Bản tin sáng 22/5: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được làm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ

Tin tức đáng chú ý sáng 22/5: Biểu dương 43 tác phẩm báo chí xuất sắc viết về TP.HCM quý I/2025; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được làm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tin tưởng Quỹ nhà ở giá rẻ cho người trẻ sẽ có hiệu quả; Chứng khoán HD bị đình chỉ giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong 7 ngày; Phát động cao điểm kiểm tra hàng giả, hàng độc hại trong lĩnh vực nông nghiệp... và một số tin tức đáng chú ý khác.

Biểu dương 43 tác phẩm báo chí xuất sắc viết về TP.HCM quý I/2025

Sáng 21/5, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức lễ biểu dương và trao hỗ trợ cho 43 tác phẩm báo chí xuất sắc viết về TP.HCM trong quý I năm 2025. Chương trình nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của đội ngũ báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về thành phố.

Buổi lễ có sự tham dự của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận - Chủ tịch Hội đồng xét chọn; đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo TP.HCM cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận trao thư khen cho các phóng viên có tác phẩm xuất sắc

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận trao thư khen cho các phóng viên có tác phẩm xuất sắc

Hội đồng xét chọn đã làm việc khách quan, công tâm để lựa chọn 43 tác phẩm tiêu biểu. Trong đó, 15 tác phẩm thuộc các thể loại như phóng sự, điều tra, phim tài liệu, chuyên trang chuyên mục; 11 tác phẩm mang tính diễn đàn; 9 bài chính luận, ký sự; 3 tác phẩm phóng sự ảnh; 2 tác phẩm tin - ảnh và 3 tác phẩm đa phương tiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Ngọc Hồi, các tác phẩm gửi về đảm bảo chất lượng nội dung, tính khách quan, phản ánh kịp thời, chân thực các vấn đề của thành phố. Nhiều bài viết thể hiện vai trò phản biện xã hội, góp phần lan tỏa hình ảnh một TP.HCM năng động, nhân văn, không ngừng đổi mới và phát triển.

Ông kỳ vọng trong thời gian tới, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nội dung chuyên sâu, có tính phản biện và đề xuất giải pháp thực tiễn, nhất là trong các lĩnh vực như đầu tư công, cơ chế đặc thù, chuyển đổi số, kinh tế tri thức và kinh tế xanh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được làm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ

UBND TP.HCM vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy giữ vai trò Phó Trưởng ban thường trực.

Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM Vũ Văn Điền, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đình Thắng, và Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận. Thành phần Ban Chỉ đạo còn có đại diện HĐND TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Văn phòng UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được. Ảnh: Thảo Lê

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được. Ảnh: Thảo Lê

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM các giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai hiệu quả Đề án 06 và cải cách hành chính.

Ba tổ công tác được thành lập gồm: Tổ triển khai Đề án 06 (do Giám đốc Công an TP.HCM làm tổ trưởng), Tổ khoa học - công nghệ - chuyển đổi số và Tổ cải cách hành chính.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tin tưởng Quỹ nhà ở giá rẻ cho người trẻ sẽ có hiệu quả

Ngày 21/5, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi và nguồn lực vận hành quỹ nhà ở quốc gia.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: Ngọc An

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc. Ảnh: Ngọc An

Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng việc hình thành nhiều quỹ cùng thời điểm có thể gây áp lực lên ngân sách, nhất là khi các quỹ tương tự trước đây tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hoạt động kém hiệu quả do thiếu vốn. Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất cần quy hoạch lại nhà ở xã hội và có kế hoạch cụ thể về nguồn lực.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định tin tưởng quỹ sẽ phát huy hiệu quả vì hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, bảo toàn vốn và không làm ảnh hưởng ngân sách nhà nước. Nguồn quỹ đến từ đóng góp xã hội và tiền sử dụng đất, hướng đến xây dựng nhà giá rẻ cho người trẻ, người thu nhập thấp. Việc giao Bộ Xây dựng quản lý là phù hợp với chức năng tạo lập nhà ở xã hội.

