Tham gia giao thông có trách nhiệm

Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2025 đã tạo nên những thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Đây là một tín hiệu đáng mừng, khi các chế tài tăng mạnh không chỉ mang tính răn đe mà còn góp phần định hình thói quen chấp hành pháp luật của người dân.

Nếu trước đây, hình ảnh người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy xe trên vỉa hè hay không đội mũ bảo hiểm vẫn còn phổ biến, thì nay các hành vi này đã giảm đáng kể, nhất là ở các tỉnh, thành phố có mật độ phương tiện giao thông đông đúc. Số vụ tai nạn giao thông giảm sâu, ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người tham gia giao thông đã tăng đáng kể.

Dẫn chứng rõ nét nhất là, nếu như các năm trước, mỗi dịp nghỉ lễ, tết, chúng ta thường nghe tin tức về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương tăng mà đau xót. Tết Ất Tỵ 2025, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn quốc chỉ xảy ra 445 vụ TNGT. So với cùng kỳ tết năm trước, giảm 258 vụ TNGT, giảm 126 người chết, giảm 232 người bị thương. Tại TPHCM, số vụ TNGT cũng đã giảm 35%, số người chết giảm 45%, số người bị thương giảm 33%.

Từ kết quả trên cho thấy, ngoài các giải pháp trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông phát huy hiệu quả tốt, rất đúng và trúng, phải kể đến việc thực thi có hiệu quả Nghị định 168/2024/NĐ-CP vào cuộc sống. Quan sát trên các tuyến đường phố những ngày này, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, đó là ở các giao lộ, người dân tự giác chấp hành dừng đèn đỏ một cách ngay ngắn, có trật tự, không còn cảnh xe máy leo lên vỉa hè tràn lan như trước.

Điều này chứng tỏ, khi luật pháp được thực thi nghiêm minh, ý thức tự giác sẽ được nâng cao và lan tỏa trong cộng đồng. Sự chuyển biến mạnh mẽ này không chỉ xuất phát từ các biện pháp chế tài nghiêm khắc, mà còn từ sự đồng lòng của các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền. Khi người dân hiểu được mục tiêu của các quy định, họ sẽ tự giác chấp hành và lan tỏa ý thức này đến những người xung quanh.

Để những thay đổi tích cực trên được duy trì, cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông, tăng cường giám sát qua camera, xử phạt “nguội” hiệu quả hơn, đồng thời thường xuyên điều chỉnh các quy định pháp luật phù hợp với thực tế... Quan trọng nhất là mỗi người tham gia giao thông ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng, từ đó góp phần xây dựng một xã hội văn minh, kỷ cương, trách nhiệm.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tham-gia-giao-thong-co-trach-nhiem-post780981.html
Zalo