Triển vọng đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
Tháng 12-2024, Trường đại học Lạc Hồng đã khánh thành và đưa vào sử dụng Phòng Thực hành vi mạch bán dẫn, khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực đào tạo đầy tiềm năng này.
Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường còn chuẩn bị về đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo và cả hợp tác với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tăng cường tiếp cận với thực tiễn.
Đầu tư mạnh cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đang được xem là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và có ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực. Đồng Nai với vai trò là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước đang đặt quyết tâm trở thành một trong những địa phương trọng điểm trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vi mạch bán dẫn. Trong bối cảnh đó, việc phát triển các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn là yếu tố đặc biệt quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này.
Theo Giám đốc Kinh doanh của Công ty Synopsys khu vực Nam Á TRỊNH THANH LÂM, Synopsys hiện có hơn 600 kỹ sư làm việc tại các trung tâm thiết kế đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tham gia vào sản xuất các sản phẩm rất hiện đại của hãng trên toàn cầu. Chất lượng kỹ sư người Việt Nam rất tốt, vấn đề là làm sao chuyển giao được công nghệ vào các trường đại học để đào tạo nhân lực ngành này.
Nắm bắt xu thế đó, Trường đại học Lạc Hồng xác định vi mạch bán dẫn không chỉ là một chuyên ngành đào tạo, mà còn là nhiệm vụ chiến lược. Nhà trường đã xây dựng chuyên ngành công nghệ kỹ thuật vi mạch (thuộc ngành kỹ thuật điện - điện tử). Nhà trường đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ như: cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo về vi mạch bán dẫn tại nhiều trường đại học trong nước và trên thế giới, tham gia các hội thảo và các khóa đào tạo tại các tập đoàn lớn như: Onsemi, Intel, TOKIN Electronics (Việt Nam)…; tham quan và làm việc với các đối tác tại Đài Loan… Trường mở rộng mối quan hệ và ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác chiến lược, bao gồm các trường đại học lớn, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng nhằm xây dựng mạng lưới nghiên cứu - đào tạo toàn cầu.
“Đặc biệt, nhà trường là đối tác hợp tác chiến lược của Trường đại học Arizona (Hoa Kỳ). Trong đó, Trường đại học Arizona sẽ chuyển giao chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn cho Trường đại học Lạc Hồng” - tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, cuối năm 2024, Trường đại học Lạc Hồng đã đầu tư Phòng Thực hành vi mạch bán dẫn với tổng vốn đầu tư hơn 6,7 tỷ đồng. Phòng này trang bị các công cụ tiên tiến như: bộ KIT HAPS 100 - nền tảng mô phỏng phần cứng hàng đầu tại Việt Nam, hệ thống phần mềm thiết kế vi mạch hiện đại.
Giám đốc Kinh doanh Công ty Synopsys khu vực Nam Á Trịnh Thanh Lâm cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Đối với một trường đại học ở Việt Nam thì việc đầu tư Phòng Thực hành vi mạch bán dẫn của Trường đại học Lạc Hồng là khá lớn. Thiết bị của phòng thực hành này giúp sinh viên có được cái nhìn trực quan về việc thiết kế vi mạch bán dẫn, từ đó có thể yên tâm bắt tay vào lĩnh vực này.
Kỳ vọng vào chuyên ngành đào tạo mới
Ông Trịnh Thanh Lâm khẳng định: “Synopsys có cam kết đầu tư lâu dài, muốn thành đối tác chiến lược của Trường đại học Lạc Hồng. Công ty không chỉ cung cấp các phần mềm thiết kế, mà còn chuyển giao những công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới cho nhà trường”.
Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên
Hòa 2) Phạm Thị Kim Hoàng cho biết, công ty đã ký hợp tác chiến lược với Trường đại học Lạc Hồng. Trong thời gian tới, công ty sẽ tổ chức thêm các chương trình thực tập sinh cho sinh viên của trường và có những hỗ trợ về chương trình đào tạo để giúp sinh viên có cái nhìn rõ nét hơn về chuyên ngành vi mạch bán dẫn trong môi trường làm việc thực tế. Từ đó, sinh viên có thêm động lực hoàn thành chương trình học một cách tốt nhất để sau này trở thành những kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn cho thị trường lao động ở Việt Nam.
“Ngành bán dẫn đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực ở tất cả các khâu: thiết kế, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử. Các doanh nghiệp mong các trường đại học sẽ đầu tư nhiều hơn cho ngành đào tạo này để sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc” - bà Hoàng chia sẻ.
Với đầu tư căn bản, Phòng Thực hành vi mạch bán dẫn của Trường đại học Lạc Hồng sẽ không chỉ là nơi đào tạo sinh viên, mà còn là không gian hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Với việc đi đầu trong đầu tư và chuyển giao công nghệ, Trường đại học Lạc Hồng đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về vi mạch bán dẫn tại khu vực Đông Nam Bộ. Trường cam kết phối hợp với chính quyền tỉnh để tổ chức các hội thảo, chương trình kết nối doanh nghiệp, tạo môi trường học thuật và ứng dụng lý tưởng cho sinh viên và nhà nghiên cứu.
Theo tiến sĩ Lâm Thành Hiển, ngành vi mạch bán dẫn còn khá mới và cần đầu tư nhiều. Do đó, hiện trường ưu tiên đào tạo đội ngũ giảng viên và xây dựng chương trình đào tạo. Đối với đào tạo sinh viên, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên trường đào tạo ngành này với khoảng 30 sinh viên.