Bài thơ 'Tiếng đàn bầu' được dùng làm ngữ liệu thơ đề thi học sinh giỏi Ngữ văn
Bài thơ 'Tiếng đàn bầu' của nhà thơ Lữ Giang được dùng làm ngữ liệu đề thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 12 trung học phổ thông và chọn đội tuyển quốc gia môn Ngữ văn tỉnh Quảng Trị.
Gợi ý đáp án nghị luận xã hội
Câu 1:
Giải thích: "Màu dân tộc" là bản sắc làm nên những giá trị riêng biệt của mỗi quốc gia, biểu hiện trong cảnh sắc, con người và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. "Đủ sáng bừng" là đạt đến những giá trị đẹp đẽ, độc đáo và riêng biệt, đủ sức tỏa sáng. "Hòa mà không lẫn" là hòa nhập giá trị riêng vào những giá trị chung của nhân loại nhưng không bị trộn lẫn, hòa tan. Ý kiến khẳng định giá trị và sức sống của bản sắc dân tộc trong đời sống nhân loại.
Bình luận: Giá trị của màu dân tộc trong bảng màu nhân loại là nền tảng vững chắc, là căn cốt để mỗi dân tộc trường tồn qua những thăng trầm lịch sử trước nguy cơ đồng hóa của các thế lực ngoại xâm: làm nên chỗ đứng, vị thế của dân tộc đó trong bản đồ thế giới (dẫn chứng).
Hun đúc nên giá trị đẹp đẽ cho mỗi thế hệ và niềm tin, niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, củng cố tình yêu và tinh thần trách nhiệm với quê hương xứ sở (dẫn chứng).
Khi màu dân tộc đủ sáng bừng sẽ hòa mà không lẫn vào bảng màu nhân loại: Xu thế hội nhập, sự giao lưu, kết nối về mọi mặt đã trở thành xu thế phổ biến, tạo cơ hội cho mỗi dân tộc, vươn ra thế giới quảng bá rộng rãi bản sắc dân tộc với bạn bè năm châu (dẫn chứng).
Việc hòa nhập bản sắc riêng của mỗi dân tộc sẽ góp phần làm nên diện mạo phong phú và đa dạng cho đời sống nhân loại (dẫn chứng).
Khi màu dân tộc đủ sáng bừng thì nó đã mang những giá trị tự thân mạnh mẽ và bền bỉ, có sức hấp dẫn, lôi cuốn riêng nên sẽ hòa mà không lẫn trước những tác động của các yếu tố ngoại lai (dẫn chứng).
Làm gì để màu dân tộc đủ sáng bừng: Mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ, bồi dưỡng tình yêu với dân tộc mình; có hành động thiết thực, biết học hỏi có chọn lọc tinh hoa nhân loại để không chỉ gìn giữ, làm giàu mà còn quảng bá bản sắc dân tộc mình đến bạn bè thế giới.
Các tổ chức chính trị, xã hội cần có sự phối hợp trong đề xuất các giải pháp, chính sách đúng đắn, phù hợp nhằm giữ gìn quốc hồn, quốc túy cũng như nâng cao vị thế của dân tộc.
Mở rộng nâng cao: Đồng tiền với các tổ chức, cá nhân có ý thức và hành động thiết thực nhằm tôn vinh giá trị dân tộc; phê phán một bộ phận trong xã hội thờ ơ, lai căng văn hóa.
Liên hệ bối cảnh thực tại để nhận thấy những nguy cơ có thể làm phai nhạt màu dân tộc.
Câu nghị luận văn học
Giải thích, khái niệm ý nghĩa câu nói: "Nhạc điệu là cách tổ chức, cộng hưởng các yếu tố âm thanh của ngôn từ để lời thơ mang tính nhạc. "Nhạc bên ngoài" là nhạc điệu được tạo nên bởi cách tổ chức các yếu tố hình thức bên ngoài của ngôn ngữ như: thể thơ, thanh điệu, vần điệu,cách ngắt nhịp, các biện pháp tu từ… "Nhạc bên trong" là nhạc điệu vang lên từ tâm hồn nhà thơ được tạo nên bởi hệ thống các hình ảnh và tình ý trong thơ. Ý kiến đề cao vai trò của tính nhạc trong thơ.
