Bàng hoàng vì mắc ung thư đại trực tràng khi mới 30 tuổi
Sau ca phẫu thuật cắt đại tràng trái, người phụ nữ ở Quảng Ninh vẫn sốc vì không ngờ những cơn đau quanh rốn, vài lần khó đi đại tiện lại là dấu hiệu của ung thư.

Cùng với sự gia tăng số ca mắc, xu hướng trẻ hóa bệnh nhân ung thư đại trực tràng cũng đang trở thành mối lo ngại. Ảnh: Freepik.
Dưới ánh đèn bệnh viện, T.T.T.H. (30 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) ngồi trên giường bệnh, suy nghĩ quẩn quanh. Chỉ vài ngày trước, H. vẫn nghĩ cơn đau bụng chị hay gặp là rối loạn tiêu hóa thông thường.
Trong một lần cơn đau bụng lại xuất hiện nhưng dai dẳng hơn, vượt quá sức chịu đựng, chị H. mới đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thăm khám.
Kết quả chụp CT-Scanner và nội soi đã khiến chị bàng hoàng: Ung thư biểu mô tuyến đại tràng trái, biến chứng bán tắc ruột. Tin tức như cơn sóng dữ, cuốn phăng mọi suy nghĩ trong đầu. Không có nhiều thời gian để chần chừ, chị đồng ý với chỉ định phẫu thuật cắt đại tràng trái, nạo vét hạch.
Sau một tuần điều trị, H. rời viện với sức khỏe dần ổn định, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài. Hóa trị - từ ngữ vốn xa lạ giờ trở thành một phần trong kế hoạch tiếp theo của cuộc đời.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư đại trực tràng
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn, Khoa Phẫu trị - Xạ trị và Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết ung thư đại trực tràng là 1 trong 10 loại ung thư phổ biến.
Đại trực tràng nằm ở phần ruột cuối, tỷ lệ ung thư xuất hiện trên polyp, trên gen di truyền cao hơn. 10-20% ung thư đại trực tràng là do đột biến gene.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn thăm khám cho bệnh nhân H.. Ảnh: BSCC.
"Ung thư đại trực tràng là căn bệnh chủ yếu xuất hiện sau tuổi trung niên, nhưng hiện nay, các nhà nghiên cứu cảnh báo căn bệnh này đang gia tăng ở những người trẻ, thậm chí có người mới 20-30 tuổi. Gần đây, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều người bệnh đến khám và phát hiện mắc ung thư đại tràng khi tuổi còn rất trẻ, điển hình như trường hợp của bệnh nhân T.H.", bác sĩ Đức Tuấn nói.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, cũng cho biết ông đã phẫu thuật cho không ít các trường hợp bị ung thư đại trực tràng còn rất trẻ. Có trường hợp trẻ nam 11 tuổi, bé 6-7 tuổi đã bị táo bón, đau bụng.
Kết quả siêu âm bình thường, tới khi 11 tuổi bé đau nhiều, đi ngoài lẫn máu, nội soi ung thư đại tràng trái. Sau phẫu thuật bệnh nhi phải điều trị hóa chất.
Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân mới 18 tuổi có hàng trăm khối u trong lòng đại tràng. Cô gái này có yếu tố gia đình là bố mất sớm do ung thư đại trực tràng. Anh trai bệnh nhân cũng mắc ung thư đại trực tràng, được phát hiện khi 28 tuổi.
Theo bác sĩ Hải Nam, người trẻ cần phải nhận thức rằng ung thư đại trực tràng có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi, không còn chỉ ở người trung niên, cao tuổi.
Báo cáo cho thấy ung thư đại trực tràng thường gặp ở người lớn tuổi với 80% các ca được chẩn đoán sau tuổi 55, tuổi trung bình là 74. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tỷ lệ mắc bệnh này ở người dưới 50 tuổi đã tăng 22%, chiếm khoảng 10% tổng số các ca mới mắc ung thư đại trực tràng.
"Điều này khiến cho bức tranh toàn cảnh hiện trạng ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng thể hiện nhiều nét không tích cực. Dù vậy, đây vẫn được coi là bệnh ung thư có tiên lượng điều trị tốt so với các vị trí còn lại của đường tiêu hóa (như thực quản, dạ dày, gan, tụy…). Vấn đề mấu chốt vẫn là sàng lọc và phát hiện sớm", bác sĩ Nam cho hay.
Triệu chứng phổ biến
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Mai, khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết ung thư đại trực tràng thường bắt đầu từ những tổn thương lành tính gọi là polyp.
Polyp là dạng tổn thương có hình dáng khá giống với những khối u thông thường, nhưng chúng lại không phải là u. Quá trình tăng sinh từ niêm mạc hoặc tổ chức dưới niêm mạc sẽ tạo thành polyp.
Thông thường, các khối polyp sau khi được chẩn đoán đều lành tính, nhưng một số loại polyp tồn tại trong cơ thể có khả năng chuyển hóa thành ác tính (ung thư) nếu không được chữa trị kịp thời.

Người trẻ cần phải nhận thức rằng ung thư đại trực tràng có thể xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi, không chỉ ở người cao tuổi. Ảnh: Freepik.
Theo bác sĩ Mai, người nguy cơ mắc ung thư đại tràng thường có những dấu hiệu phổ biến sau:
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài
Đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.
- Giảm cân bất thường
Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân, bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đường tiêu hóa.
- Các rối loạn liên quan bài tiết phân
Người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.
Ung thư đại trực tràng cũng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
- Xuất hiện máu trong phân
Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân.
- Mệt mỏi và suy nhược
Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan thiếu máu từ mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn, có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…
Bác sĩ Trịnh Thị Mai nhấn mạnh kiểm tra đại trực tràng thường xuyên (định kỳ mỗi 6 tháng) là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển.
Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.
Ngoài ra, ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát cân nặng, không hút thuốc, không uống rượu...