Thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ khởi động lại dự án điện hạt nhân

Khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một nội dung nằm trong sự kiện đầu tiên trong Top 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành Công Thương năm 2024; đây cũng đồng thời là sự kiện đứng thứ 1 trong Top 10 sự kiện của ngành Khoa học và Công nghệ. Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của điện hạt nhân với an ninh năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Và các bước để thực hiện dự án này đang được các bên liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc làm việc với Nhật Bản về điện hạt nhân. (Ảnh: Bộ CT)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc làm việc với Nhật Bản về điện hạt nhân. (Ảnh: Bộ CT)

Phát triển điện hạt nhân đảm bảo an ninh năng lượng

Điện hạt nhân là nguồn điện lớn, sản lượng điện sản xuất không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, là nguồn điện nền, đáp ứng nhu cầu điện ổn định. Vai trò của nguồn điện này trên thế giới cũng đã được khẳng định. Hội nghị Thượng đỉnh COP28 (2023) đã chính thức công nhận điện hạt nhân là một nguồn năng lượng sạch không phát thải khí nhà kính. Phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Hiện có 32 quốc gia trên thế giới sử dụng nguồn năng lượng này để phát điện, tạo ra khoảng 9,1% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023. Nguồn năng lượng hạt nhân được phát triển chủ yếu tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Hoa Kỳ là nước sản xuất lớn nhất, trong khi Pháp có thị phần điện năng được tạo ra lớn nhất. Đáng chú ý, nhiều quốc gia đã tái khởi động và phát triển rất mạnh nguồn điện này, kể cả những nước có ý định "đóng cửa" điện hạt nhân sau sự cố Nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hiện công nghệ của nhiều nước đã phát triển ở mức an toàn rất cao, thậm chí còn an toàn hơn rất nhiều các nguồn điện truyền thống khác, quy mô linh hoạt nên rất phù hợp với đặc điểm, địa hình, nhu cầu của nhiều địa phương, nhiều quốc gia.

Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia về điện, việc bổ sung điện hạt nhân vừa để chạy nền trong biểu đồ phụ tải, vừa cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch là cần thiết và sẽ giải quyết bài toán ổn định trong quá trình vận hành hệ thống điện. Đồng thời, việc thực hiện dự án này còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.

Nhiều thuận lợi để triển khai điện hạt nhân

Theo đánh giá, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai điện hạt nhân. Trong đó, việc Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị điện hạt nhân rất lâu được đánh giá là thuận lợi nhất. Chưa kể, Việt Nam cũng đã có cả địa điểm dự kiến xây dựng cho đến công nghệ, công suất ước tính bao nhiêu...

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện này, 15 năm trước qua khảo sát xác định, có đến 13 - 14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp. Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch...

Ngoài ra, nguồn nhân lực về khoa học công nghệ cũng đã chuẩn bị khá bài bản khi đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đã được đào tạo về điện hạt nhân từ 20 năm qua. Theo đó, đã có gần 500 sinh viên được tuyển chọn đào tạo tại Nhật, Nga và Pháp. Hàng trăm chuyên gia cũng được thực tập trao đổi tại Nhật Bản và Nga...

Hiện 32 quốc gia đã sử dụng điện hạt nhân. (Ảnh: ST)

Hiện 32 quốc gia đã sử dụng điện hạt nhân. (Ảnh: ST)

PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, cách đây 15 năm, Thủ tướng đã có Quyết định phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử". Trong đó, Trường Đại học Điện lực là một trong 6 cơ sở đào tạo được tham gia vào đề án và đã tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo kỹ sư về điện hạt nhân. Đến năm 2018, đã phát triển trở thành ngành kỹ thuật hạt nhân riêng cho trường.

Theo thông lệ quốc tế, một nhà máy điện hạt nhân cỡ 1GW điện cần nguồn nhân lực cho 3 bộ phận: Nhân lực vận hành, cơ bản cần 600 - 650 nhân lực; nhân lực bảo hành, bảo trì; nhân lực phục vụ. Như vậy, một nhà máy điện hạt nhân về cơ bản sẽ cần khoảng từ 700 - 750 nhân lực, nếu có một tổ máy. Nếu số lượng tổ máy tăng lên mức từ 2 - 3, sẽ cần khoảng đến hàng nghìn nhân lực. Trong khi đó, ở bộ phận kỹ thuật, các trường của Bộ Công Thương có thể đảm nhận đào tạo được. Hiện nay, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo được khoảng 188 kỹ sư về ngành điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều học viên trong số đó đã chuyển sang ngành nghề khác, trong khi một số người vẫn ở lại nước ngoài học tập.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 72/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Thường trực là Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn. Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng Ban.

Chưa kể, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có cuộc công du sang Nhật Bản để đề nghị phía Nhật Bản rà soát các cam kết theo thỏa thuận đã ký kết năm 2011, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về tài trợ vốn cho Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Dự án sẽ được trình Quốc hội vào quý II/2025

Ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, Ninh Thuận sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo chủ trương của Trung ương, Quốc hội, nhất là chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các Quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân. Đồng thời, xác định cụ thể lộ trình triển khai các nhà máy để tỉnh có cơ sở điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển cho loại hình năng lượng này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để sớm tái khởi động dự án, Bộ Công Thương sẽ phải ngay lập tức thực hiện song song nhiều việc. Trong đó, việc đầu tiên là Bộ sẽ phối hợp với các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để rà soát và bổ sung 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII.

Dự án này dự kiến được khởi động lại từ tháng 1/2025 và cần hoàn thành các công đoạn này trước tháng 3/2025. Sau đó, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, rà soát các công việc và triển khai để giao EVN làm chủ đầu tư các dự án ở Ninh Thuận. Việc này theo Bộ trưởng Diên, sẽ làm và phải hoàn thành xong trước ngày 1/2/2025 để trùng với thời điểm các quy định có hiệu lực.

Mô hình của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây. (Ảnh: Tư liệu)

Mô hình của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây. (Ảnh: Tư liệu)

Cùng với đó, chủ đầu tư (EVN) phải khẩn trương thuê tư vấn để rà soát, cập nhật các thông tin, điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại chủ trương đầu tư hoàn chỉnh dự án. Theo quy định, các dự án đầu tư lớn 10 tỷ USD phải đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Dự kiến, dự án này sẽ được trình lên Quốc hội muộn nhất là vào đầu quý II/2025.

Tiếp đó, sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư sẽ chọn tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo tiền khả thi (FS) ngay đầu quý III/2025. Và chủ đầu tư (EVN) rà soát lại nguồn nhân lực đã được đào tạo (nếu còn điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục phối hợp với các đối tác đào tạo lại); Đồng thời lập kế hoạch đào tạo mới, chú trọng các đối tác có hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ. Việc này hoàn thành trong quý II/2025 và dự kiến phát điện trước 2035.

Ngoài ra, EVN khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung (nếu cần) và tiếp tục triển khai xây dựng các dự án hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia, nhà điều hành tại khu vực dự án... “Tất cả những gì chuẩn bị cho dự án này là phải triển khai ngay, không chần chừ, không chờ đợi, không có bất kỳ sự trì hoãn nào” - Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thuc-day-manh-me-tien-do-khoi-dong-lai-du-an-dien-hat-nhan-post538411.html
Zalo