Gia tăng thị trường việc làm xanh

Dù mới ở giai đoạn đầu của chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, song giới chuyên gia nhận định, xu hướng việc làm xanh tại Việt Nam sẽ càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi các cơ chế, thể chế và chính sách chiến lược về thị trường lao động, phát triển doanh nghiệp và các ngành kinh tế, an sinh xã hội, an toàn sức khỏe lao động…

Việc làm xanh góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế toàn cầu bền vững. Ảnh: L.H.

Việc làm xanh góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế toàn cầu bền vững. Ảnh: L.H.

Cơ hội việc làm lương cao

Nền kinh tế xanh là mô hình phát triển mà trong đó, việc sản xuất và tiêu thụ tài nguyên được thực hiện một cách bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải carbon và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Mục tiêu là đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Do đó, việc làm xanh liên quan các ngành nghề góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam hiện có 39 ngành nghề xanh, chiếm 3,6% tổng số việc làm, tập trung ở các ngành điện, khí đốt và cấp nước, khai mỏ, dịch vụ thị trường… Song trong tương lai, có đến 88 ngành nghề được dự đoán có tiềm năng trở thành việc làm xanh, chiếm 41% tổng số việc làm trên thị trường. Các vị trí việc làm liên quan đến phát triển bền vững như an toàn lao động, nghiên cứu, kiểm soát chất lượng… có thể đạt mức lương hàng nghìn USD/tháng.

Số liệu thống kê về tuyển dụng việc làm xanh của Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam cũng cho thấy, trong giai đoạn 2023 - 2024, nhu cầu tuyển dụng việc làm xanh hiện cao nhất trong lĩnh vực sản xuất (33%). Theo sau đó là các ngành như: khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe; công nghệ; năng lượng; giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp…

Bà Nguyễn Ngọc Duyên - Điều phối viên quốc gia (Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế - ILO) tại Việt Nam cho biết, theo ước tính của ILO, quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững trên toàn cầu có thể tạo ra khoảng 25 triệu việc làm vào năm 2030. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam là khu vực có tiềm năng gia tăng mạnh mẽ với khoảng 14,2 triệu việc làm xanh nếu các quốc gia đầu tư vào môi trường. Việc làm xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững mà còn tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới cho người lao động. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là không ít thách thức mà các quốc gia cần phải vượt qua.

Những thách thức

Theo ông Gonzalo Serrano De La Rosa - Phó trưởng Ban hợp tác (Phái đoàn Liên minh châu Âu - EU tại Việt Nam), ngay từ khi được thiết lập vào năm 1977, quan hệ đối tác EU - ASEAN đã nhấn mạnh chuyển đổi xanh là một trọng tâm trong hợp tác. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi xanh với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đặt ra những thách thức đáng kể, đặc biệt là về đào tạo việc làm, phát triển kỹ năng và thu hút nguồn nhân lực lao động trẻ dồi dào. Do đó, phát triển lực lượng lao động xanh là trụ cột quan trọng trong xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải, hướng tới hiện thực hóa Chiến lược phát triển xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam.

Bà Cao Lê Thanh Loan - Giám đốc cấp cao Dịch vụ khoán việc và Cho thuê lại lao động (Convenience miền Nam) và Dịch vụ Tư vấn về nhân sự (ManpowerGroup Việt Nam) cho rằng, thách thức không chỉ đến từ nhận thức của doanh nghiệp mà thực trạng khan hiếm lao động có kiến thức và kỹ năng xanh là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Theo bà Loan, do nhu cầu nhân lực xanh càng ngày càng cao mà số lượng lao động sở hữu kiến thức và kỹ năng xanh trên thị trường không có nhiều, nên doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định các vị trí việc làm xanh và kỹ năng xanh cần thiết cho sự phát triển của tổ chức. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong cách thức triển khai chiến lược xây dựng, phát triển, tuyển dụng việc làm xanh hay công nghệ.

Trước những thách thức và hạn chế về nguồn nhân lực xanh, những năm gần đây, các trường đại học tại Việt Nam đã thay đổi nhiều ngành học để thích nghi, đào tạo nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cũng rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp để trang bị kỹ năng xanh cho người lao động.

“Nhân lực và kỹ năng là những yếu tố then chốt nếu muốn phát triển thị trường việc làm xanh. Các cơ sở đào tạo cần nắm bắt được xu hướng việc làm, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, ngành nghề để triển khai đào tạo các kiến thức, kỹ năng xanh phù hợp cho học sinh, sinh viên, người lao động bám sát với thực tiễn. Cần có sự phối hợp và đồng hành giữa ba bên là cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - người lao động” - bà Loan nhấn mạnh.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-tang-thi-truong-viec-lam-xanh-10299392.html
Zalo