Hỏi - Đáp pháp luật: Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá được quy định như thế nào?
* Bạn đọc Dương Ngọc Trương ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, hỏi: Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá được quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 35 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi tàu cá không hoạt động trên biển mà không được giám sát theo quy định.
2. Phạt tiền đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc tàu cá theo các mức:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên.
![Ảnh minh họa / TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_16_51423935/fd15052e3c60d53e8c71.jpg)
Ảnh minh họa / TTXVN
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện đúng quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng hoặc không truyền được thông tin, dữ liệu từ tàu cá về trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi đang hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m;
b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không báo cáo bằng văn bản trước khi cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho cơ quan quản lý theo quy định;
c) Không thực hiện kẹp chì khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định hoặc không thông báo mẫu kẹp chì cho cơ quan quản lý theo quy định hoặc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không đúng quy định;
d) Không bảo mật dữ liệu giám sát hành trình tàu cá theo quy định;
đ) Cập nhật không chính xác thông tin về tàu, chủ tàu, mã thiết bị giám sát tàu cá vào phần mềm giám sát tàu cá theo quy định.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hành vi quy định tại khoản 3 điều này trong trường hợp tái phạm;
b) Thay thế kẹp chì thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá mà không báo cáo cơ quan chức năng.
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tàng trữ hoặc lưu giữ mỗi thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác khi tàu cá đó hoạt động trên biển;
b) Gửi thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khi tàu cá đó hoạt động trên biển.
6. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định;
b) Không duy trì việc truyền thông tin về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m;
c) Không thực hiện đúng quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng hoặc không truyền được thông tin, dữ liệu từ tàu cá về trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá khi đang hoạt động đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên.
7. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 và các điểm b, c, d khoản 6 điều này.
* Bạn đọc Bế Văn Lực ở xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là gì?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 16 Bộ luật Dân sự. Cụ thể như sau:
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.