Bài tập tốt cho người loạn thị

Một số bài tập có tác dụng hỗ trợ đáng kể trong việc giảm các triệu chứng loạn thị và cải thiện sức khỏe mắt một cách tự nhiên.

1. Loạn thị là gì?

Loạn thị là một tật khúc xạ của mắt, xảy ra khi bề mặt giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng bất thường. Các tia sáng đi vào mắt thay vì hội tụ vào một điểm thì lại khuếch tán trên võng mạc, làm hình ảnh trở nên mờ hoặc méo mó ở mọi khoảng cách.

Nội dung

1. Loạn thị là gì?

2. Vai trò của các bài tập đối với người loạn thị

3. Các bài tập cho người loạn thị

4. Lưu ý khi thực hiện các bài tập cho người loạn thị

Loạn thị có thể xảy ra do nguyên nhân bẩm sinh, chấn thương trực tiếp vào mắt, các phẫu thuật mắt hay bệnh lý giác mạc, người cao tuổi…

Bệnh gây ra triệu chứng nhìn mờ dù nhìn gần hay xa, hình ảnh không rõ ràng, kèm mỏi mắt, đau đầu, khó tập trung vào ánh sáng yếu…

Hiện nay, loạn thị được điều trị bằng việc dùng kính mắt hoặc kính áp tròng, phẫu thuật thay đổi hình dạng giác mạc… Ngoài ra, các bài tập cho mắt giúp hỗ trợ giảm căng thẳng cho mắt và cải thiện sức khỏe mắt tổng thể.

Giác mạc của người bình thường và người bị loạn thị.

Giác mạc của người bình thường và người bị loạn thị.

2. Vai trò của các bài tập đối với người loạn thị

Bài tập mắt không thể thay thế các phương pháp điều trị, nhưng chúng mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc hỗ trợ và cải thiện sức khỏe mắt:

- Giảm căng thẳng cho cơ mắt: Người bị loạn thị thường phải điều tiết mắt nhiều để nhìn rõ hơn, dẫn đến tình trạng mỏi mắt và đau đầu. Các bài tập mắt giúp thư giãn cơ mắt, giảm căng thẳng, từ đó giảm các triệu chứng khó chịu liên quan đến loạn thị.

- Tăng cường sự linh hoạt của cơ mắt: Các bài tập hỗ trợ cải thiện khả năng phối hợp giữa các cơ, giúp mắt hoạt động linh hoạt hơn, điều tiết tốt hơn và giảm hiện tượng mờ hoặc méo hình.

- Tăng cường tuần hoàn đến mắt: Bài tập mắt thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn xung quanh khu vực mắt, cung cấp nhiều dưỡng chất và oxy hơn, giúp mắt luôn khỏe mạnh, giảm nguy cơ các bệnh lý về mắt.

- Cải thiện khả năng tập trung và thị lực: Một số bài tập giúp mắt rèn luyện khả năng thay đổi tiêu cự, hỗ trợ cải thiện độ nhạy bén khi nhìn gần hoặc xa, giúp người bị loạn thị dễ dàng thích nghi hơn trong các hoạt động hàng ngày.

- Ngăn ngừa tiến triển của loạn thị: Khi thực hiện đều đặn, các bài tập mắt có thể góp phần ổn định tình trạng loạn thị, ngăn ngừa sự gia tăng độ loạn hoặc biến chứng khác do căng thẳng mắt gây ra.

- Thư giãn tinh thần: Các bài tập cũng là cách thư giãn cơ mắt, giảm căng thẳng tinh thần, tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn cho người bệnh.

3. Các bài tập cho người loạn thị

Dưới đây là một số bài tập mà bạn có thể tham khảo:

3.1. Bài tập nhìn gần - xa

Bài tập này có tác dụng cải thiện khả năng thay đổi tiêu cự mắt, giúp mắt linh hoạt khi nhìn gần và nhìn xa. Đồng thời, bài tập này còn giúp giảm căng thẳng cơ mắt, tăng khả năng tập trung.

Cách thực hiện:

Người bệnh đứng thẳng hoặc ngồi.
Chọn một điểm ở gần (khoảng 20 - 30 cm) và một điểm ở xa (khoảng 5 - 10 mét).
Tập trung nhìn vào điểm gần trong 5 giây, sau đó chuyển ánh nhìn đến điểm xa trong 5 giây.
Lặp lại quá trình này 10 - 15 lần. Thực hiện mỗi ngày 2 - 3 lần.

Bài tập xoay mắt giúp giảm mỏi mắt.

Bài tập xoay mắt giúp giảm mỏi mắt.

3. 2. Bài tập xoay mắt

Bài tập xoay mắt có tác dụng tăng cường sự linh hoạt cho cơ mắt, thư giãn vùng mắt, giảm mỏi mắt do làm việc lâu trước màn hình thiết bị điện tử.

