Bản tin trưa 15/5: Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

Tin tức đáng chú ý trưa 15/5: Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal; Tín dụng tại TP.HCM vượt 4 triệu tỷ đồng; Nhà đầu tư thao túng tài sản mã hóa có thể bị phạt 2 tỷ đồng; Bình Thuận sẽ khai thác gần 2.000 ha đất dọc đường ven biển chưa sử dụng; Bình Định xử phạt một công ty khai thác khoáng sản vượt phép... và một số thông tin đáng chú ý khác.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu các thông tin để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal. Cụ thể, Báo cáo số 388/2025/TTĐT ngày 8/5/2025 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ điểm thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về việc "Mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal". Đặc biệt, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường này, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal giữa Việt Nam và UAE, đặc biệt là hoạt động cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal của UAE. Dự báo, các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này.

Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm ưu tiên nguồn lực ngân sách cho sản xuất và cấp chứng nhận, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal. Đồng thời, cần có các tổ chức trung gian uy tín giúp doanh nghiệp trong quá trình chứng nhận và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu các thông tin trên để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.

Tín dụng tại TP.HCM vượt 4 triệu tỷ đồng

4 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng tại TP.HCM lần đầu đạt trên 4 triệu tỷ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2. Quy mô tín dụng này tăng 12,78% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện rõ rệt so với 2 năm trước (4 tháng đầu năm 2023 và 2024 chỉ tăng lần lượt 1,72% và 1,31%). So với cuối 2024, tín dụng đã tăng thêm 2,62%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2 nhận định, đây là kết quả tích cực, phản ánh những yếu tố tác động từ môi trường kinh tế - xã hội và cơ chế chính sách. Theo ông, chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt, lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã phát huy và tác động tích cực.

Tín dụng tại TP.HCM tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành là động lực tăng trưởng. Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của địa phương - đóng góp trên 60% GRDP - chiếm 35,4% tổng dư nợ và tăng trên 3,6% so với cuối năm 2024. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2, tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của TP.HCM đóng vai trò then chốt đối với việc mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả. Nếu được duy trì, đây sẽ là động lực thúc đẩy cả tín dụng lẫn tăng trưởng thời gian tới.

Cùng với tăng trưởng chung, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại TP.HCM cũng mở rộng 2,3% trong 3 tháng đầu năm (cùng kỳ 2023 và 2024 tăng 0,7% và giảm 0,9%). Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn mở rộng. Đồng thời, các sản phẩm cho vay tiêu dùng đa dạng, linh hoạt và tiện ích gắn với khả năng ứng dụng công nghệ là yếu tố thúc đẩy.

Nhà đầu tư thao túng tài sản mã hóa có thể bị phạt 2 tỷ đồng

Bộ Tài chính mới công bố dự thảo sửa đổi các Nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có quy định mới về tài sản mã hóa.

Theo cơ quan này, hiện chưa có quy định xử phạt hành chính về thị trường tài sản mã hóa nên việc bổ sung là cần thiết. Chế tài xử phạt có nhiều điểm tương đồng với thị trường chứng khoán. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ giải thích chi tiết về hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa. Hành vi thao túng bao gồm cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch, đưa ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng để tác động giá và cung cầu. Hành vi được liệt kê cuối cùng là tung tin đồn hoặc cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng nhằm tạo cung cầu giả.

Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa dao động 1,5 - 2 tỷ đồng. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm, họ có thể bị đình chỉ hoạt động này trong 3 - 5 tháng. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa có thể bị phạt 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng cho những vi phạm như không xác minh danh tính nhà đầu tư, thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, không tách biệt quản lý tài sản mã hóa của khách với tự doanh... Với nhà đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất phạt 100 - 200 triệu đồng nếu họ không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cơ quan này cấp phép.

Bình Thuận sẽ khai thác gần 2.000 ha đất dọc đường ven biển chưa sử dụng

UBND tỉnh Bình Thuận đang tính khai thác gần 2.000 ha đất hai bên tuyến đường mới khánh thành ven biển Phan Thiết và Hàm Thuận Nam để mở rộng không gian đô thị, phát triển kinh tế.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Thuận vừa trình UBND tỉnh này phương án khai thác quỹ đất hai bên trục đường mới ven biển phía nam vừa khánh thành cuối tháng trước. Hiện quỹ đất tại đây còn nhiều, chưa được khai thác. Cơ quan này đề xuất sẽ đưa vào sử dụng hơn 1.300 ha nằm hai bên đường ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà và hơn 640 ha hai bên đường Hàm Kiệm – Tiến Thành thuộc địa bàn TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam.

Trong đó, quỹ đất hơn 1.300 ha hai bên đường ĐT 719B được phân chia thành 3 nhóm đất chính với sáu khu vực. Nhóm đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất gồm bốn khu vực có tổng diện tích hơn 1.259 ha. Nhóm đất đấu giá quyền sử dụng đất gồm khu đất sạch do nhà nước quản lý, các khu mỏ đã dừng khai thác, thuộc xã Tân Thành với diện tích hơn 27,8 ha. Nhóm đất nhà nước đầu tư công gồm khu quy hoạch đất tái định cư tại xã Hàm Mỹ có diện tích 13,3 ha. Còn quỹ đất hai bên đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, hơn 643 ha được đề xuất phân chia thành 2 nhóm chính tại bốn khu vực.

Nhóm đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất: gồm khu vực 2 với diện tích hơn 244 ha, khu vực 3 với diện tích hơn 197 ha, khu vực 4 với diện tích hơn 196 ha. Nhóm đất Nhà nước đầu tư công: gồm khu quy hoạch là đất tái định cư tại vị trí khu vực 1 có diện tích 4,58 ha.

Bình Định xử phạt một công ty khai thác khoáng sản vượt phép

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội với số tiền 300 triệu đồng do hành vi khai thác khoáng sản vượt ranh giới cấp phép. UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Bắc, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, vì hành vi khai thác khoáng sản vượt quá ranh giới được cấp phép tại khu vực núi Một, thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Theo quyết định này, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Bắc bị xử phạt hành chính số tiền 300 triệu đồng do khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép với diện tích khai thác từ 1 ha đến dưới 1,5 ha. Ngoài mức phạt hành chính 300 triệu đồng, UBND tỉnh Bình Định còn buộc Công ty phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt phạm vi được phép về trạng thái an toàn. Mọi chi phí khắc phục do doanh nghiệp tự chi trả và phải hoàn thành trong vòng 30 ngày.

UBND tỉnh Bình Định cũng buộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Bắc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp tương ứng với hơn 85.000 m³ đất san lấp đã khai thác ngoài phạm vi cho phép với số tiền hơn 740 triệu đồng. Tổng cộng, doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Quốc hội thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 15/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình, thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tiếp đến, Quốc hội nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Điều chỉnh tổng thể quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa

UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và danh mục lập điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Theo đó, tổng diện tích điều chỉnh quy hoạch lần này là 426,93 ha, thuộc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.

Đơn vị tổ chức lập quy hoạch là UBND quận Bình Thạnh, với chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh, thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ bám sát theo phương án đã đoạt giải trong cuộc thi quốc tế "Ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa", được UBND TP.HCM phê duyệt theo Quyết định số 608/2025.

Đồng thời, đồ án cũng phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị của TP.HCM theo quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được duyệt. UBND TP.HCM yêu cầu thời gian lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 không quá 1 tháng. Thời gian lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 không quá 9 tháng.

Điều chỉnh nội dung Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 920/QĐ-TTg điều chỉnh một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Quyết định điều chỉnh đối tượng thực hiện của Chương trình, bao gồm xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện; các di tích, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành, ưu tiên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Quyết định cũng đã điều chỉnh một số dự án thành phần của Chương trình; bao gồm các dự án về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; Phát triển giáo dục; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.... Đối tượng là hộ gia đình được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bác bỏ đề xuất tăng mức phạt hành chính gấp 2 lần tại Hà Nội

Sáng 15/5, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó đáng chú ý, để kịp thời điều chỉnh bảo đảm phù hợp với sự thay đổi khi sắp xếp tổ chức bộ máy, chuyển giao nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và một số hệ thống cơ quan, đơn vị đang có lực lượng lớn thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đều tổ chức lại như công an, thanh tra, quản lý thị trường... "Việc quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện không còn phù hợp"- Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.

Do vậy, để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến bổ sung 1 điều (Điều 37a) về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, sửa đổi Điều 56 Luật Xử phạt vi phạm hành chính (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật) về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) để góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm hiện nay so với trước đây.

Khởi công dự án du lịch nghỉ dưỡng 1 tỉ USD ở Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 15/5 tại Hồ Tràm, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty TNHH dự án Hồ Tràm tổ chức lễ khởi công phân khu mới rộng 35 ha, có mức đầu tư 1 tỉ USD. Chủ đầu tư cho biết phân khu này gồm hệ thống khách sạn 5 sao, biệt thự nghỉ dưỡng, các tiện ích giải trí, casino, trung tâm hội nghị - triển lãm quốc tế. Hệ thống này có hơn 6.000 phòng, phục vụ khoảng 18.000 khách lưu trú mỗi ngày. Việc khởi công dự án trên thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Warburg Pincus và thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong phát triển kinh tế và du lịch.

Dự án trên là một phần trong tổng thể của dự án The Grand Ho Tram, với tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỷ USD. Chủ đầu tư kỳ vọng với hạ tầng giao thông đang được đầu tư như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến Hồ Tràm. Đặc biệt với dự án cao tốc Long Thành - Hồ Tràm đang triển khai thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào ngày 2/9 tới, hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ du lịch của Hồ Tràm và các vùng lân cận.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết du lịch là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh và dự án trên hôm nay là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp đối với các dự án mang tầm quốc gia và quốc tế.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-trua-15-5-thu-tuong-yeu-cau-xay-dung-ke-hoach-thuc-day-xuat-khau-thuc-pham-halal-317882.html
Zalo