Bán hàng online thắng lớn

Trong khi nhiều cửa hàng kinh doanh truyền thống vẫn chưa mở cửa thì các đơn hàng online đã tấp nập đến tay người tiêu dùng

Nếu như ở kênh bán hàng truyền thống, chỉ một số mô hình và ngành hàng nhất định mở bán xuyên Tết thì trên kênh online, khách có nhu cầu bất cứ khi nào vẫn có thể đặt, lịch giao hàng khi công ty vận chuyển làm việc trở lại.

Bán xuyên Tết

Chị Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang (tỉnh Đắk Lắk), chuyên các loại mỹ phẩm từ quả bơ, cho biết ngày trước, cứ nghỉ Tết là chị nghỉ bán. Sau này, thấy các công ty lớn vẫn mở bán bình thường, vẫn thay ca livestream liên tục nên Tết này Pơ Lang cũng thử chạy quảng cáo. Kết quả là ngay ngày đầu tiên đi làm lại, mọi người đóng hàng, giao hàng vui như mở hội khi có hàng trăm đơn hàng khách đặt ở trong Tết.

Đầu năm, công ty khởi nghiệp Pơ Lang tất bật đóng gói, giao hàng cho khách mua hàng online trong Tết. Ảnh: AN NA

Đầu năm, công ty khởi nghiệp Pơ Lang tất bật đóng gói, giao hàng cho khách mua hàng online trong Tết. Ảnh: AN NA

Ông Võ Đắc Thọ, quản lý vựa cây giống Huyền Linh Garden (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), cho biết đợt Tết vừa qua, ông nghỉ livestream nhưng vẫn làm video gắn giỏ hàng để bán cây cảnh. Kết quả, ngày đầu tiên làm việc sau Tết, ông đã có 300 đơn hàng giao đi. "Đầu năm nhiều người thích trồng cây nên trong Tết họ đặt sẵn" - ông Thọ nói.

Theo ông Trung Huy, đại diện Ouji Việt Nam, chuyên bán ngành hàng tiêu dùng nhanh, trong những ngày cận Tết, khách hàng đặt mua sản phẩm, nhất là nước giặt trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) rất mạnh, ước tính gấp 3-4 lần so với ngày bình thường, đóng góp doanh thu khá lớn cho công ty. Do đó, nhân sự mảng online phải làm việc hết công suất để lên đơn, đóng gói kịp giao cho khách trước Tết.

"Sau Tết, lượng đơn nước giặt vẫn tiếp tục tăng mạnh, cao hơn 50% so với ngày thường dù không chạy quảng cáo. Chúng tôi còn bán ngành hàng mẹ và bé, thời trang trên Facebook và đạt doanh thu khá tốt. Khách hàng bây giờ có xu hướng mua sắm trên online và chúng tôi cũng đang đẩy mạnh kênh này song song kênh offline" - ông Huy nói.

Bà Đặng Hồng, chủ gian hàng bánh kẹo nhập khẩu trên sàn TMĐT, cho biết trong mùa Tết, doanh thu ước tính tăng gấp 5-7 lần so với ngày thường. Nhân viên làm việc không kịp nghỉ, từ sáng sớm đến đêm khuya để đóng hàng giao cho khách trong dịp Tết.

"Từ 16-17 tháng chạp trở đi, mỗi ngày có đến 400 đơn. Đây là con số cao nhất kể từ khi kinh doanh trên mạng nên tôi phải huy động nhân viên, người nhà góp tay góp sức đóng hàng nhưng vẫn không xuể. Đến giờ vẫn có khách đặt các loại bánh sữa chua, bánh trứng muối hoặc combo đủ loại để ăn sau Tết" - bà Hồng chia sẻ.

Bội thu

Theo thông tin từ TikTok Shop, hàng ngàn nhà bán hàng trên nền tảng mua sắm này đã "bội thu" trong mùa Tết vừa qua. Đặc biệt, các phiên Mega Livestream "Sắm Tết Bao Vui" do TikTok Shop thực hiện với sự đồng hành tham gia của các "chủ LIVE" hàng đầu như Hằng Du Mục (ngày 25-12-2024) và Phạm Thoại (ngày 15-1-2024) đã tạo nên một kỷ lục ấn tượng mùa Tết với tổng cộng hơn 400.000 đơn hàng được bán ra.

Vua Tôm Khô Cà Mau (@khocamau5) tuy mới chỉ "lên sàn" được 10 tháng nhưng đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng đều đặn và tăng gấp 3 lần trong 3 tháng giáp Tết Ất Tỵ 2025.

Nhiều nhà bán kỳ cựu với kinh nghiệm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết tăng cao cũng đã có một mùa Tết bội thu. Đơn cử, chỉ tính riêng trong tháng 1 dương lịch - giáp Tết Nguyên Đán 2025, Cây Cảnh Huyền Linh (@caygionghuyenlinh) với sản phẩm chủ lực là các loại hoa, cây cảnh trang trí Tết, đã ghi nhận mức doanh số kinh doanh tăng trưởng tới hơn 3 lần so với các tháng trước đó nhờ livestream đều đặn và tổ chức được phương án vận chuyển chuyên nghiệp, hiệu quả.

