Bạn đọc đề nghị tăng mức chế tài với hành vi 'chặt chém' khách hàng
Bạn đọc đề nghị tăng mức chế tài, có phương án phù hợp để làm trong sạch môi trường du lịch, thương mại, kinh doanh… tránh tình trạng 'chặt chém' khách hàng.
Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, thông tin về tình trạng “chặt chém” khách hàng tại một số quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống... chiếm sóng mạng xã hội.
Câu chuyện về ba tô bún riêu giá 1,2 triệu đồng; đĩa rau muống xào giá 500.000 đồng, đĩa cà tím nướng mỡ hành hơn 1,8 triệu đồng/phần... khiến nhiều người bức xúc
Mặc dù, các cơ sở này hiện đã bị phạt nặng, tạm đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, bạn đọc yêu cầu cơ quan chức năng cần tăng các mức chế tài, có những phương án phù hợp để làm trong sạch, lành mạnh văn hóa môi trường du lịch, thương mại, kinh doanh…
Tăng giá ngày Tết, câu chuyện thường thấy
Bạn đọc Hạnh Dung bình luận: “Ngày Tết lên giá là chuyện bình thường vì cái gì cũng tăng nhưng cần phải lên giá thế nào cho phù hợp. Đồng thời, việc lên giá đó phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, được sự chấp thuận từ phía cơ quan chức năng. Việc lên giá ba tô bún riêu 1,2 triệu đồng là không thể chấp nhận được, ngay cả đơn giá ở nhà hàng tại Nha Trang cũng không thể bởi giá tăng cao, đột ngột”.
“Cứ tái diễn tình trạng chặt chém khách hàng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ mặt của ngành du lịch... Chúng ta đừng nghĩ du khách chỉ đến một lần mà hành xử như vậy. Đừng bao giờ vì lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, nó không chỉ mang tính cá nhân mà còn ảnh hưởng đến bộ mặt địa phương, đất nước” - bạn đọc Nguyễn Thị Kha bình luận.
Bạn đọc Quốc Thiên nêu: “Mới đây ở Phú Yên cũng có vụ 8 người vào một quán ăn với giá khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thương lượng khách hàng đã trả khoảng 700.000 đồng. Ở đây chưa thể khẳng định chuyện chặt chém nhưng quán ăn này không niêm yết bảng giá, lý do bà chủ đưa ra là do giá thường xuyên biến động nên không niêm yết giá. Câu trả lời này là không đúng và bà chủ cũng đã bị xử phạt vì không đăng ký kinh doanh và không niêm yết giá. Đây cũng là bài học cho những ai đang kinh doanh mà không có bảng giá rõ ràng”.
“Tôi cho rằng chủ quán bún riêu giải thích đó chỉ là lời nói đùa dẫn đến việc khách chuyển khoản 1,2 triệu đồng là không thành khẩn, không thiện chí, còn tìm cách lấp liếm, né tránh sự thật việc tính tiền cho khách. Nếu khách không đăng lên mạng xã hội thì chủ có tự trả tiền thừa cho khách không? Vì ngay sau đó chủ quán phải kiểm tra tài khoản của mình, nếu thấy tiền thừa và muốn trả lại thì đã thực hiện ngay” - bạn đọc Phùng nhận định.
"Bán sai giá niêm yết thì không được phép hoạt động"
Bạn đọc Diệu Linh nêu ý kiến: “Tăng giá khác với chặt chém. Lý do cứ xảy ra vấn đề chặt chém này là do chế tài của nước ta có quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Việc xử phạt, tạm đình chỉ rồi sẽ được mở lại, hay thậm chí không cho phép kinh doanh sẽ mở thương hiệu khác. Vấn đề ở đây cần phải xác định ngay từ đầu khi đăng ký doanh phải có thực đơn, có giá tiền rõ ràng công khai. Bảng giá đó phải được treo ở nơi dễ thấy, kích thước tối thiểu không được quá nhỏ, không tính menu cầm tay. Nếu không có hoặc bán sai giá niêm yết thì không được phép hoạt động, chế tài cần phải mạnh hơn nữa”.
“Chợ Đông Ba, TP Huế từng gắn liền với câu vè "Đông Ba chia 3 mà trả". Bởi trước đây ngôi chợ này nổi tiếng với vấn nạn "chặt chém". Sau đó, chính quyền đã vào cuộc xử phạt, nhắc nhở, viết cam kết không tái phạm… Thậm chí còn treo thưởng 500.000 đồng cho những ai phản ánh tình trạng "chặt chém" giá ở đây. Kết quả vấn nạn này đã giảm đáng kể, dù vẫn còn tồn tại một vài tiểu thương cố ý chặt chém nhưng đã bị phản ánh và xử phạt ngay. Đây là một phương án hay mà các địa phương khác cần nghiên cứu, học hỏi” - bạn đọc Nguyen Hoang chia sẻ.
“Bất cứ người nào một khi đã bước vào con đường kinh doanh, buôn bán thì trước tiên hãy tự đặt mình là một người khách. Làm ăn chân chính, đặt cái tâm của mình vào thì chắc chắn sau này sẽ có thương hiệu, có kết quả tốt. Ngược lại, làm ăn kiểu chặt chém thế này thì sớm muộn cũng không có kết quả tốt. Nó không chỉ mang tính pháp lý, vi phạm pháp luật mà nó còn mang cả tính nhân văn, ứng xử văn hóa, đạo đức của một người kinh doanh" - bạn đọc Văn Thành nêu.
Chế tài ra sao đối với việc “chặt chém” khách hàng?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 87/2024, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân có một trong các hành vi như không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Luật sư LÊ VĂN HOAN
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai (đối với nhóm hàng hóa dịch vụ không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá). Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức mức phạt tiền gấp đôi.
Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, gồm buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách Nhà nước.
Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM