Gặp gỡ, giao lưu với những người treo cờ Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris

Tối 15/11, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 và thanh niên Thành phố với chủ đề 'Chung khát vọng hòa bình'.

Đại diện Nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 chia sẻ tại buổi gặp gỡ.

Đại diện Nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 chia sẻ tại buổi gặp gỡ.

Cách đây 55 năm, ba thanh niên trẻ người Thụy Sĩ gồm Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Nóe Graff đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam bằng chuyến đi từ Thụy Sĩ tới Pháp để treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 19/1/1969, thời điểm Hội nghị 4 bên về Việt Nam chính thức bắt đầu tại Paris.

Hai trong số đó là ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux nay đều ở độ tuổi 80. Trong lần đầu tới Việt Nam này, họ đã kể lại hành trình của sự kiện treo lá cờ nửa màu đỏ và xanh cùng với ngôi sao vàng rực rỡ trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris ngày ấy.

Ông Olivier Parriaux, đại diện Nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 chia sẻ tại buổi gặp gỡ.

Ông Olivier Parriaux, đại diện Nhóm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969 chia sẻ tại buổi gặp gỡ.

Theo ông Olivier Parriaux, ngay khi nghe tin Tổng thống Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ba chàng trai người Thụy Sĩ nhận ra rằng việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris từ ngày 18/1/1969 sẽ là một sự kiện đáng để “ăn mừng” vì điều đó sẽ dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau 9 năm thành lập. Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ đã quyết định lựa chọn một địa điểm cao, không phải là là tháp Eiffel, mà là một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris.

Hành trang đến Paris của ông Olivier và những người bạn chỉ vẻn vẹn có lá cờ nửa đỏ nửa xanh cùng nhiều vật dụng đơn giản khác. Sau cả ngày rong ruổi trên con đường A6, khi màn đêm buông xuống, ông cùng Bernard Bachelard men theo máng hứng nước dọc gian giữa của nhà thờ, đến chân tháp và từ từ leo lên. Hai người phải mất 1 giờ trèo lên, tuột xuống mới tới được thân của chóp tháp, cuối cùng cũng đến được hành lang mở thứ nhất vào khoảng 21 giờ. Cuộc leo lên đỉnh nhà thờ bắt đầu vào khoảng 22 giờ và chạm được đến cây thánh giá vào lúc 22 giờ 45 phút.

Là người đảm nhận nhiệm vụ leo lên đỉnh tháp treo lá cờ, ông Bernard Bachelard cho rằng, mặc dù hành động này đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng vì ông không phải là người Paris và cũng chưa biết rõ sẽ làm thế nào để leo lên được đỉnh cao đó. Tuy nhiên, mọi thứ cũng diễn ra khá suôn sẻ. Khi tụt xuống, ông đã cưa một số thanh sắt để ngăn cản khả năng tiếp cận của lính cứu hỏa, đảm bảo rằng lá cờ sẽ ở trên ngọn tháp đủ lâu.

Ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard gặp gỡ, giao lưu với thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard gặp gỡ, giao lưu với thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau hành trình 30 giờ đầy mạo hiểm và dũng cảm của những thanh niên đến từ Thụy Sĩ, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cứ thế tung bay trên nền trời xanh của Paris, dưới những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch. Sự kiện đã trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác. Nhiều ngày sau, các tờ báo lớn ở Pháp, Mỹ và nhiều nước đã đăng tải hình ảnh lá cờ tung bay trên đỉnh nhà thờ với những tình tiết ly kỳ, cùng các giả thuyết về người treo cờ.

Không ai biết những người đó là ai mãi cho đến năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, danh tính của nhóm người treo cờ được công khai qua cuốn sách với tựa đề “Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame” (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà) do chính họ xuất bản. Cuốn sách đã kể lại câu chuyện với cảm xúc trọn vẹn và hồi hộp về hành động can trường mà họ đã thực hiện khi còn là những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi.

Tin, ảnh: Thu Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/gap-go-giao-luu-voi-nhung-nguoi-treo-co-viet-nam-tren-dinh-nha-tho-duc-ba-paris-20241115230034373.htm
Zalo