Theo bà Nguyên Ngô, Quản lý Marketing TikTok Shop tại Việt Nam, sắm Tết trên TMĐT đã trở thành một phần tự nhiên trong thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt.

Còn theo Shopee, thời điểm mua sắm Tết tập trung vào quý IV/2024, nền tảng ghi nhận có 8 triệu chiếc áo dài đã được bán ra trong thời gian này với giá trị đơn hàng trung bình là 250.000 đồng; khoảng 2 triệu giỏ quà Tết và 2 triệu đơn hàng bao lì xì đã đến tay người dùng. Người dùng Shopee có xu hướng tìm kiếm, lựa chọn các sản phẩm chất lượng và chính hãng ngày một nhiều.

Vì sao thắng thế?

Lý giải về sự bùng nổ của kênh bán hàng online dịp Tết vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing tại Haravan, cho biết người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online nhờ 3 yếu tố chính là giá cả, tiện lợi và yêu thích người bán hàng.

Những thương hiệu lớn, uy tín tham gia bán hàng trên sàn TMĐT ngày càng nhiều, một tháng họ chạy ít nhất 3 chương trình khuyến mãi vào ngày đầu tháng, ngày đôi, ngày cuối tháng. Sàn TMĐT còn hỗ trợ thêm một phần ưu đãi về giá, giúp giá rẻ hơn những sản phẩm khác bán bên ngoài. Trong bối cảnh người tiêu dùng chi tiêu dè sẻn thì đây trở thành yếu tố chính thu hút họ.

Bên cạnh đó, khi mua hàng online, khách chỉ cần ngồi nhà lướt điện thoại đã có để sắm rất nhiều thứ, thanh toán trực tuyến, được giao tận nhà miễn phí, đổi trả dễ dàng, không phải khó khăn như trước. Ngoài ra, sự kết hợp giữa nhà bán hàng cùng người nổi tiếng livestream bán hàng đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đại diện Ouji Việt Nam cho hay để đạt được kết quả như hiện nay, doanh nghiệp đã xây dựng một đội ngũ chăm sóc khách hàng và hệ thống quản lý bán hàng riêng biệt cho kênh online nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh nhất có thể. Trường hợp khách muốn đổi trả hàng dù không mua trên sàn TMĐT, DN cũng sẽ có nhân sự hỗ trợ.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, vốn chỉ xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Úc, Canada… cũng vừa có màn "ra mắt" người tiêu dùng Việt qua phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop với sản phẩm sầu riêng đông lạnh đạt chuẩn OCOP 5 sao Bến Tre dịp Tết vừa qua.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc công ty, không giấu niềm vui và bất ngờ khi sản phẩm sầu riêng đông lạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước đón nhận. "Đây là phiên livestream thử nghiệm về sức mua, chất lượng, khả năng vận chuyển… Từ đó, chúng tôi sẽ tính toán các phương án chuẩn bị đẩy mạnh bán online sầu riêng ở thị trường nội địa trong năm nay" - bà Vy cho hay.

Tuy nhiên, chuyên gia Trương Võ Tuấn, người từng điều hành trang web muabannhanh.com, cho rằng để TMĐT phát triển hơn nữa, cần phải cải thiện dịch vụ logistics, phải ứng dụng công nghệ xử lý đơn để hàng giao đến tay khách hàng một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, phải thường xuyên rà soát, yêu cầu người bán xác minh danh tính, cung cấp giấy tờ nguồn gốc hàng hóa.

"Nếu bán trên các nền tảng mạng xã hội, nhà bán phải xây dựng thương hiệu, sản phẩm chất lượng, uy tín và quản lý đơn hàng tốt. Khi đã kinh doanh online, nhà bán cần đáp ứng những yếu tố trên, nếu không nhà bán lẻ ngoại sẽ giành lấy thị phần" - ông Tuấn lưu ý.

Phát triển quá nóng

Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá do sự phát triển nhanh và nóng nên TMĐT đang đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng sản phẩm, bảo mật thông tin, quản lý về nghĩa vụ thuế với Nhà nước…

Do đó, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết sẽ đề xuất xây dựng Luật TMĐT, trong đó hoàn thiện một số chính sách trọng tâm như: Quy định quyền và trách nhiệm của các bên tham gia mô hình hoạt động TMĐT, trách nhiệm với người tiêu dùng, trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về báo cáo tình hình kinh doanh, hay gỡ bỏ thông tin hàng hóa, dịch vụ trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về TMĐT; quy định trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT; chính sách phát triển TMĐT bền vững, thân thiện với môi trường.

LÊ TỈNH - NGỌC ÁNH - THÙY LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-hang-online-thang-lon-196250205211551576.htm
Zalo