Bạn thực sự mất gì khi hỏi ChatGPT?

Mỗi lần bạn hỏi ChatGPT, có thể một trang web khác lại mất đi một phần sự sống.

Cái giá của sự tiện lợi

Sự tiện lợi của AI thật hấp dẫn, nó mang đến cho bạn câu trả lời tức thì, không quảng cáo, không phải lạc vào mê cung của hàng loạt liên kết và pop-up.

Trải nghiệm đó khiến người dùng cảm thấy như được giải phóng khỏi mớ bòng bong thông tin. Nhưng điều mà ít ai để ý, đằng sau những phản hồi là vô số nội dung được tạo ra từ các trang web, từ công sức của nhà báo, nghệ sĩ, blogger, những người chưa từng được xin phép hay trả tiền để đào tạo AI. Và giờ, công việc, thậm chí là sinh kế của họ đang bị xóa mờ từng chút một.

 Nội dung của các nhà sáng tạo đang bị sử dụng để đào tạo AI. Ảnh minh họa: AI

Nội dung của các nhà sáng tạo đang bị sử dụng để đào tạo AI. Ảnh minh họa: AI

Vụ kiện có thể thay đổi luật chơi

Mới đây, Ziff Davis, tập đoàn truyền thông sở hữu PCMag, IGN, Mashable, Lifehacker… đã chính thức khởi kiện OpenAI vì hành vi sử dụng trái phép nội dung. Không chỉ yêu cầu bồi thường hàng trăm triệu USD, Ziff Davis còn muốn buộc OpenAI phải xóa sạch toàn bộ mô hình có chứa nội dung của họ.

Khác với một số nhà xuất bản như The Associated Press, The Financial Times hay Vox Media, những bên đã ký thỏa thuận cấp phép với OpenAI, Ziff Davis khẳng định họ chưa từng được mời đàm phán. Thậm chí, dù đã có các chỉ dẫn kỹ thuật như robots.txt nhằm cấm các bot thu thập dữ liệu, OpenAI vẫn bị cáo buộc bỏ qua, thậm chí xóa siêu dữ liệu bản quyền.

Trong đơn kiện, Ziff Davis nhấn mạnh rằng việc này không chỉ vi phạm bản quyền mà còn gây thiệt hại lâu dài cho mô hình kinh doanh nội dung số, giảm lượt truy cập, giảm doanh thu quảng cáo, cắt giảm nhân sự, và cuối cùng là đóng cửa trang web.

Một thống kê gần đây cho thấy, lưu lượng truy cập đến các trang web tin tức và hướng dẫn đã giảm gần 23% trong một năm qua, phần lớn do các công cụ AI như ChatGPT cung cấp câu trả lời trực tiếp mà trước đây người dùng phải truy cập trang web mới có được.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các trang chuyên môn nhỏ, nơi cung cấp công thức nấu ăn, hướng dẫn sử dụng công cụ, mẹo công nghệ hay các bài phân tích chuyên sâu. Khi lưu lượng truy cập mất đi, doanh thu cũng mất theo. Khi đó, nội dung từng giúp người dùng giải quyết vấn đề hằng ngày sẽ dần biến mất, không phải vì nó không còn giá trị, mà vì nó không còn được nhìn thấy.

 Trớ trêu thay, chính những nội dung đó lại là nguyên liệu đào tạo AI.

Trớ trêu thay, chính những nội dung đó lại là nguyên liệu đào tạo AI.

Ziff Davis xem vụ kiện này như một ranh giới sống còn. Nếu thắng, họ có thể tạo ra tiền lệ yêu cầu các công ty AI phải xin phép, phải trả phí nếu muốn dùng nội dung để huấn luyện. Nếu thua, điều đó có thể mở đường cho việc coi mọi nội dung trên Internet là miễn phí, bất kể công sức, chất lượng hay tính nguyên bản.

Vấn đề không còn nằm ở chuyện tiền bạc, mà là cấu trúc quyền lực trên Internet. Hiện tại, chỉ các tập đoàn truyền thông lớn mới có đủ sức ép để đàm phán với các công ty AI. Phần còn lại, từ các nhà sáng tạo cá nhân đến các ấn phẩm độc lập gần như bị bỏ lại phía sau.

Như lời nhiếp ảnh gia Tim Flach từng mô tả, việc nội dung của ông bị dùng để huấn luyện AI mà không được xin phép “giống như một ký sinh hút cạn sức sống từ vật chủ”. Hệ sinh thái nội dung đang cạn kiệt dần, và một khi các nhà sáng tạo ngừng sản xuất, AI cũng không còn gì để học.

Kịch bản nào cho tương lai?

Nếu Ziff Davis thua kiện, nguy cơ là các nền tảng AI sẽ tiếp tục khai thác nội dung từ Internet mà không có cơ chế bồi thường rõ ràng. Điều này có thể khiến ngày càng nhiều nhà sáng tạo rời bỏ nền tảng, khiến Internet trở nên đơn điệu, nhàm chán, chỉ còn lại những bản tóm tắt vô hồn được tạo ra bởi máy.

Nếu Ziff Davis thắng, đây sẽ là bước đầu cho việc thiết lập quy tắc mới, công nhận quyền của người tạo nội dung, đòi hỏi sự đồng ý, và đưa AI trở lại giới hạn hợp pháp.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ban-thuc-su-mat-gi-khi-hoi-chatgpt-post849017.html
Zalo