Những lưu ý giúp dùng thuốc điều trị ung thư vú hiệu quả
Ung thư vú rất thường gặp ở phụ nữ. Điều trị ung thư vú là quá trình phức tạp, cần kết hợp nhiều phương pháp, phù hợp với mỗi giai đoạn bệnh sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.
1. Ung thư vú có chữa được không?
Ung thư vú đứng hàng đầu trong nhóm nguyên nhân gây tử vong do ung thư ở nữ giới trên toàn thế giới. Việc phát hiện các triệu chứng và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú ở các giai đoạn khác nhau rất khác biệt:
Nội dung
1. Ung thư vú có chữa được không?
2. Các phương pháp điều trị ung thư vú
2.1 Phẫu thuật điều trị ung thư vú
2.3 Điều trị đích
2.4 Xạ trị
2.5 Phương pháp điều trị nội tiết
2.6 Phương pháp điều trị miễn dịch
2.7 Điều trị giảm nhẹ
3. Lưu ý khi điều trị ung thư vú
Giai đoạn sớm từ (0 đến 1), tỷ lệ sống sau 5 năm đạt từ 98-100%.
Giai đoạn 2, tỷ lệ sống sau 5 năm giảm xuống còn 85-98%.
Giai đoạn 3, tỷ lệ sống sau 5 năm khoảng 70-90%.
Giai đoạn 4, đã có di căn, tiên lượng sống trung bình của bệnh nhân ung thư vú chỉ còn khoảng 2 năm. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ sống sót sau 5 năm.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư vú. Việc lựa chọn phương pháp nào và có hiệu quả tốt nhất hay không phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, bệnh nền kèm theo, tuổi của bệnh nhân và khả năng chịu đựng tác dụng phụ khi điều trị của từng bệnh nhân...

Ung thư vú có tỉ lệ mắc cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ.
2. Các phương pháp điều trị ung thư vú
2.1 Phẫu thuật điều trị ung thư vú
Phẫu thuật là sự lựa chọn đầu tiên trong điều trị ung thư vú, đặc biệt là ở giai đoạn sớm, chưa di căn. Các phương pháp điều trị bằng phẫu thuật gồm:
- Phẫu thuật cắt tuyến vú triệt căn biến đổi: Là phương pháp phẫu thuật cơ bản và được chỉ định đầu tiên. Phẫu thuật này sẽ tiến hành loại bỏ toàn bộ tuyến vú, nạo vét vùng hạch nách liên quan, sẽ bảo tồn cơ ngực lớn, cơ ngực nhỏ và thần kinh.
- Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú: Phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp có đầy đủ yêu cầu về chỉ định bảo tồn. Trong quy trình thực hiện, bác sĩ sẽ cắt rộng tuyến vú có khối u và nạo vét hạch nách. Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được chỉ định xạ trị bổ trợ.
- Phẫu thuật giảm nhẹ: Đối với những khối u đã vỡ, lở loét, chỉ định phẫu thuật sạch sẽ khối u là giải pháp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
2.2 Hóa trị điều trị ung thư vú
Khi ung thư vú di căn, sử dụng hóa trị là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị. Các phương pháp điều trị hóa trị cũng tùy thuộc giai đoạn ung thư:
- Hóa trị sau phẫu thuật: Đây là loại hóa trị bổ trợ được thực hiện sau khi phẫu thuật. Phương pháp này nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, đồng thời ngăn chặn sự tái phát của ung thư.
- Hóa trị trước phẫu thuật: Là loại hóa trị bổ trợ, được tiến hành trước khi phẫu thuật nhằm giảm kích thước của khối u vú, giúp cho phẫu thuật được dễ dàng hơn.
- Hóa trị triệu chứng: Phương pháp hóa trị này được áp dụng trong các trường hợp ung thư vú giai đoạn muộn. Mục tiêu chính là giảm các triệu chứng của bệnh.
