Phiên tòa chống độc quyền, và sự trỗi dậy của ChatGPT trong cuộc đua tìm kiếm

Phiên tòa chống độc quyền lịch sử giữa Google và Bộ Tư pháp Mỹ đang tạo ra những chuyển động sâu sắc trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Hơn chục năm trước, khi Microsoft đối mặt cuộc chiến pháp lý lịch sử với Bộ Tư pháp Mỹ, một luật sư nổi tiếng tại thung lũng Silicon đã đưa ra nhận định gây tiếng vang: “Phiên tòa chính là giải pháp”. Tuyên bố này ám chỉ rằng việc buộc một gã khổng lồ công nghệ ra tòa có thể mở đường cho làn sóng đổi mới từ các công ty nhỏ hơn. Giờ đây, điều đó đang diễn ra với Google.

Tương tự cách Microsoft từng bị cho là đã bỏ lỡ cuộc cách mạng di động vì quá mải mê đối phó kiện tụng, các tài liệu và lời khai tại phiên tòa gần đây cho thấy Google cũng có thể đã chậm chân trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo vì bị phân tâm bởi chính vụ kiện chống độc quyền kéo dài của mình.

Tương lai tìm kiếm không còn là của riêng Google - Ảnh: Datacamp

Tương lai tìm kiếm không còn là của riêng Google - Ảnh: Datacamp

Vụ kiện chống độc quyền

Theo Bloomberg, trong giai đoạn 2 của vụ kiện, Bộ Tư pháp Mỹ đã tập trung làm rõ AI đang định hình lại cách người dùng tìm kiếm trực tuyến như thế nào, đồng thời làm nổi bật cơ hội mới cho các công ty khởi nghiệp thách thức vị thế của Google.

Sự kiện đạt cao trào khi Eddy Cue, một trong những lãnh đạo cấp cao tại Apple, làm chứng trước tòa và công khai lý do tại sao Apple chọn ChatGPT của OpenAI thay vì Gemini của Google làm đối tác AI cho iPhone. Cue còn tiết lộ Apple đang xem xét cải tiến Safari để tích hợp sâu hơn với các công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI.

Thông điệp của Cue rõ ràng: trong khi Google miệt mài củng cố vị thế thống trị, các đối thủ AI đang dần khẳng định chỗ đứng và đưa ra những lựa chọn thay thế đáng kể để trả lời các truy vấn internet.

Giáo sư Tim Wu (Đại học Columbia), cựu cố vấn về cạnh tranh của Tổng thống Joe Biden, nhận định việc bị giám sát chặt chẽ khiến các công ty độc quyền buộc phải hành xử thận trọng hơn. Ông nhấn mạnh bản chất của các vụ kiện chống độc quyền chính là tạo ra sự thay đổi.

Thẩm phán liên bang Amit Mehta, người phụ trách vụ kiện, đang xem xét các biện pháp khắc phục. Sau khi lắng nghe tranh luận cuối cùng vào cuối tháng này, ông sẽ quyết định liệu có cần tách Chrome khỏi Google, hay áp dụng các biện pháp khác để khôi phục cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực tìm kiếm.

Tại một hội nghị ở Scotland, bà Gail Slater, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh thị trường tìm kiếm đã “đóng băng” trong suốt hai thập niên. “Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phá vỡ khối băng đó? Câu trả lời nằm ở dữ liệu và quy mô”, bà nói.

Trong khi đó, phía Google phản bác mạnh mẽ. Bà Lee-Anne Mulholland, Phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Google lên tiếng cho rằng các biện pháp do Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất là “cực đoan” và sẽ cản trở đổi mới. Bà cho rằng nhiều công ty khởi nghiệp chỉ đơn giản muốn “mượn” công nghệ của Google thay vì tự phát triển.