Cách thực hiện:

Tư thế ngồi thẳng, thư giãn toàn bộ cơ thể. Nhìn về phía trước, từ từ xoay mắt theo chiều kim đồng hồ trong 10 giây.
Dừng lại, sau đó xoay mắt ngược chiều kim đồng hồ trong 10 giây.
Lặp lại bài tập 5 - 7 lần, thực hiện mỗi ngày.

3. 3. Bài tập chớp mắt

Chớp mắt giúp kích thích tuyến lệ, hỗ trợ làm sạch và bảo vệ mắt, giữ ẩm mắt, giảm tình trạng khô - mỏi mắt.

Cách thực hiện:

Tư thế ngồi thoải mái, nhắm mắt lại nhẹ nhàng trong 2 giây.
Mở mắt, sau đó chớp mắt nhanh liên tục 10 lần.
Lặp lại bài tập trong vòng 2 - 3 phút, thực hiện khi cảm thấy mắt mỏi.

3. 4. Bài tập số 8

Đây cũng là một bài tập phù hợp cho người loạn thị, tác dụng tăng cường phối hợp giữa các cơ mắt, cải thiện khả năng tập trung và giảm mệt mỏi mắt.

Cách thực hiện:

Hình dung một số 8 nằm ngang trước mắt (∞).
Dùng mắt vẽ theo đường cong của số 8, chậm rãi và đều đặn.
Thực hiện trong 1 - 2 phút theo chiều thuận, sau đó đổi chiều ngược lại.
Thực hiện lặp đi lặp lại 10 - 15 lần.

3. 5. Bài tập rèn luyện khả năng tập trung

Bài tập giúp rèn luyện khả năng tập trung, cải thiện độ nhạy bén khi nhìn gần.

Cách thực hiện:

Cầm một cây bút trước mặt, cách mũi khoảng 30 cm.
Từ từ di chuyển bút gần về phía mũi, mắt tập trung vào bút mà không nhìn lạc.
Dừng lại khi bút cách mũi 10cm, sau đó di chuyển ra xa.
Thực hiện bài tập này 10 lần, mỗi ngày 2 - 3 lần.

3. 6. Bài tập thư giãn mắt

Người loạn thị cần phải điều tiết mắt liên tục, do đó dễ gặp phải các biểu hiện mỏi mắt, căng thẳng, đau đầu. Thực hiện bài tập thư giãn mắt giúp giảm căng thẳng, thư giãn thần kinh thị giác, hỗ trợ cải thiện triệu chứng mỏi mắt sau thời gian dài tập trung.

Cách thực hiện:

Ngồi thoải mái, nhắm mắt lại.
Xoa hai tay vào nhau để làm ấm, sau đó đặt nhẹ nhàng lên mắt.
Giữ tay trên mắt trong 1 - 2 phút, hít thở sâu và thư giãn.

Massage mắt kích thích lưu thông máu.

Massage mắt kích thích lưu thông máu.

3. 7. Massage mắt

Massage mắt kích thích lưu thông máu, giúp cơ mắt thư giãn và giảm căng thẳng sau một ngày dài hoạt động.

Cách thực hiện:

Nhắm mắt, dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng xoa tròn quanh hốc mắt.
Massage từ trong ra ngoài trong khoảng 1 - 2 phút.
Thực hiện nhiều lần trong ngày khi thấy mỏi mắt.

3. 8. Kết hợp tập thở sâu

Thở sâu giúp cung cấp oxy đầy đủ cho cơ thể, tăng cường lưu thông máu đến mắt và giảm căng thẳng toàn thân, hỗ trợ cải thiện sức khỏe thị lực.

Cách thực hiện:

Tư thế ngồi thẳng, nhắm mắt và thực hiện thở sâu (hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng).
Tập trung vào hơi thở trong 5 - 10 phút.
Thực hiện bài tập này mỗi ngày 2 - 3 lần.

4. Lưu ý khi thực hiện các bài tập cho người loạn thị

- Kiên trì thực hiện bài tập mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

- Chọn nơi đủ ánh sáng tự nhiên, tránh ánh sáng chói hoặc không gian quá tối.

- Ngồi thoải mái, tránh căng thẳng hoặc giữ tư thế sai lệch khi tập.

- Tránh thực hiện các bài tập nếu mắt đang quá mệt, đỏ, hoặc có dấu hiệu đau nhức. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ trước khi tiếp tục.

- Nếu cảm thấy khó khăn hoặc không thoải mái khi thực hiện bài tập, cần giảm cường độ hoặc thay đổi bài tập khác.

- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C, E và các khoáng chất tốt cho mắt.

- Kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tiếp xúc lâu với màn hình máy tính hoặc điện thoại.

- Đảm bảo ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi hoàn toàn.

- Duy trì các phương pháp điều trị, khám mắt định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu mắt có dấu hiệu bất thường.

BSNT. Hương Trà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-tot-cho-nguoi-loan-thi-169241229163514335.htm
Zalo