Băn khoăn bỏ quy định đại biểu HĐND không được chất vấn chánh án, viện trưởng

Chiều ngày 7-5, thảo luận tổ về 3 dự án luật sửa đổi (dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã góp ý thẳng thắn, xây dựng, đề xuất nhiều nội dung cần đưa vào các dự án luật.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng không quy định chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND).

 Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, qua nghiên cứu bảng so sánh, ông đồng tình với các bản sửa chữa trong dự thảo. Tuy vậy, cần giữ lại quy định “được chất vấn” của đại biểu HĐND với chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân để thể hiện dân chủ và từ trước tới nay, quyền này đã được quy định như vậy, đang phát huy tốt.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC

Góp ý Điều 84 quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn về chữ “trực thuộc”, bởi trong khi chúng ta đã xác định MTTQ Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Theo đại biểu, nên dùng khái niệm khác để thể hiện sự “tự nguyện” và tính “liên minh”.

“Phải chăng, chúng ta đang muốn xây dựng đại đoàn kết rộng rãi hơn, tập hợp rộng rãi hơn. Như Tổng Bí thư trong một số bài phát biểu đã nói, chúng ta chấp nhận sự khác biệt để xây dựng đất nước thịnh vượng, văn minh. Tôi nghĩ, nên quy định như thế nào đó để mở rộng lực lượng MTTQ trong đất nước, có sức lôi cuốn, hấp dẫn hơn”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

Góp ý đối với dự thảo nghị quyết, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ niềm vui khi đọc dự thảo nghị quyết khi xuất hiện câu chữ “chính quyền địa phương 2 cấp”. Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, ông nhất trí một phần với quan điểm đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi cho rằng, đại biểu HĐND cấp tỉnh mới được chất vấn chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tương đương. Còn cấp đại biểu HĐND cấp xã không chất vấn được, vì cấp xã không có cấp chánh án hay viện trưởng.

Về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, việc quy định những điều cán bộ, công chức không được làm, trong đó có việc “không được tham gia đình công”, khiến đại biểu băn khoăn. Bởi đình công cũng là một quyền cơ bản của của con người (tất nhiên đình công trong tổ chức như thế nào). “Vấn đề này là vô lý, ban soạn thảo phải xem lại, tại sao lại đưa vào điều cấm”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu vấn đề.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ban-khoan-bo-quy-dinh-dai-bieu-hdnd-khong-duoc-chat-van-chanh-an-vien-truong-post794156.html
Zalo