Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm hơn 9% trong tháng nghỉ Tết Nguyên đán

Nguyên nhân do kỳ nghỉ Tết kéo dài đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, khiến số ngày làm việc trong tháng giảm đáng kể so với cả tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành đã giảm 9,2% so với tháng trước đó, nhưng vẫn nhích nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành đã giảm 9,2% so với tháng trước đó, nhưng vẫn nhích nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 6/2, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 với gam màu trầm do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những điểm sáng từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành đã giảm 9,2% so với tháng trước đó, nhưng vẫn nhích nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do kỳ nghỉ Tết kéo dài đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, khiến số ngày làm việc trong tháng giảm đáng kể so với cả tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục Thống kê cho biết bên cạnh sự sụt giảm chung của IIP, nền kinh tế ghi nhận có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành công nghiệp. Trong khi ngành chế biến, chế tạo giữ vững đà tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ thì ngành khai khoáng lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể 10,4%. Bên cạnh đó, sản xuất và phân phối điện, một ngành quan trọng của nền kinh tế, tăng nhẹ 0,4%. Và, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có mức tăng trưởng ấn tượng 9,2%.

Xét về tốc độ tăng/giảm của các ngành trọng điểm cấp II, báo cáo cho thấy những ngành tăng trưởng tốt và những ngành gặp khó khăn trong tháng đầu năm. Cụ thể, nhóm ngành sản xuất xe có động cơ dẫn đầu với mức tăng 33,8%; tiếp theo là sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 10,3%. Ở chiều ngược lại, nhóm ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm mạnh nhất 29,1%; tiếp theo là khai thác than cứng và than non giảm 20,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,5%.

Sự phân hóa này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành công nghiệp, khi những ngành có giá trị gia tăng cao và định hướng xuất khẩu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, trong khi những ngành phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và thị trường nội địa lại gặp khó khăn.

Trên bình diện địa phương, IIP tháng Một so với cùng kỳ năm trước tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương. Những địa phương có chỉ số IIP tăng khá cao chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện. Cụ thể, Nam Định có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 29,9%; Trà Vinh có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng 56%.

Ngược lại, những địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm cũng đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện. Trong đó, Cà Mau có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 16,3%; Bạc Liêu có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm 23,8%.

Về sản phẩm công nghiệp chủ lực, ôtô và tivi là hai mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất (lần lượt là 60,7% và 50,1%). Các sản phẩm như phân hỗn hợp NPK, vải dệt từ sợi tự nhiên, sữa tươi và sữa bột cũng có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, một số sản phẩm lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, như than sạch, linh kiện điện thoại, xe máy, đường kính và dầu thô khai thác.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chi-so-san-xuat-cong-nghiep-giam-hon-9-trong-thang-nghi-tet-nguyen-dan-post1010853.vnp
Zalo