Bản tin quân sự 9/2: Hàn Quốc mua siêu trực thăng chống ngầm từ Mỹ
Bản tin quân sự 9/2: Hàn Quốc tăng cường khả năng chống ngầm khi đặt mua 12 trực thăng hải quân MH-60R Seahawk được đặt hàng từ Mỹ.
Nga giới thiệu phiên bản “sống sót cao” của xe tăng T-80 trước UAV; Hàn Quốc nâng cấp khả năng săn ngầm bằng việc mua hàng loạt máy bay trực thăng hải quân… là những nội dung của bản tin quân sự thế giới hôm nay.
Nga giới thiệu phiên bản “sống sót cao” của xe tăng T-80 trước UAV
Kênh truyền hình Russia-24 thông tin, một chiếc xe tăng T-80 được cải tiến khả năng bảo vệ chống lại các tổ hợp máy bay không người lái (UAV) đã được trình làng tại một trong những thao trường ở khu vực Moscow.
Chiếc T-80 cải tiến được trang bị nhiều lớp giáp hơn để bảo vệ bán cầu trên khỏi các cuộc tấn công của UAV tự sát. Lưới bảo vệ có tên “vỉ nướng thịt” được sử dụng bao phủ nóc tháp pháo, khoang động cơ-truyền động và phía sau xe tăng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thiết giáp, Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shalenyi nhấn mạnh rằng, dù được trang bị thêm giáp bổ sung, xe tăng T-80 vẫn giữ được các đặc tính chiến đấu.
“Hiện nay, tên lửa chống tăng rất hiếm khi được sử dụng, vì vậy biện pháp bảo vệ chống máy bay không người lái này đang trở nên quan trọng hơn”, ông Sergey Shalenyi nói.
Ngoài ra, xe tăng T-80 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tầm xa và một loạt phương tiện giúp tăng khả năng tàng hình. Lớp phủ đặc biệt giúp ngụy trang xe khỏi các thiết bị giám sát hồng ngoại và radar.
Vào tháng 9/2024, Rostec báo cáo rằng, các chuyên gia Nga đang tiếp tục hiện đại hóa xe tăng T-80BVM có tính đến kinh nghiệm sử dụng phương tiện chiến đấu này tại chiến trường Ukraine.
Hàn Quốc nâng cấp khả năng chống ngầm
Theo truyền thông Hàn Quốc, việc chuyển giao các trực thăng đa năng hải quân MH-60R Seahawk được đặt hàng từ Mỹ theo chương trình Bán vũ khí quân sự cho nước ngoài cho Hàn Quốc dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 2/2025.
Theo đại diện của Cơ quan Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA) thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, lô trực thăng MH-60R đầu tiên trong số 12 chiếc được đặt hàng từ Mỹ sẽ được giao cho nước này vào tháng 2/2025 và toàn bộ quá trình chuyển giao sẽ được hoàn tất theo từng giai đoạn vào cuối năm.
Hải quân Hàn Quốc đang tiến hành mua 12 trực thăng đa năng MH-60R theo chương trình Trực thăng tác chiến hàng hải lô 2 (MOH 2) với ngân sách lên tới khoảng 960 tỷ won (878 triệu USD). Vào năm 2016, trong khuôn khổ giai đoạn đầu của chương trình, Tập đoàn Leonardo đã bàn giao tám máy bay trực thăng AW-159 Wildcat cho Hải quân Hàn Quốc.
Vào tháng 8/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc chuyển giao cho Hàn Quốc theo chương trình Bán hàng quân sự cho nước ngoài 12 trực thăng đa năng MH-60R Seahawk với radar APS-153(V), sonar thủy âm tần số thấp trên máy bay, hệ thống nhắm mục tiêu đa phổ AN/AAS-44C(V), cũng như các thiết bị và dịch vụ liên quan khác với tổng giá trị lên tới 800 triệu USD.
Việc chuyển giao này sẽ mở rộng đáng kể khả năng tác chiến chống tàu ngầm của hạm đội Hàn Quốc. Các máy bay trực thăng được mua cũng có thể được sử dụng cho tác chiến chống hạm, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, tiếp tế và sơ tán y tế.
Sau khi được bàn giao, trực thăng MH-60R được trang bị sonar thủy âm, tên lửa AGM-114 Hellfire và ngư lôi hạng nhẹ Mk.54, sẽ hoạt động cùng với máy bay P-8A Poseidon.
Đức đặt hàng hệ thống pháo phản lực PULS của Israel
Công ty quốc phòng Elbit Systems của Israel đã ký hợp đồng trị giá 57 triệu USD để cung cấp hệ thống pháo phản lực PULS cho Lực lượng vũ trang Đức.
Thỏa thuận này là một phần trong thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Hà Lan, Israel và Đức, cho phép tích hợp các hệ thống pháo phản lực tiên tiến để nâng cao năng lực của Quân đội Đức.
Các hệ thống được cung cấp sẽ trải qua quá trình thử nghiệm của cơ quan mua sắm BAAINBw của Đức và các trung tâm thử nghiệm kỹ thuật có liên quan, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc của quân đội Đức. Các đánh giá này rất quan trọng nhằm đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả hoạt động của các hệ thống.
PULS là hệ thống pháo phản lực phóng loạt do Israel phát triển, cung cấp độ chính xác cao và tính linh hoạt trong hoạt động. Hệ thống này có thể bắn nhiều loại tên lửa có cỡ nòng khác nhau, từ 122mm đến 370mm, cho phép đáp ứng nhiều nhu cầu hoạt động khác nhau. Tầm bắn tối đa của hệ thống là 300km, cung cấp khả năng tấn công tầm xa. Đây là lợi thế chiến lược cho các lực lượng sử dụng hệ thống.
PULS có kiến trúc mở, cho phép tích hợp dễ dàng với các hệ thống phòng thủ và chỉ huy khác, khiến nó trở thành một vũ khí có giá trị với các lực lượng vũ trang đang tìm cách hiện đại hóa khả năng pháo binh và cải thiện sự phối hợp với các nền tảng khác.