Bám phố

Với bộ đồ nghề đơn giản, tấm bảng hiệu nhỏ gắn tạm bên lề đường, những hàng ăn vặt đường phố của các bạn trẻ vẫn có thể thu hút, khiến người mua tin dùng.

 Minh Trung đang đổ thạch vào ly

Minh Trung đang đổ thạch vào ly

Cập nhật món ăn theo xu hướng

Thông qua phổ biến rộng rãi của mạng xã hội, các video về các món ăn, thức uống thịnh hành liên tục được các bạn trẻ ở Huế cập nhật. Đã từng có thời điểm, khắp các cung đường Nguyễn Huệ, Bà Triệu, Trường Chinh, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh,… mọc lên các quán bán hàng ăn vặt theo xu hướng. Trong đó “làm mưa làm gió” nhất có thể kể đến các món như trà chanh giã tay, bánh đồng xu, xúc xích nướng đá, lạp xưởng nướng đá, gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, cá lóc nướng tuyết,…

Vừa nhanh tay xếp những khúc lạp xưởng béo tròn lên trên lớp đá rồi bật bếp điện lên, bạn Trịnh Quốc Việt (bán trên đường Chu Văn An) kể: “Mình chọn món lạp xưởng nướng đá vì nó phù hợp với khẩu vị mặn mà, thấm đậm của người miền Trung. Lạp xưởng nướng đá có thể bày bán vào tất cả các mùa trong năm. So với lạp xưởng truyền thống, lạp xưởng nướng đá có hương vị rất đặc biệt. Với lớp vỏ bên ngoài được nướng giòn, bên trong có vị béo, đậm đà, khi nướng trên đá lại càng dậy lên mùi thơm khó cưỡng. Để món ăn thêm hấp dẫn, mình còn pha chế thêm nhiều loại gia vị ăn kèm như muối ớt, muối ớt xanh, nước sốt, nước tương. Khách hàng có thể tùy ý lựa chọn, tùy vào khẩu vị của mỗi người”. Với giá bán mỗi cây 15 ngàn, đêm nào mát trời cao điểm, Quốc Việt bán được khoảng 100 cây, mang lại nguồn thu nhập cao giúp bản thân trang trải cuộc sống.

Tuyết Mơ - một bạn trẻ từng bán món trà chanh giã tay trên đường Trần Thúc Nhẫn chia sẻ: “Trà chanh giã tay có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi các video chế biến và thưởng thức loại thức uống này được các tiktoker, facebooker lan truyền đã lập tức gây bão. Ngay sau đó, trà chanh giã tay du nhập vào đời sống, trở thành loại thức uống đường phố bán chạy bậc nhất. Để món trà chanh giã tay có được hương vị độc đáo, đạt chuẩn, hấp dẫn khách hàng thì ngoài những công đoạn như pha trà, chế biến nước đường, cắt chanh, giã chanh thì ở khâu cuối cùng, hỗn hợp phải được lắc xoay trong vài phút mới dậy hương. Mặc dù chế biến khá công phu, vất vả nhưng quầy nước của mình chỉ duy trì được khoảng một tháng. Sau khi món ăn không còn được giữ được “độ nóng” vì tụt xu hướng, khách hàng đã không quay lại. Họ bận dành sự tò mò, háo hức cho những món mới khác”.

Không chỉ trà chanh giã tay, thực tế, sau những ngày đầu nhộn nhịp, những món không phù hợp với khẩu vị vùng miền, thời tiết xứ Huế như milo nấm, gỏi gà măng cụt, khoai tây lốc xoáy... đều đã lần lượt biến mất khỏi thị trường.

Giữ chân khách hàng

Kinh doanh ẩm thực đường phố mặc dù gặp nhiều khó khăn vì tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu người bán chăm chỉ, chịu khó, biết cách nắm bắt khẩu vị, nhu cầu của khách hàng thì vẫn có thể tồn tại, đột phá.

Những ngày nắng nóng cao điểm, nếu có dịp chạy qua cung đường Bùi Thị Xuân, đoạn ngã tư gần cầu Lòn, đập vào mắt mọi người sẽ là quầy bán món thạch tắc và thạch cốt dừa của Minh Trung. Giữa nền nhiệt giữa trưa hơn 40 độ, chỉ với một chiếc dù che, một thùng xốp và vài chiếc xô nhựa, Trung thoăn thoắt đong thạch, chan cốt dừa vào ly. Bạn cho biết: “Mặc dù không được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, thế nhưng với người Huế, thạch đen, thạch xoa, thạch tắc là những món giải nhiệt rất được ưa chuộng. Những món này thường được bán riêng lẻ ở chợ hoặc bán kèm ở quầy chè Huế cố định trên một vài cung đường, những ai muốn ăn phải tìm đến tận nơi để mua, khá vất vả. Do vậy, tôi tranh thủ những ngày nắng nóng, dọn quầy ngồi bán nơi vỉa hè khu vực cho phép từ khung giờ từ 11h trưa đến 13h chiều”.

Trong những ngày thời tiết khó chịu, những miếng thạch đen béo mềm, núng nính khi kết hợp với nước đường, cốt dừa sẽ giúp đánh tan mọi cơn mỏi mệt. Khách mua thạch trực tiếp tại quầy khá đông, ngoài ra, số lượng người quen đặt qua điện thoại cũng tăng vọt khiến bạn phải tìm thêm người phụ. Minh Trung sẽ phụ trách khâu đứng bán, người bạn giữ nhiệm vụ ship hàng.

Với phương châm “trong nguy có cơ”, mỗi ngày anh Hoàng Rin (đường Bùi Thị Xuân) miệt mài chăm chút cho hàng cá lóc nướng tuyết của gia đình. Theo anh, cá lóc nướng tuyết là món dễ ăn, khách hàng có thể thưởng thức theo nhiều kiểu khác nhau như cuốn bánh tráng, rau sống hoặc ăn kèm với bánh ướt, bún, chan thêm nước mắm mặn, ngọt tùy sở thích. Bắt đầu từ tháng 2, đến nay quầy cá lóc nướng tuyết của anh đã duy trì được hơn 5 tháng, thu hút lượng khách hàng đều đặn, ổn định mỗi ngày.

Trong bối cảnh hàng quán ngày càng đông đúc, bán thức ăn đường phố được xem là một công việc không bền. Tuy nhiên, nếu mỗi người làm bằng cái tâm, đầu tư lựa chọn nguồn nguyên liệu tươi sạch, đảm bảo khâu chế biến chăm chút, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc kinh doanh vẫn có cơ hội “sống”. Các bạn đã lấy “trend” để tạo đà, sau đó tập trung thu hút bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, linh hoạt điều chỉnh khẩu vị theo nhu cầu khách hàng. Sự năng động, kiên trì bám phố này đã giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công, tăng thu nhập phụ giúp gia đình, làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: Diệu Thông

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/bam-pho-143902.html
Zalo