Việc ChatGPT được chọn thay vì Gemini

Từ năm 2003, Apple đã duy trì mối quan hệ đối tác béo bở với Google, mang về tới 20 tỉ USD mỗi năm từ việc đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định. Cue, người đóng vai trò trung tâm trong các cuộc đàm phán, từng lên tiếng bảo vệ thỏa thuận này tại tòa hồi năm 2023. Và chính thỏa thuận này là một trong những bằng chứng để thẩm phán Mehta tuyên bố Google vi phạm luật cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong bước ngoặt mới với trí tuệ nhân tạo, Apple lại quay lưng với Google. Công ty chọn hợp tác với OpenAI thay vì tích hợp Gemini vào các thiết bị của mình. Trong phiên làm chứng gần đây, Cue không hề nhắc đến Gemini, một sự im lặng đầy ẩn ý.

Sự đối lập giữa thái độ của Cue năm 2023 và 2025 khiến nhiều người bất ngờ. Trước đây còn dè dặt, lần này ông tỏ ra hào hứng khi nói về AI, gọi đây là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà ông từng chứng kiến trong suốt 35 năm sự nghiệp. Cue đặc biệt đề cập đến các công ty AI đang lên như Perplexity hay Claude (Anthropic), những đối thủ tiềm năng đang làm rung chuyển cách tiếp cận thông tin truyền thống.

Theo ông, các chatbot AI tuy không hoàn toàn thay thế công cụ tìm kiếm, nhưng đang mang đến cách tiếp cận mới: thay vì trả về danh sách đường dẫn, AI trả lời trực tiếp với thông tin tổng hợp tức thì, lấy từ kho dữ liệu khổng lồ. Điều này khiến mô hình tìm kiếm truyền thống của Google bắt đầu lung lay.

Phản hồi lại, Google khẳng định vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ổn định về truy vấn từ người dùng Apple, đặc biệt qua các hình thức tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh, phản ánh xu hướng tìm kiếm đang thay đổi.

Thị trường tìm kiếm nóng trở lại

Không ít nhân chứng tại phiên tòa khẳng định chính vụ kiện đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các đối thủ của Google. Trong số đó có Perplexity, startup AI đang nổi lên nhờ thỏa thuận với Motorola (Lenovo). Đại diện công ty, ông Dmitry Shevelenko, khẳng định thành công này có được là nhờ áp lực pháp lý đặt lên Google, buộc các hãng sản xuất điện thoại, trình duyệt và nhà mạng phải cởi mở hơn với đối tác mới.

Thực tế trớ trêu: chính Google là bên đi đầu trong công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn - nền tảng cho sự phát triển của các chatbot AI ngày nay. Nhưng họ lại chậm chân trong việc triển khai, một phần vì sức ì của sự thống trị. Trong khi đó, ChatGPT ra mắt vào cuối 2022 và nhanh chóng chiếm lĩnh tâm trí người dùng toàn cầu.

Google lập luận rằng họ đầu tư hàng tỉ USD mỗi năm cho đổi mới và việc trì hoãn tích hợp AI là để đảm bảo thực hiện một cách có trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Tim Wu, nỗi sợ “tự phá vỡ mô hình kinh doanh” là điểm chung của các ông lớn độc quyền. Ông dẫn lại ví dụ Bell Labs, từng phát minh ra hàng loạt công nghệ tiên phong nhưng bị AT&T chặn lại vì lo ngại ảnh hưởng tới doanh thu từ điện thoại cố định.

Với Google, tâm lý đó được phản ánh rõ trong các ghi chú nội bộ. Tại một cuộc họp tháng 10.2024, các lãnh đạo cấp cao gây áp lực lên nhóm phát triển Gemini, yêu cầu nhanh chóng tìm cách kiếm tiền từ AI, dù thừa nhận điều đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm và quảng cáo truyền thống.

Bà Vidhya Srinavasan, Phó chủ tịch quảng cáo và thương mại của Google đã cảnh báo: “Chúng ta chưa mất lưu lượng tìm kiếm hay quảng cáo, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi. Cần chuẩn bị để Gemini thành công, và quảng cáo phải được tích hợp càng sớm càng tốt”.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/phien-toa-chong-doc-quyen-va-su-troi-day-cua-chatgpt-trong-cuoc-dua-tim-kiem-232436.html
Zalo