Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54: Tưởng tượng bạn là đại dương
Chủ đề cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 được đánh giá khá thú vị khi người viết tưởng tượng mình là đại dương. VietNamNet xin giới thiệu bài mẫu, độc giả có thể tham khảo.
Năm 2025, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”. Tiếng Anh là: “Imagine you are the ocean. Write a letter to someone explaining why and how they should take good care of you”.
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 54:
Bạn học trò thân mến!
Tôi là đại dương. Tôi viết cho bạn những dòng này bởi bạn là thế hệ sẽ làm chủ tương lai. Sự thay đổi tư duy, ý thức của bạn sẽ dẫn đến sự thay đổi về hành động. Điều đó thôi thúc tôi đã giãi bày suy nghĩ, tâm tình với các bạn – những học trò, chủ nhân của đất nước một ngày không xa.
Bạn biết không ai cũng đều có một nỗi sợ của riêng mình. Có người sợ độ cao, có người sợ bóng tối, có người sợ giao tiếp… Còn tôi, nỗi sợ lớn nhất của mình là rác.
Cuộc sống của con người từ bao đời nay luôn gắn bó với môi trường thiên nhiên, trong đó biển và đại dương bao phủ hơn 2/3 bề mặt, chứa đựng hơn 95% lượng nước trên Trái đất. Tôi đã đem lại cho các bạn một nguồn lợi khổng lồ về kinh tế, du lịch, đời sống… Tôi cũng chiếm một vai trò vô cùng quan trọng trong môi trường sống của loài người.
Vậy nhưng điều nhức nhối đang được nhiều quốc gia quan tâm là rác thải nhựa và việc khai thác, sử dụng tài nguyên của tôi thiếu bền vững, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam được coi là một quốc gia thuộc nhóm đầu về sử dụng đồ nhựa một lần (tạo rác thải cực lớn) và rác thải đó theo gió, theo dòng nước trôi ra biển. Quá trình phân hủy cũng tạo nên các vi hạt nhựa, có thể xâm nhập vào các cơ thể sống, gây nên nhiều bệnh tật khó chữa.
Theo Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm 50-80% lượng rác thải biển. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về lượng chất thải xả ra biển, với 0,28- 0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6% tổng chất thải nhựa ra biển của thế giới).
Do đặc điểm biển Việt Nam có dòng hải lưu thay đổi theo mùa, là khu vực có lưu lượng tàu bè tấp nập vào bậc nhất thế giới, vì vậy vùng biển Việt Nam thường xuyên bị rác thải, ô nhiễm… Bên cạnh đó, kinh tế xã hội phát triển nên ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển.
Ngân hàng Thế giới từng có một nghiên cứu chi tiết vào 2015 về rác thải nhựa ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, chỉ số bờ biển sạch (CCI) của Việt Nam ở mức 71% (100% là bẩn nhất), điều đó có nghĩa ven biển nước ta rất bẩn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28 – 0,73 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều này đe dọa đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.
Bạn thân mến, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương là câu chuyện dài hơi, cần sự vào cuộc, sự quan tâm của toàn xã hội. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng cá nhân, mà trước hết ở các bạn - thế hệ mới của đất nước. Chúng ta cần tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, xã hội, đến thế hệ mai sau; từ đó nhận thức và tự thấy rằng cần phải bảo vệ môi trường cho chính họ.
Điều đầu tiên bạn và mọi người có thể làm là ngừng xả rác ra biển, ngư dân được vận động “mang rác vào bờ”. Hoạt động thu gom rác từ biển vào bờ phải được phát động rộng rãi tại địa phương. Theo đó, các xã, phường ven biển phải có ý thức, quyết tâm và cam kết trong việc tham gia quản lý rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu các giải pháp thay thế, chẳng hạn như các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường
Nhằm tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải làm từ nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về chất thải nhựa nói chung, ô nhiễm chất thải nhựa, đặc biệt là đánh giá vòng đời sản phẩm, nguy cơ ô nhiễm vi nhựa trong các thành phần môi trường, hàng hóa. Bên cạnh đó, hướng đến triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với các sản phẩm, bao bì chứa làm từ nhựa, phòng chống ô nhiễm nhựa cả trên đất liền, trên sông và ra biển…
Đặc biệt, tôi muốn bạn chia sẻ hình ảnh hoạt động hữu ích như gom rác thải, xử lý rác thải... rộng rãi trên các mạng xã hội, báo chí… để nỗi sợ rác thải không còn hiện hữu trong tôi, để đại dương trở nên trong sạch. Bạn biết đấy, bảo vệ tôi chính là bảo vệ môi trường sống của bạn.