Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành bán hàng đa cấp

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2024 tại các tỉnh, thành phía Nam.

Những dấu hiệu tích cực và khó khăn trong ngành

Chiều ngày 28/5/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2024 tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các đại biểu tham dự hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: Năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều có lợi nhuận, một số doanh nghiệp thậm chí duy trì được đà tăng trưởng về doanh thu, góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, đóng góp vào sự phát triển cộng đồng.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương)

Ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương)

Sản phẩm của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã tiếp cận được nhiều người tiêu dùng ngoài hệ thống phân phối, qua đó từng bước khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cũng đã được gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ngành bán hàng đa cấp vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giảm mạnh, chỉ còn 16 doanh nghiệp. Một doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, một doanh nghiệp tự rút lui khỏi thị trường và hai doanh nghiệp không được gia hạn giấy chứng nhận.

Một vấn đề đáng chú ý là vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong hoạt động bán hàng đa cấp. Các vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành mà còn khiến người tiêu dùng và cộng đồng xã hội nghi ngờ và thiếu niềm tin vào mô hình kinh doanh này.

Công tác quản lý nhà nước được chú trọng

Trong bối cảnh trên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp được chú trọng hơn bao giờ hết. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương và các Sở Công Thương địa phương, đã nỗ lực xây dựng một khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một trong những văn bản quan trọng được ban hành trong năm qua là Nghị định số 55/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nghị định này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, nơi có không ít các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, cũng đã được ban hành, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm. Những văn bản pháp lý này không chỉ tạo ra cơ sở pháp lý cho công tác quản lý mà còn tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giảm thiểu các hành vi gian lận trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã triển khai 4 đoàn kiểm tra và 3 đoàn thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền lên đến 1,46 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cảnh báo về các biểu hiện của đa cấp biến tướng cũng được thực hiện rộng rãi. Từ đó nhằm nâng cao nhận thức của người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khỏi những rủi ro không đáng có.

Một yếu tố quan trọng trong công tác quản lý bán hàng đa cấp là sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước. Bộ Công Thương, cơ quan công an và các Sở Công Thương địa phương đã duy trì mối liên kết chặt chẽ trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Những vụ án hình sự liên quan đến các doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật đã được khởi tố tại nhiều địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn và Thanh Hóa. Điều đó thể hiện quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân.

Duy trì môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng

Trong bài tham luận về tình hình hoạt động ngành bán hàng đa cấp, bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó trưởng Ban Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đã cung cấp cái nhìn tổng quan về ngành thông qua các số liệu đáng chú ý.

Bà Trang phân tích số lượng doanh nghiệp, người tham gia, tổng doanh thu ngành, tỷ trọng doanh thu theo từng loại sản phẩm, cùng các lợi ích kinh tế như hoa hồng, tiền thưởng mà người tham gia được hưởng. Theo bà, mặc dù có những biến động, ngành bán hàng đa cấp đã duy trì sự phát triển ổn định trong những năm gần đây, với các chỉ số quan trọng tiếp tục giữ mức tăng trưởng hợp lý.

Bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó Trưởng ban Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cùng với đó, ông Phạm Văn Cao - Trưởng Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đã có tham luận về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trong năm 2024.

Ông Cao đã khái quát các kết quả nổi bật trong công tác quản lý của Bộ Công Thương và các cơ quan địa phương, phân tích các thuận lợi và khó khăn đang tồn tại. Đồng thời, đề xuất “Kế hoạch triển khai công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2025” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Cao - Trưởng Ban Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Đáng chú ý, phiên thảo luận giữa đại diện các Sở Công Thương khu vực phía Nam và các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã diễn ra sôi nổi, với nhiều câu hỏi, trao đổi thẳng thắn về các vướng mắc và khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai công tác quản lý. Đặc biệt, những chia sẻ của các Sở Công Thương cung cấp cái nhìn cụ thể từ cơ sở, làm rõ các giải pháp đã triển khai và các khó khăn cần được giải quyết.

Đại diện các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam chia sẻ những vướng mắc, khó khăn tại hội nghị.

Các vấn đề đưa ra đều nhận được giải đáp cụ thể từ bà Trần Thị Mai Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các chuyên gia, giúp hội nghị đạt được những kết quả xây dựng và mang tính thực tiễn cao.

Bà Trần Thị Mai Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia giải đáp các câu hỏi của đại biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghi, ông Trịnh Anh Tuấn đề nghị doanh nghiệp bán hàng đa cấp tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng...

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia mong muốn tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, hiệp hội, các doanh nghiệp để tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo ngành phát triển lành mạnh.

"Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và Hiệp hội Bán hàng đa cấp để duy trì môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế - xã hội trong thời gian tới", ông Trịnh Anh Tuấn cam kết.

Tổng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp trong năm 2024 đạt khoảng 16.206 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc đóng góp của ngành vào ngân sách nhà nước cũng suy giảm. Cùng với đó, số lượng người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp giảm 9%, còn 695.778 người, phản ánh sự khó khăn và giảm sút niềm tin từ phía người tham gia và người tiêu dùng đối với mô hình bán hàng này.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-giai-phap-phat-trien-ben-vung-nganh-ban-hang-da-cap-389760.html
Zalo