Bạn đọc nêu đề kiểm tra Ngữ văn có 'sạn', lãnh đạo THCS Võ Trường Toản nói gì?

Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 lên tiếng trước phản ánh cho rằng đề kiểm tra cuối học kỳ 1 Ngữ văn lớp 6 mắc nhiều lỗi.

Bạn đọc chỉ ra đề kiểm tra mắc nhiều lỗi

Ngày 18/12, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh từ bạn đọc cho biết, học sinh khối lớp 6 của Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vừa hoàn thành kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn.

Tuy nhiên, ngay sau khi học sinh của nhà trường hoàn thành việc làm bài môn này, bạn đọc đã chỉ ra một số nội dung trong đề kiểm tra của môn này mà theo bạn đọc là mắc nhiều lỗi.

 Đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 6 của Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 (Ảnh: Bạn đọc cung cấp)

Đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 6 của Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 (Ảnh: Bạn đọc cung cấp)

Về mặt hình thức, bạn đọc cho biết sau chữ Phần I thì là dùng dấu hai chấm, còn sau chữ phần II thì lại dùng dấu chấm.

Giữa các chữ số thập phân thể hiện điểm ở các câu hỏi từ 1 đến 5 ở phần I (phần Đọc hiểu) thì lại sử dụng dấu chấm, còn ở phần II thì lại sử dụng dấu phẩy. Ở câu hỏi số 5, trong cùng một dòng nhưng “02 bài học” lại có số 0 phía trước, còn “khoảng từ 3 đến 5 dòng” thì lại không có số 0 ở phía trước.

Phần trên tựa bài thơ ghi là đọc văn bản, nhưng xuống dưới câu số 5 thì lại hỏi là “Từ nội dung bài thơ, em rút ra bài học gì về cách đối xử của con cái với cha mẹ mình? (trình bày 02 bài học khoảng 3 đến 5 dòng). Nội dung bài thơ mang tính đánh đố học sinh làm bài, vì trong các câu hỏi còn lại không câu nào hỏi nội dung của bài thơ cả.

Câu hỏi số 1 trích dẫn lại hai câu thơ trong văn bản trên, nhưng thiếu dấu ba chấm ở cuối câu.

Về mặt nội dung, phần đọc hiểu đang yêu cầu học sinh đọc hiểu thể thơ lục bát, nhưng câu 3 lại yêu cầu học sinh nêu tác dụng của 2 trạng ngữ trong hai câu văn xuôi, không rõ nguồn gốc lấy từ đâu, vì không liên quan gì đến văn bản ở phía trên cho sẵn. Câu hỏi số 3 không liên quan gì đến 4 câu hỏi còn lại.

Ở câu hỏi số 4 yêu cầu học sinh “Nhận xét nét độc đáo khi tác giả sử dụng từ ngữ “dịu dàng” để miêu tả trong câu thơ “Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng”. Yêu cầu này khiến học sinh không hiểu là nhận xét nét độc đáo trong bài thơ hay đoạn thơ, hay là câu thơ hoặc là chỉ từ dịu dàng? “Dịu dàng” là từ láy hay là từ ngữ "dịu dàng” để miêu tả trong câu thơ “Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng” là miêu tả về điều gì? Yêu cầu chưa thể hiện rõ.

Câu hỏi số 5: Yêu cầu từ nội dung bài thơ “À ơi tay mẹ” nhưng thực chất 3 khổ thơ trích trong đề chỉ là đoạn trích và đã lược bớt 3 khổ, do bài thơ này có đến 6 khổ thơ. Khi học sinh không được đọc hết cả bài thơ với 6 khổ thơ thì làm sao hiểu được nội dung của bài thơ mà trả lời câu hỏi.

Nhà trường nói gì về ý kiến của bạn đọc?

Ngay trong sáng ngày 19/12, ngay sau khi nhận được thông tin do phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cung cấp, lãnh đạo Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (Nguyễn Thị Ngân Hà) và tổ trường tổ chuyên môn cùng với các giáo viên đang dạy Ngữ văn lớp 6 của trường đã họp để xem xét những nội dung có liên quan đến đề kiểm tra này.

Căn cứ vào biên bản cuộc họp này, các thành viên tham dự cuộc họp đã đồng ý nhất trí với các ý kiến như sau:

Về hình thức: Rút kinh nghiệm, nhất quán trong sử dụng các dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu chấm phẩy, dấu ba chấm, nhất quán về hình thức văn bản.

Rút kinh nghiệm trong việc sử dụng từ “bài thơ”, “đoàn thơ”, “văn bản”, “ngữ liệu”, nhất quán trong việc sử dụng từ ngữ.

Về mặt nội dung: Khi soạn đề kiểm tra, tổ và nhóm chuyên môn Ngữ văn đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo, bám sát định hướng chuyên môn, ma trận, đặc tả của hội đồng bộ môn Quận 1 thống nhất. Giáo viên tích hợp kiến thức tiếng Việt theo đúng yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đề kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực của học sinh.

Với câu hỏi số 3: Yêu cầu xác định tác dụng của trạng ngữ là câu hỏi đáp ứng nội dung kiến thức tiếng Việt học sinh được học ở học kỳ 1, đáp ứng đúng yêu cầu cần đạt của chương trình và ma trận, đặc tả.

Với câu hỏi số 4: Yêu cầu của đề đã nêu rất rõ ràng nhận xét nét độc đáo từ “dịu dàng” trong phạm vi câu thơ “Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng”. Học sinh có thể diễn giải từ “dịu dàng” theo cách hiểu sao cho hợp lý và thuyết phục.

Với câu hỏi số 5: Tổ, nhóm xin rút kinh nghiệm về việc dùng từ “bài thơ” là chưa phù hợp. Với câu hỏi này, học sinh chỉ cần rút ra được bài học dựa trên nội dung đoạn thơ. Đề không đánh đố hay yêu cầu học sinh trả lời những gì thiên về cả bài thơ.

Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 khẳng định: Trong trường hợp này giáo viên đã dạy kiến thức đúng, đủ theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Đề kiểm tra này đã đúng với ma trận đề, đặc tả của Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, bám sát định hướng ôn tập đã thống nhất của nhóm chuyên môn.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ban-doc-neu-de-kiem-tra-ngu-van-co-san-lanh-dao-thcs-vo-truong-toan-noi-gi-post247965.gd
Zalo