Chứng khoán HD bị đình chỉ giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong 7 ngày

Từ ngày 20 đến 26/5, Công ty CP Chứng khoán HD (HDBS) bị đình chỉ hoạt động thanh toán và giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo quyết định của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX).

Nguyên nhân là HDBS đã hai tháng liên tiếp (4 và 5/2025) bị VSDC khiển trách do vi phạm quy định liên quan đến việc loại bỏ thanh toán giao dịch trái phiếu riêng lẻ. VSDC yêu cầu HDBS tăng cường kiểm soát nghiệp vụ, tuân thủ nghiêm quy định hiện hành để hạn chế sai sót.

Ngay sau đó, VNX đã đình chỉ toàn bộ hoạt động giao dịch trái phiếu riêng lẻ của HDBS trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Về tình hình tài chính, quý I/2025, HDBS ghi nhận doanh thu chỉ đạt 244 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ. Mảng bảo lãnh và đại lý phát hành sụt giảm mạnh từ 470 tỷ đồng xuống chỉ còn 15,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 98 tỷ đồng, giảm 43%.

Phát động cao điểm kiểm tra hàng giả, hàng độc hại trong lĩnh vực nông nghiệp

Từ ngày 15/5 đến 15/6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, trọng tâm là kiểm tra thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; kiểm soát chất cấm trong sầu riêng như vàng O, chất kích thích tăng trưởng trái cây; hóa chất làm tăng trọng, giữ nước nhằm gian lận khối lượng sau rã đông. Ngoài ra, việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả cũng nằm trong diện kiểm tra.

Bộ sẽ cử các đoàn công tác, do lãnh đạo bộ dẫn đầu, làm việc trực tiếp với các địa phương trọng điểm để giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống vi phạm. Các cuộc kiểm tra chủ yếu thực hiện đột xuất và sẽ xử lý nghiêm minh mọi hành vi sai phạm.

Bộ khẳng định nguyên tắc "không vùng cấm, không ngoại lệ", nhằm bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trung Quốc phê duyệt thêm gần 1.000 vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam

Ngày 21/5, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa phê duyệt thêm 829 vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam. Đây là cơ hội quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Tính đến nay, tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc cấp phép là 1.469 vùng và 188 cơ sở. Tuy nhiên, Cục cũng cảnh báo các địa phương và doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và đặc biệt là yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của Trung Quốc.

Ngoài ra, Cục cho biết hiện cả nước có 12 phòng kiểm định Cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc có đặc thù phức tạp, thay đổi nhanh, yêu cầu cao, trong khi thương nhân Trung Quốc can thiệp sâu vào chuỗi thu mua tại Việt Nam.

Cục cũng cảnh báo tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn tồn tại, gây khó khăn trong truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến tính bền vững của xuất khẩu sầu riêng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Phải giải quyết dứt điểm các tồn đọng trước khi sáp nhập tỉnh Lâm Đồng mới

Ngày 21/5 tại TP Đà Lạt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, nhằm triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) trong bối cảnh chuẩn bị sáp nhập các tỉnh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước khi thành lập tỉnh Lâm Đồng mới, tất cả dự án tồn đọng tại ba tỉnh phải được xử lý triệt để. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo bộ máy mới vận hành hiệu quả, tránh bị kéo lùi bởi các vướng mắc pháp lý, hành chính hay tài chính.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận về công việc sáp nhập tỉnh. Ảnh: M.V

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận về công việc sáp nhập tỉnh. Ảnh: M.V

Riêng Bình Thuận hiện có khoảng 200 dự án trị giá hơn 2.700 tỉ đồng đang bị đình trệ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Lâm Đồng và Đắk Nông. Chính phủ sẽ công bố danh sách các dự án cần tháo gỡ khẩn cấp và giao địa phương xử lý dứt điểm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu bố trí nhân sự sau sáp nhập phải minh bạch, công tâm, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Mô hình hành chính mới với hơn 1.000 nhiệm vụ chuyển cấp đòi hỏi tổ chức bộ máy, nhân sự và công nghệ phải vận hành đồng bộ, hiệu quả, nhất là tại cấp xã khi chính quyền cấp huyện sẽ không còn tồn tại sau ngày 1/7/2025.