Bàn luận: Đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ thơ ca: hàm súc, cô động, giàu hình ảnh và nhất là giàu nhạc điệu.
Thơ ca là sự biểu hiện trực tiếp cảm xúc, tình cảm của con người. Cảm xúc bộc lộ qua nhiều phương diện, trong đó có thanh điệu, nhịp điệu của ngôn từ. Âm thanh và nhịp điệu làm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều từ ngữ không thể nói hết.
Các yếu tố nghệ thuật tạo nên nhạc tính không tồn tại tách rời, độc lập mà có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, cùng hô ứng, cộng hưởng hòa phối vào nhau để tạo nên âm điệu riêng cho từng thi phẩm.
Phân tích bài thơ "Tiếng đàn bầu" để chứng minh:
Giới thiệu khái quát về tác giả Lữ Giang và bài thơ.
Nhạc điệu bên ngoài:
- Thể thơ ngũ ngôn: Sự linh hoạt trong cách ngắt nhịp của thể thơ này là yếu tố góp phần tạo tính nhạc cho bài thơ.
- Cách gieo vần: Bài thơ được gieo vần chân vừa liên tiếp vừa gián cách, với những âm Mở tăng dần (bầu, thâu, màu, ta, tha, cha) đặt cuối các câu thơ tạo âm hưởng ngân dài, vang xa.
- Cách sử dụng từ ngữ: Từ láy "đằm thắm", "thiết tha" được đặt trong cùng dòng thơ, từ "não nuột" như những nốt nhạc luyến láy, hồi đoàn, da diết.
- Cách phối hợp thanh điệu: Thanh bằng nhiều hơn thanh trắc, có những câu thơ toàn thanh bằng, riêng các câu thơ ở khổ 3 phân bố thanh trắc khá dày. Phối hợp nhịp nhàng giữa các thanh bằng - trắc đan xen mang âm hưởng vừa trầm bổng, du dương, vừa ai oán não nề vừa hân hoan, hào hùng.
- Nhịp điệu: Ngắt nhịp linh hoạt 2/3, 3/2 luân phiên giữa các dòng thơ, khổ thơ tạo nên bản hòa âm nhịp nhàng.
- Các biện pháp tu từ: Điệp âm, điệp ngữ, điệp cấu trúc tạo âm hưởng ngân vang, da diết…
Nhạc điệu bên trong:
- Hệ thống các hình ảnh thơ giàu sức gợi kết hợp cùng các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ… làm nổi bật hiện tượng tiếng đàn bầu với những cung bậc âm thanh, cảm xúc phong phú không chỉ phản ánh đời sống tâm hồn của con người Việt Nam mà còn gắn liền với những giai đoạn lịch sử của dân tộc.
- Niềm xúc động, tình cảm yêu mến và lòng tự hào, trân trọng về loại hình âm nhạc độc đáo của dân tộc từ đó thể hiện tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước.
Khái quát:
Khái quát sự hòa phối giữa nhạc điệu bên ngoài và bên trong tạo cho bài thơ một cấu trúc âm vang giàu nhạc tính, qua đó góp phần bộc lộ những cảm xúc sâu lắng, thiết tha của tác giả. Điều này đã tạo nên nét độc đáo và sức hấp dẫn riêng cho bài thơ "Tiếng đàn bầu".
Nâng cao mở rộng vấn đề:
- Tính nhạc là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá tài và tình của người cầm bút. Tính nhạc làm nên điều kỳ diệu cho thơ nhưng để thơ ca có sức sống bền lâu còn cần đến nội dung tư tưởng sâu sắc, mới mẻ.
- Ý kiến là bài học cho người sáng tác thơ, đồng thời có tác dụng định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận thơ.
- Với người sáng tác: Chú trọng đến tính nhạc trong thơ để mỗi bài thơ có thể neo lại những dư ba trong lòng bạn đọc.
- Với người tiếp nhận: Chú ý khai thác nhạc điệu thơ để khám phá, cảm nhận một cách tinh tế vẻ đẹp của thơ ca cũng như tiếng lòng của tác giả.