'Bài toán kép' giá vàng và tỷ giá 2025

Trong tháng 2, tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh trong khi giá vàng khá trầm lắng. Bước sang tháng 3 xu thế đã đổi chiều, vàng trở thành tâm điểm khi chạm mốc 100 triệu đồng/lượng, trong khi tỷ giá đã có xu hướng dễ thở hơn.

Vàng sốt xình xịch

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng trong năm 2024 đã đạt mức cao kỷ lục 4.974 tấn, do nhu cầu đầu tư tăng cùng với hoạt động mua vào mạnh và liên tục của khối ngân hàng trung ương (NHTW). Sự kết hợp giữa giá vàng cao kỷ lục và khối lượng giao dịch đã làm tổng giá trị nhu cầu vàng lên đến 382 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Bước sang năm 2025, các NHTW vẫn đang tiếp tục tăng dự trữ vàng bất chấp việc giá vàng tiếp tục tăng. WGC cho biết, các NHTW đã mua ròng trong 15 năm qua, nhưng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy cơn khát vàng này sẽ bị dập tắt.

Giới chuyên gia nhận định, áp lực thị trường bất thường, bất ổn kinh tế chưa từng có, và những biến động chính trị trên khắp thế giới, đã khiến các NHTW phải chú ý đến vàng như một phương tiện lưu trữ giá trị và phòng ngừa rủi ro tiền tệ. Động thái của các NHTW được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu có nhiều biến động.

Thực tế, vàng đang ngày càng đắt đỏ hơn. Ngày 19-3, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao chưa từng có, đóng cửa ở mức kỷ lục 3.047,14USD/ounce, trong khi kết thúc năm 2024 ở mức giá 2.616USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã ghi nhận mức tăng khoảng 16% trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2025.

Trong nước, giá vàng cũng nóng bỏng tay theo giá thế giới. Cuối năm 2024, vàng miếng SJC ở mức 82,2 - 84,2 triệu đồng/lượng, thì ngày 19-3 vàng nhẫn lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu đồng/lượng và một ngày sau đó vàng miếng cũng ghi dấu ấn lịch sử tương tự. Tính từ đầu năm, giá vàng trong nước đã tăng hơn 16 triệu đồng, tương ứng hơn 19%.

Cơn sốt vàng tháng 3 đã khiến nhà đầu tư và người dân đứng ngồi không yên. Tuần qua, tình trạng xếp hàng mua từng chỉ vàng nhẫn lại tái diễn khi vàng chạm mốc 100 triệu đồng/lượng. Thật ra, tâm lý đổ xô vào vàng cũng không khó lý giải. Nguồn cung vàng trong nước hạn chế, vàng miếng bán bình ổn phải đăng ký mua, và hiện tại vàng nhẫn cũng dần được bán nhỏ giọt do các công ty vàng không được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi thấp, các kênh bất động sản, chứng khoán èo uột, trong khi vàng tăng trưởng hai con số cũng là yếu tố tác động lớn đến nhu cầu mua vàng của người dân. Trong bối cảnh sức cầu lớn, nguồn cung hạn chế, nên khi giá vàng và nhu cầu tăng cao, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới cũng được nới rộng để phòng thủ giá xuống.

Cẩn trọng sóng ngầm tỷ giá

Trong khi thị trường đang phát sốt với vàng, tỷ giá tháng 3 lại đang diễn biến bình lặng hơn sau khi chỉ số US Dollar Index (DXY) hạ nhiệt. Ngày 27-2, chỉ số DXY đóng cửa ở mức trên 107, nhưng kể từ đó đã trải qua sự mất giá hơn 4% và đến ngày 20-3 chỉ còn quanh mức 103.

Tính từ thời điểm nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngày 20-1), đồng USD đã giảm gần 6% so với rổ tiền tệ, sự suy yếu này cũng đã hỗ trợ cho vàng tăng lên.

Theo đó, áp lực tỷ giá của NHNN cũng giảm đi. Tại ngày 20-3, tỷ giá trung tâm ở mức 24.807 đồng/USD, tương ứng tăng 1,9% so với cuối năm 2024. Tỷ giá tại Vietcombank ở mức 25.350 - 25.740 đồng/USD, tăng 0,7% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do lên mức 25.840 - 25.940 đồng/USD, tăng 0,5%.

Trước đó, tỷ giá biến động mạnh mẽ trong suốt tháng 2 do đồng USD dao động ở ngưỡng cao, nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước cũng có 3 đợt chào mua USD từ các ngân hàng với tổng trị giá lên đến 500 triệu USD, cũng đã phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt và gây thêm áp lực lên tỷ giá.

NHNN đã can thiệp tỷ giá trong tháng 2 bằng cách liên tục tăng tỷ giá trung tâm, kéo theo trần tỷ giá được nới rộng. Trong tháng 2, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 401 đồng, tương đương 1,6%. Đây là mức điều chỉnh rất mạnh so với mức tăng 487 đồng của cả năm 2024.

Bên cạnh đó, NHNN cũng có động thái mới khi không còn thiết lập mức chặn cứng cho tỷ giá liên ngân hàng ở mức 25.450 đồng/USD như giai đoạn trước đó nữa. Vào ngày 11-2, nhà điều hành đã tăng mạnh giá bán USD can thiệp lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10-2024, lên mức 25.698 đồng/USD và liên tục thả nổi giá bán USD theo tỷ giá trung tâm.

Động thái này cho thấy tín hiệu về việc NHNN đang chấp nhận một mức biến động tỷ giá mạnh hơn, nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm vừa qua.

Mặc dù vậy, một số báo cáo đưa ra gần đây đều khuyến cáo vẫn cần dè chừng với tỷ giá năm 2025. Chẳng hạn theo các chuyên gia của Ngân hàng UOB, với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và kéo dài sang năm 2025, cùng với việc Fed có xu hướng giữ nguyên chính sách, NHNN không chịu áp lực phải nới lỏng chính sách trong ngắn hạn.

Trong khi đó, lạm phát đã tăng lên 3,6% trong năm 2024 từ mức 3,26% của năm 2023, dù vẫn thấp hơn mục tiêu 4,5%. Tuy nhiên, với nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng trên toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump và sức mạnh của đồng USD trở thành mối lo ngại mới, NHNN dự kiến sẽ theo dõi chặt chẽ các áp lực giảm giá đối với VNĐ.

Do đó, quyết định hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại là duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, Việt Nam muốn đẩy mạnh tăng trưởng năm 2025 nên cần phải đẩy mạnh tăng trưởng các động lực chính, trong đó có xuất khẩu. Nếu muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Số liệu cũng cho thấy, 2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 8,4%; nhập khẩu tăng đến 15,9%. Vì vậy, năm nay nhu cầu nhập khẩu sẽ tác động đến tỷ giá trong nước.

2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy năm nay nhu cầu nhập khẩu sẽ tác động đến tỷ giá trong nước. NHNN đang chấp nhận một mức biến động tỷ giá mạnh hơn, nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm vừa qua.

ĐỖ LINH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bai-toan-kep-gia-vang-va-ty-gia-2025-post121428.html
Zalo