Khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là một trong những thế mạnh của du lịch Mộc Châu, được phát triển dựa trên khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Mộc Châu đã tập trung huy động nguồn lực xây dựng các bản du lịch cộng đồng đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, du lịch văn hóa của du khách.
Bản Áng, xã Đông Sang, là bản phát triển du lịch cộng đồng sớm nhất, được nhiều du khách lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng, trải nghiệm khi đến Mộc Châu. Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, năm 2017, huyện Mộc Châu hỗ trợ bản Áng làm biển chỉ dẫn, biển hiệu các hộ gia đình kinh doanh homestay; biển nội quy bản du lịch cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng; mua sắm và trưng bày các hiện vật tại nhà văn hóa bản, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng.
Anh Lữ Văn Hiệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Áng, xã Đông Sang, thông tin: Bản Áng là nơi sinh sống của đồng bào Thái trắng, với nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Nơi đây còn có không gian sống hài hòa với thiên nhiên, là điểm nhấn và cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Cả bản hiện có 40 hộ làm du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu đã kết nối để người làm du lịch cộng đồng ở bản Áng nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Wise (Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh) thông qua các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, định hướng các phương án kinh doanh cho các chủ homestay và người dân trong bản. Từ 2020 đến nay, bản Áng đón trên 92.000 lượt khách, doanh thu ước đạt trên 100 tỷ đồng.
Lựa chọn homestay ở bản Áng, xã Đông Sang làm nơi nghỉ chân cho gia đình vào cuối tuần, chị Hoàng Kiều Trang, du khách đến từ thành phố Hà Nội, chia sẻ: Đến bản Áng, tôi được trải nghiệm ở nhà sàn, nằm đệm bông gạo, thưởng thức các món đặc sản địa phương, như rượu cần, cơm lam, cá nướng, bê chao, xôi tình yêu, các món ăn từ rau rừng... Tối đến còn được xem múa, nghe hát và cùng bạn bè, bà con dân bản nắm tay trong vòng xòe đoàn kết, mang đến cho tôi trải nghiệm ấn tượng và độc đáo.
Bản Tà Số 1, Tà Số 2 ở xã Chiềng Hắc là điểm du lịch cộng đồng mới nổi ở Mộc Châu. Với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nơi đây, vẫn còn giữ được những nét truyền thống trong lao động sản xuất, văn hóa. Đặc biệt bà con tự trồng lanh, dệt vải, vẽ và thêu hoa văn để làm nên bộ trang phục truyền thống của đồng bào của mình. Anh Mùa A Di, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Số 1, cho biết: Bản có 197 hộ, trên 1.170 nhân khẩu; có một nhà cổ, một lò rèn truyền thống, 3 homestay phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Từ năm 2021 đến nay, bản đã đón trên 40.000 lượt khách đến lưu trú, tham quan, trải nghiệm các dịch vụ, doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt trên 20 tỷ đồng.
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, huyện Mộc Châu đã huy động nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng, như: Cổng chào, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống điện chiếu sáng, hoàn thiện bản du lịch cộng đồng, thu hút nhà tài trợ lập quy hoạch bản du lịch cộng đồng. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án phi chính phủ (dự án Great của Chính phủ Úc, AOP) hỗ trợ về chuyên gia, kỹ năng, xây dựng sản phẩm.
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 bản du lịch cộng đồng, gồm bản du lịch cộng đồng Tà Số 1, 2 ở xã Chiềng Hắc; bản du lịch cộng đồng bản Dọi, xã Tân Lập; bản du lịch cộng đồng bản Áng, xã Đông Sang và bản du lịch cộng đồng bản Vặt ở xã Mường Sang. Các bản du lịch cộng đồng được huyện quan tâm, hỗ trợ cơ sở vật chất, tập huấn đào tạo kỹ năng du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm, nghỉ dưỡng của du khách. Các bản du lịch cộng đồng đã đón lượng khách tương đối lớn, người dân có thu nhập ổn định, đặc biệt nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp thông qua kinh doanh các dịch vụ du lịch.
Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, huyện Mộc Châu tăng cường phối hợp giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện. Trong đó, chính quyền định hướng, huy động nguồn lực và triển khai chính sách hỗ trợ, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức famtrip. Người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động du lịch, phát huy nội lực, không ngừng cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành kết nối đưa du khách đến các bản du lịch cộng đồng.
Với sự quan tâm của của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, du lịch cộng đồng ở Mộc Châu ngày càng khởi sắc, mang lại lợi ích kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, góp phần làm phong phú thêm bức tranh sản phẩm du lịch ở vùng đất cao nguyên.