TP.HCM triển khai kế hoạch sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau tinh gọn bộ máy

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự và thực hiện chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình tinh giản biên chế. Thành phố đặt mục tiêu giảm tối thiểu 20% biên chế hưởng lương ngân sách trong 5 năm, tương đương 4% mỗi năm.

Nguyên tắc sắp xếp là không làm gián đoạn hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp; đảm bảo minh bạch, công bằng, không cào bằng hay thiên vị. Các cơ quan được yêu cầu đánh giá nghiêm túc năng lực cán bộ, rà soát đơn tự nguyện nghỉ việc và giải quyết chế độ theo quy định.

Thành phố sẽ điều động nhân sự dôi dư sang các đơn vị có nhu cầu, ưu tiên những người có trình độ, kinh nghiệm và nguyện vọng cống hiến lâu dài. Cán bộ chưa bố trí được sẽ được giới thiệu công tác phù hợp qua Sở Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Thành ủy.

TP.HCM cũng khuyến khích điều chuyển công chức từ cơ quan nhà nước sang đơn vị sự nghiệp công lập. Việc điều động cần căn cứ vào đề án vị trí việc làm, nhằm bảo đảm cơ cấu hợp lý, giảm tối đa tình trạng dư thừa nhân sự, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Thay thế nhà thầu chậm tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành, yêu cầu thay thế nhà thầu thi công chậm, không đạt yêu cầu nhằm đảm bảo tiến độ.

Tại dự án thành phần 2, dài hơn 18 km qua huyện Long Thành, sản lượng đạt khoảng 51%, nhiều hạng mục bám sát tiến độ. Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là chậm di dời hạ tầng kỹ thuật, gồm 14 vị trí đường điện chưa được xử lý.

Dự án thành phần 1, do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, hiện duy trì 34 mũi thi công. Gói thầu số 18 đạt hơn 14%, gói 21 đạt hơn 48%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết tỉnh đang đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng.

Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương bàn giao mặt bằng, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh thi công, đồng thời kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém.

Về sân bay Long Thành, ACV cho biết đường băng đầu tiên đã hoàn thành, vượt tiến độ 3 tháng. Đường băng thứ hai dự kiến khởi công vào ngày 30/5, với tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đã đạt hơn 44%.

Israel mong muốn tiếp nhận thêm lao động tay nghề cao từ Việt Nam

Ngày 21/5, tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lao động Israel Rabbi Yoav Ben Tzur cho biết Israel đang thiếu trầm trọng lao động, với nhu cầu khoảng 60.000 người trong lĩnh vực xây dựng và 200.000 lao động ở các lĩnh vực khác. Israel cam kết tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.

Hai bên nhất trí cần đẩy nhanh quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định lao động giữa Việt Nam và Israel, dự kiến hoàn tất trong tháng 6. Trong thời gian chờ ký kết, các doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác trực tiếp trong việc đưa lao động sang làm việc tại Israel.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Rabbi Yoav Ben Tzur, Bộ trưởng Lao động Israel, chiều 21/5. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Rabbi Yoav Ben Tzur, Bộ trưởng Lao động Israel, chiều 21/5. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Israel hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khởi nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao cho Israel.

Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ theo dõi, báo cáo hằng tuần tiến độ đàm phán hiệp định, đồng thời đề xuất mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và việc làm trong ngành phần mềm.

Hưng Nhật

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-sang-22-5-chu-tich-ubnd-tp-hcm-nguyen-van-duoc-lam-truong-ban-chi-dao-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-318144.html
Zalo