2.3 Điều trị đích
Tùy thuộc loại ung thư vú có thể áp dụng phương pháp sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng kết hợp với hóa chất để tăng cường hiệu quả. Đến nay, một số thuốc kháng thể đơn dòng như trastuzumab, pertuzumab, lapatinib... đã được áp dụng trong quá trình điều trị ung thư vú. Một số nghiên cứu đã cho thấy việc kết hợp kháng thể đơn dòng cùng hóa chất mang lại hiệu quả cao hơn so với việc chỉ sử dụng hóa chất đơn thuần trong điều trị ung thư vú có thụ thể Her2 dương tính.
Ung thư vú dương tính với Her2 là do thụ thể protein gọi là Her2 phát triển bị lỗi. Thông thường, protein này giúp các tế bào vú phát triển, phân chia và tự sửa chữa, nhưng khi nó bị lỗi trong gen kiểm soát protein Her2, cơ thể sẽ tạo ra quá nhiều các thụ thể này. Kết quả là các tế bào vú phát triển và phân chia không kiểm soát. Ung thư vú Her2 dương tính có xu hướng xâm lấn mạnh hơn so với ung thư vú âm tính Her2.

Điều trị ung thư vú khá phức tạp, có thể cần kết hợp nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả điều trị.
2.4 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp phổ biến trong quá trình điều trị ung thư vú, bao gồm:
- Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật cắt tuyến vú triệt căn.
- Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật bảo tồn vú.
- Xạ trị triệu chứng: Chỉ định cho những trường hợp ung thư vú đã di căn sang xương hoặc não. Lúc này, xạ trị được sử dụng để giảm nhẹ các triệu chứng không dễ chịu cho bệnh nhân.
2.5 Phương pháp điều trị nội tiết
Có đến60% tỉ lệ ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, lúc này điều trị nội tiết là phương pháp quan trọng và hiệu quả, bao gồm các biện pháp:
- Cắt buồng trứng: Chỉ định cho trường hợp còn kinh nguyệt.
- Sử dụng thuốc kháng estrogen:
+ Thuốc nội tiết bậc 1 tamoxifen được sử dụng trong khoảng 5-10 năm.
+ Thuốc nội tiết bậc 2, ức chế men aromatase như anastrozole, letrozole được chỉ định cho phụ nữ mãn kinh.
+ Các loại thuốc nội tiết thế hệ mới như fulvestrant, palbociclib mang lại hiệu quả trong điều trị ung thư ung thư vú di căn và không đáp ứng với các loại thuốc nội tiết bậc 1 và bậc 2.
2.6 Phương pháp điều trị miễn dịch
Hiện nay, một số nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, trong đó có việc sử dụng thuốc kháng thụ thể miễn dịch PD-L1 kết hợp với hóa chất đối với bệnh nhân ung thư vú đã di căn và có bộ ba thụ thể âm tính.
2.7 Điều trị giảm nhẹ
Đây là phương pháp nhằm giảm thiểu tác dụng phụ của các phương pháp điều trị chính, đồng thời cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân sau. Các phương pháp chăm sóc và hỗ trợ tinh thần rất phần quan trọng trong quá trình hồi phục, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Khi ung thư vú giai đoạn muộn, việc áp dụng các phương pháp giảm đau và giảm nhẹ các triệu chứng nhằm mang lại sự thoải mái nhất cho bệnh nhân.
3. Lưu ý khi điều trị ung thư vú
Quá trình điều trị ung thư vú khá phức tạp, cần kết hợp nhiều phương pháp. Mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu và nhược điểm. Trước khi áp dụng cần được chẩn đoán xác định loại ung thư và giai đoạn ung thư, từ đó bác sĩ mới có sự tư vấn cụ thể và mang lại hiệu quả tối ưu.
Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị chính thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục đều đặn và tâm lý thoải mái cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi.
Ung thư vú có thể tái phát, do đó sau khi được điều trị bệnh đã ổn định người bệnh cần phải tái khám đúng theo lịch hẹn. Mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm để kiểm tra xem ung thư có nguy cơ tái phát hay không và có hướng điều trị sớm. Người bệnh cần được theo dõi trong nhiều năm sau khi kết thúc điều trị...