Dư thừa nguồn cung quá lớn, xi măng chưa thấy cơ hội thoát khó

Với khả năng tiêu thụ nội địa chưa bằng một nửa công suất, trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm mạnh, tình trạng dư cung quá lớn đang khiến doanh nghiệp sản xuất xi măng rất khó khăn.

Mất cân đối cung - cầu, doanh nghiệp xi măng sa sút

Số lượng nhà máy xi măng phải dừng dây chuyền sản xuất liên tục gia tăng trong 3 năm gần đây. Nguồn cơn của sự việc này là ngành xi măng dư cung quá lớn, trong khi tiêu dùng nội địa - kênh hấp thụ quan trọng - trong nhiều năm qua tăng chậm, thậm chí giảm, chỉ quanh ngưỡng 60 triệu tấn/năm.

Năng lực sản xuất quá lớn, nhưng bán hàng chậm, giải pháp dễ thực hiện nhất của nhiều doanh nghiệp là tạm dừng lò để tránh đổ clinker ra bãi. Có những doanh nghiệp phải dừng sản xuất cả năm. Một số dây chuyền đã hoàn thành xây dựng, nhưng nhận thấy đưa vào sản xuất không hiệu quả, nên chưa dám vận hành.

Trong 2 năm qua, nhà sản xuất xi măng lớn nhất thị trường là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), với quy mô công suất gần 30 triệu tấn xi măng/năm, đều báo lỗ ở mức ngàn tỷ đồng. Năm 2023, Vicem lần đầu tiên, ghi nhận lỗ 1.129 tỷ đồng; năm 2024 báo lỗ tiếp 1.400 tỷ đồng. Trước thời điểm báo lỗ, nhà sản xuất này liên tục công bố tình trạng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh giảm sút mạnh. Nếu 2020, Vicem lãi 1.400 tỷ đồng, năm 2021 lãi 1.173 tỷ đồng, đến năm 2022 chỉ lãi 642 tỷ đồng.

Lý giải tình hình sản xuất - kinh doanh sa sút với đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trần Hồng Minh làm Trưởng đoàn tại buổi làm việc với Vicem hôm 21/3, Chủ tịch HĐTV Vicem, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết: “Năm 2024 là năm cực kỳ khó khăn đối với ngành vật liệu xây dựng nói chung và sản xuất xi măng nói riêng. Nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu, giá bán xi măng có xu hướng tiếp tục giảm, trong khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao”.

Làm rõ thêm về dư thừa nguồn cung xi măng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ Xây dựng đã có báo cáo về vấn đề này. Theo đó, cả nước hiện có 92 dây chuyền, với tổng công suất khoảng 123 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2024, tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ chỉ khoảng 95 triệu tấn (nội địa khoảng 65,3 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29,7 triệu tấn). Như vậy, các dây chuyền sản xuất xi măng chỉ hoạt động bình quân 77% tổng công suất thiết kế.

Bộ này cho biết, từ năm 2011, việc đầu tư sản xuất xi măng thực hiện theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2020 và định hướng 2030 tại Quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nguồn cung xi măng tăng lên do Luật Quy hoạch 2017 bãi bỏ quyết định trên.

Với việc đầu tư các dây chuyền xi măng được thực hiện theo cơ chế thị trường và theo quy định pháp luật về đầu tư, thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, những năm qua, các địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 13 dây chuyền công nghệ hiện đại, với tổng công suất thiết kế 35,3 triệu tấn/năm.

Trước tình hình số lượng nhà máy xi măng tăng nhanh, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng 2050, trong đó đưa ra lộ trình đầu tư các nhà máy xi măng. Năm 2021, bộ này cũng có văn bản gửi UBND các địa phương, yêu cầu phải cân nhắc khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất xi măng, tránh đầu tư tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Nhưng, thực tế, cung - cầu trên thị trường xi măng vẫn mất cân đối rất lớn, khi nguồn cung dư thừa vài chục triệu tấn, gây khó khăn cho tiêu thụ, dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt về giá, thậm chí một số nhà máy bán dưới giá thành sản xuất.

Tiêu thụ khó cải thiện

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 dự kiến tăng 2-3% so với năm 2024, đạt mức 95-100 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa là 60-65 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 30-35 triệu tấn. Nếu về đích với kịch bản cao, tiêu thụ cả năm sẽ đạt 100 triệu tấn, tức tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Còn với kịch bản thấp, tiêu thụ chỉ đạt khoảng 90 triệu tấn.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu xi măng vô cùng ảm đạm, chỉ đạt hơn 2 triệu tấn, thu về 76 triệu USD, giảm 36,7% về lượng và giảm 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Có thể thấy, triển vọng của tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều chưa cải thiện so với năm ngoái, nên các nhà sản xuất xi măng sẽ tiếp tục chật vật trong sản xuất - kinh doanh, cân đối dòng tiền, trang trải chi phí đầu tư.

Cần phải nói thêm, tổng mức đầu tư ngành xi măng Việt Nam ước tính theo giá trị hiện hành lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Trong đó, nguồn lực tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn nhà nước chiếm khoảng 75%.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay, hai nhóm vướng mắc lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm và các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất. Tại thị trường nội địa, tốc độ đầu tư xây dựng vẫn diễn biến chậm, thị trường bất động sản chưa thực sự sôi động, các dự án đầu tư công cũng chưa được đẩy nhanh.

Trong chiến lược dài hạn, ngành xi măng vẫn tập trung vào tiêu thụ trong nước. Để kích cầu, VNCA cho rằng, cần có các giải pháp tăng lượng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa. Theo đó, Nhà nước cần sớm nghiên cứu triển hai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, thay thế loại đường bê tông xi măng cốt thép cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp.

Với hoạt động xuất khẩu, thuế với mặt hàng clinker hiện ở mức 10% đang được xem là một trở ngại. Do đó, VNCA đề nghị đưa thuế mặt hàng này về 0% để giảm áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-thua-nguon-cung-qua-lon-xi-mang-chua-thay-co-hoi-thoat-kho-d259723.html
Zalo