Bản sáng vùng biên
Được khởi động từ tháng 8-2024, mô hình 'Bản sáng vùng biên' được triển khai theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa đã và đang tạo ra diện mạo mới, trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa.
Mô hình “Bản sáng vùng biên” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động và tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị BĐBP với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Tại huyện Mường Lát, lãnh đạo, chỉ huy các đồn biên phòng đã linh hoạt, sáng tạo lồng ghép các chính sách dân tộc, miền núi; các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang triển khai để tổ chức mô hình, kết hợp sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm, doanh nghiệp hướng tới nâng cao đời sống dân sinh, tạo kinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
![Đồn Biên phòng Pù Nhi (huyện Mường Lát) tổ chức hướng dẫn, giới thiệu cho nhân dân địa phương tham quan giống ngô sản lượng cao (tháng 10-2024).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_16_51443989/d46c6e345a7ab324ea6b.jpg)
Đồn Biên phòng Pù Nhi (huyện Mường Lát) tổ chức hướng dẫn, giới thiệu cho nhân dân địa phương tham quan giống ngô sản lượng cao (tháng 10-2024).
Đồn Biên phòng Pù Nhi tổ chức triển khai “Ngày chủ nhật xanh”, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên đồng hành với ban quản lý, hội viên Hội Phụ nữ bản Cơm ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng 30 gốc hoa hồng quanh khuôn viên, bên đường vào Nhà văn hóa bản Cơm. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn cử tổ công tác phối hợp với Ban quản lý khu phố Đoàn Kết lắp đặt hệ thống loa truyền thanh, soạn thảo, phát các bản tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, giới thiệu các mô hình tiên tiến, kiến thức khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, hướng dẫn đồng bào Khơ Mú áp dụng vào tăng gia, chăn nuôi.
Tại huyện Quan Hóa, Đồn Biên phòng Hiền Kiệt phối hợp cùng 200 lượt nhân dân bản Chiềng Căm vừa triển khai thi công 150m đường, 250m2 sân bê tông nhà văn hóa bản, xây bồn trồng hoa, tra dặm bổ sung 700m hàng rào xanh bằng cây chè cùng hệ thống thoát nước; giúp đỡ 10 hộ gia đình cải tạo vườn tạp trồng rau xanh, phát động nhân dân tổng vệ sinh môi trường, xây dựng khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp...
Mô hình “Bản sáng vùng biên” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cũng đã hướng đến tạo sinh kế thoát nghèo cho nhân dân khu vực biên giới. Điển hình như: Đồn Biên phòng Tam Chung, Đồn Biên phòng Pù Nhi tổ chức cho nhân dân tham quan "Vườn rau xanh" tại các hộ làm điểm, trao 200 con vịt giống tặng 6 hộ gia đình khó khăn, phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ hộ dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; Đồn Biên phòng Yên Khương ở huyện Lang Chánh phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển nông nghiệp VINACO Thanh Hóa trao 3.026 con vịt giống cùng 1,1 tấn thức ăn chăn nuôi tặng 44 hộ gia đình ở xã biên giới Yên Khương; cùng cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, tạo thêm sinh kế để các hộ dân vươn lên thoát nghèo...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_16_51443989/b9ee7cb648f8a1a6f8e9.jpg)
![Đồn Biên phòng Pù Nhi (huyện Mường Lát) tổ chức hướng dẫn, giới thiệu cho nhân dân địa phương tham quan vườn rau xanh tại đơn vị (tháng 10-2024).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_16_51443989/32b4f4ecc0a229fc70b3.jpg)
Đồn Biên phòng Pù Nhi (huyện Mường Lát) tổ chức hướng dẫn, giới thiệu cho nhân dân địa phương tham quan vườn rau xanh tại đơn vị (tháng 10-2024).
Đại tá Lê Văn Long, Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thực hiện mô hình, chúng tôi đã lựa chọn 11 bản vùng biên để triển khai. Đây là mô hình mới, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, mô hình đã huy động được gần 1,5 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa, củng cố các công trình dân sinh phục vụ nhân dân các bản. Để mô hình phát huy tốt hiệu quả, BĐBP tỉnh chú trọng khơi dậy, nhân thêm, phát huy được nguồn lực trong nhân dân để thực hiện. Bên cạnh việc phát huy trí tuệ tập thể trong tham mưu, chung tay, góp sức của BĐBP, phải kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai, thực hiện ở vùng dân tộc, miền núi; các đơn vị biên phòng vận động, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tạo nguồn lực tài chính, vật chất, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội học tập, sinh kế, hỗ trợ xây dựng các công trình, trang thiết bị thiết yếu ở các điểm sinh hoạt cộng đồng, tại các điểm trường học phục vụ giảng dạy, học tập...".
Tỉnh Thanh Hóa có gần 214km biên giới, 146 thôn, bản, khu phố thuộc 16 xã, thị trấn ở 5 huyện miền núi, vùng cao biên giới; mô hình “Bản sáng vùng biên” được triển khai điểm tại 11 bản khó khăn nhất đã và đang phát huy hiệu quả thực chất giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng bản, gia đình văn hóa mới ở khu vực biên giới xứ Thanh.