Bận rộn đám xá cuối năm
Cuối năm, nhiều gia đình tổ chức đám cưới, đám hiếu, tiệc tân gia... linh đình dẫn đến lãng phí; nhiều người được mời cũng bận rộn, thâm hụt chi tiêu.
Anh bạn cùng cơ quan tôi nhẩm tính, cuối tuần này gia đình anh có 6 đám cưới, đám hiếu, tiệc tân gia... của họ hàng, anh em bạn bè, có chỗ thân thích song có chỗ cũng chỉ biết sơ qua. Để đi hết chỗ đám này, anh và vợ phải chia nhau từ chiều hôm trước. Những chỗ gần gũi, thân thiết thì đến làm giúp, ăn cơm, còn chỗ “ngoại giao” thì đến chúc mừng rồi về. Vợ chồng anh trích ra số tiền không nhỏ cho việc này.
Nhiều gia đình cũng rơi vào tình trạng “chạy xô” đám xá vào dịp cuối năm. Hiện nay, để đi mỗi đám cũng phải từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Với những gia đình khó khăn hay kinh tế bình thường thì đây là một khoản chi không nhỏ và có nhà sẽ phải cắt khoản nọ, giảm khoản kia, thậm chí vay mượn thêm.
Không chỉ tốn kém tiền bạc, dự đám xá cũng cần nhiều thời gian. Người không bố trí đến dự được thì bị coi là không nhiệt tình với bạn bè, chưa chu đáo với người thân. Còn đi hết các đám cần nhiều thời gian, phải sắp xếp, đảo đổi công việc.
Không chỉ với khách, gia chủ nhiều lúc cũng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi không tính toán được lượng khách mời, làm quá nhiều cỗ dẫn đến bị thừa, có khi đến cả chục mâm.
Theo văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt Nam, các đám xá thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Bởi lẽ lúc này mùa màng đã xong, thời tiết khô ráo, cũng là dịp Tết chuẩn bị đến, xuân sắp về nên nhiều người mong muốn có thêm niềm vui, hạnh phúc vào cuối năm. Nhiều người quan niệm, đám cưới sẽ “thêm người thêm của”, tân gia sẽ mang nhiều tài lộc, hưng thịnh cho gia chủ, “sang nhà mới” người quá cố được sạch sẽ…
Bên cạnh những nhà tổ chức chừng mực, gọi là có cái lễ để thông báo với gia đình, người thân, bạn bè thì cũng có gia đình dựa vào việc tổ chức các hoạt động này mà mở quá to, quá lớn. Đám cưới kéo dài đến 2-3 ngày, đám sang cát cũng 1-2 ngày, mời đông bạn bè, thậm chí có người chỉ quen biết sơ qua cũng được đưa vào danh sách khách mời. Từ đó, dẫn đến việc mời khách, đón khách không chu đáo, thậm chí thiệp mời khách còn sai tên, giới tính. Khách đến ăn cỗ nhưng gia đình không có người đến chào hỏi, tiếp khách, ăn xong rồi ra về mà không hề gặp chủ nhà.
Để đám xá cuối năm không còn là gánh nặng với cả gia chủ và khách mời cần tổ chức theo hình thức gọn, nhẹ. Tổ chức đơn giản hóa, không nên kéo dài, cầu kỳ, chỉ mời những người thật sự thân thiết, tránh tình trạng mời tràn lan, khiến cho người được mời không đi thì ngại, mà đi tâm lý không vui vẻ, thoải mái. Việc chuẩn bị cỗ bàn cần tính toán khách mời cho phù hợp. Có thể trong thiếp mời nên ghi rõ đến uống nước hay dự bữa cơm thân mật để người được mời biết ý định của gia chủ.
Theo chia sẻ từ một người bạn của tôi, khi tổ chức lễ cưới cho con, chị lên danh sách khách mời rất chi tiết, căn cứ vào mức độ thân quen và quan hệ công việc. Với khách cơ quan, bạn bè ngoại giao, chị chỉ mời đến uống nước, còn người thân trong gia đình mời ăn cơm. Bữa tiệc cũng chỉ gói gọn trong 20 mâm và không bị thừa, chi phí cho đám ở mức vừa phải.
Không chỉ tốn kém tiền bạc, dự đám xá dồn dập vào dịp cuối năm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Đã có không ít trường hợp, người đến dự đám uống rượu quá chén, xảy ra xô xát hay đi trên đường bị xử phạt do vi phạm giao thông…
Cuối năm với bộn bề công việc, ai cũng mong muốn việc của mình diễn ra hanh thông, tốt đẹp. Thế nhưng cũng cần phải cân nhắc nhiều yếu tổ để tổ chức, tham dự các đám xá cho phù hợp theo tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, bảo đảm cả sức khỏe và kinh tế.