vui mừng khi được đóng góp sức mình vào những công trình tiêu biểu của TP, góp phần cải thiện và khơi thông hạ tầng giao thông TP nói chung, khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất nói riêng. Song song với việc hoàn thiện đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, việc khánh thành nhà ga T3 sớm tiến độ hai tháng đã “ghi dấu” sự nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc thi công ba ca bốn kíp, làm việc xuyên lễ, xuyên Tết để đưa công trình về đích đúng tiến độ” - ông Phúc nói.

 Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngay sau lễ khánh thành, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đã được gắn biển là một trong 50 công trình trọng điểm quốc gia được chọn là “công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Mở tuyến đường thủy kết nối hai địa phương

Ngoài cầu đi bộ, Sở Giao thông công chánh (GTCC) cũng vừa công bố khai trương tuyến đường thủy - tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo. Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTCC, cho biết TP đặc biệt chú trọng vận tải hành khách bằng đường thủy để phát triển kinh tế - xã hội, chia sẻ áp lực giao thông đường bộ. Tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo khai trương cũng là một công trình để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo.

Tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo.

Theo ông An, việc đưa vào vận hành tuyến vận tải TP.HCM - Côn Đảo nhận được sự thống nhất, kết nối của hai địa phương cũng minh chứng cho sự phát triển của giao thông đường thủy, du lịch đường thủy. Đặc biệt, tuyến đường thủy này cũng nhận được sự hào hứng, kỳ vọng của người dân TP.

Với vai trò nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Đáng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải hành khách Thành Thành Phát, cho biết Côn Đảo là địa điểm thu hút khách du lịch song nhiều năm qua việc kết nối với hai địa phương vẫn còn hạn chế. “Chúng tôi kỳ vọng chuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo là tuyến du lịch kết nối hai địa phương, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách đi và đến TP.HCM, Côn Đảo trong kỳ nghỉ lễ này. Chúng tôi, những người làm dịch vụ sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, dịch vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Đồng thời, tiếp tục vận động, tuyên truyền du khách cùng bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh biển, đảo của Việt Nam” - ông Đáng nói.•

Năm 2026, hạ tầng giao thông sẽ hái nhiều “trái ngọt”

Ông Lương Minh Phúc cho biết Ban giao thông đã lên nhiều kế hoạch để thi đua, chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó có dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 3, tiếp tục triển khai các dự án như nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh, Lương Định Của, tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoàn thành nút giao An Phú, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu…

Như vậy, vào dịp 30-4-2026, “trái ngọt” về hạ tầng giao thông khu vực phía đông TP cũng sẽ có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các công trình mới được khởi công, kèm các dự án trọng điểm được thi công trong suốt thời gian qua như đường vành đai 3 sẽ làm thay đổi diện mạo giao thông TP.HCM trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ban giao thông cũng tích cực thực hiện các thủ tục để sẵn sàng khởi công gói thầu rà phá bom mìn hai đoạn dự án đường vành đai 2, gói thầu rà phá bom mìn cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. “Tất cả đều được huy động tối đa, đảm bảo tiến độ chung của dự án, chúng tôi kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo đô thị TP.HCM” - ông Phúc nhấn mạnh.

Các tuyến đường hẻm cũng được mở rộng, khang trang đảm bảo đi lại cho người dân. Ảnh: ĐÀO TRANG

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (BQL), cho biết BQL đang gấp rút triển khai nhiều nhóm công việc để khởi công các dự án trọng điểm của TP Thủ Đức. Trong đó, dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định sẽ được khởi công trước ngày 30-4.

Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết địa phương đang tích cực thu hồi mặt bằng các dự án đi qua TP Thủ Đức, trong đó có dự án nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 2. UBND TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường lãnh đạo bằng nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác vận động người dân, lan tỏa thông tin tích cực, ý nghĩa tầm quan trọng của các dự án trọng điểm trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao sự đồng thuận của người dân, sớm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa vào phục vụ khai thác, đáp ứng kỳ vọng của người dân.

Tương tự, UBND quận Bình Thạnh cũng đặt mục tiêu khởi công dự án mở rộng đường Chu Văn An để giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực quận. Ông Lê Trần Kiên, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho hay quận đặt mục tiêu huy động mọi nguồn lực để phát triển đô thị tạo môi trường sống tốt cho người dân, xây dựng quận phát triển bền vững. Trong đó, quận xác định xây dựng hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đầu tư phát triển và dự án mở rộng đường Chu Văn An là một hạng mục tiêu biểu. Vì vậy, quận Bình Thạnh sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án đường Chu Văn An hoàn thành trong 10 tháng tới. Từ đó xóa bỏ tình trạng kẹt xe, ngập nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tại quận 12, ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận, cho hay trong đợt kỷ niệm này, quận 12 triển khai đồng loạt nhiều công trình thi đua tiêu biểu. Bao gồm 6 dự án đường giao thông và kênh rạch có tổng chiều dài khoảng 4,2 km. Trong đó có 4 công trình nâng cấp mặt đường, cải tạo hệ thống thoát nước, vỉa hè và lắp đặt đèn chiếu sáng; 1 công trình nạo vét, kiên cố hóa kênh rạch, lắp lan can dọc tuyến và 1 công trình xây dựng cống hộp bê tông…

“Các dự án sẽ cải thiện ô nhiễm môi trường các tuyến kênh rạch và phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng cho các khu vực dân cư, từng bước chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, mỹ quan đô thị” - ông Chánh nói.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-tang-giao-thong-tphcm-dot-pha-voi-hang-loat-cong-trinh-trong-diem-post845967.html
Zalo